... đầu tiên phải làm rõ chê giáo dục VN là chê so với cái gì? ... Nếu là kém so với các mảng khác ở VN thì việc nâng cấp giáo dục đúng là nhu cầu cấp thiết; còn nếu chỉ đơn giản là kém so với thế giới thì có lẽ chưa cấp thiết lắm.Đúng là trong post trước tôi công nhận ngay lập tức phải nâng cấp giáo dục, vì nghĩ là vấn đề này nhiều người đồng tình không cần thuyết phục. Nếu cần thuyết phục, thì cũng sẽ phải đi theo phân tích như hophi, nhưng cần phải đi sâu hơn đáng kể. Bản thân chuyện so sánh với các nước khác hay so sánh với các ngành khác không phải là nền tảng để đánh giá chính sách công, vì nó chỉ nhằm giải quyết việc có một ngành ngang hàng với thế giới (dù là thế giới các nước nghèo bằng nhau), hay là có một ngành ngang hàng với các ngành khác (dù cũng phải đặt tiêu chuẩn so sánh các ngành khác nhau).
Cơ sở nền tảng của chính sách công phải là phúc lợi của xã hội, tức là phúc lợi của toàn dân (so sánh: nhiều bài báo hay nói đến "làm thiệt hại cho Nhà nước hàng tỷ đồng", vv.) Để ý là bản thân tăng trưởng không nhất thiết đem phúc lợi, vì nếu nhịn ăn bạt mạng để tiết kiệm cho tăng trưởng cao thì cũng không phải là cách có phúc lợi nhất. Cụ thể phúc lợi như thế nào, dĩ nhiên là không viết hết ra đây được. Một cách hiểu thô sơ thì phúc lợi là những gì từng cá nhân, gia đình mong muốn mình được hưởng nhất.
Từ nền tảng này, mới tính đến chuyện chính sách công sẽ tốn bao nhiêu chi phí, về thời gian, công sức, hy sinh của một bộ phận xã hội (mà cũng cần quy ra phúc lợi cả), và để đạt được kết quả như thế nào, kể cả hiện tại lẫn lâu dài (tức là bao gồm cả phúc lợi trong tương lai, có được từ tăng trưởng). Từ đó, mỗi chính sách công cần gắn liền với lợi ích và chi phí, và bản chất của việc quyết định lựa chọn chính sách nào chính là sự quyết định lợi ích và chi phí thế nào thích hợp nhất.
Ví dụ trong trường hợp giáo dục, câu chuyện tôi đã mặc định trong post trước là có nhiều điểm trong giáo dục không cần phải chi phí quá kinh khủng mà lại có kết quả vô cùng lớn. Nếu như vậy, thì dù cho giáo dục có đang có vị thế tốt hơn ngành khác (ngành sản xuất máy bay chẳng hạn, VN dĩ nhiên rất yếu), nhưng vẫn cần ưu tiên giáo dục hơn. Cũng vậy, so sánh với các nước khác (cần phải là các nước ở mức độ chung ngang tầm với VN) cũng chỉ để phán đoán và trả lời câu hỏi tại sao các nước khác chưa làm được hay đã làm được việc này việc kia, chứ không phải nền tảng để quyết định việc ưu tiên chính sách công nào.
Thực tế sẽ có nhiều ngành cần ưu tiên cùng một lúc, chủ yếu vì lợi ích lâu dài so với sự đầu tư chấp nhận được. Cũng phải nói ở đây là có những chi phí, những rào cản về chính sách, chính trị và thể chế rất cao, và cần tính đến đầy đủ. Trong post trước, tôi cũng muốn nói đến một giải pháp bao quát cho cả những chi phí, rào cản này. Nếu không bao quát được, thì những rào cản này sẽ đem lại hạn chế rất lớn, và sẽ khó thực hiện được chính sách nào.
Trên đây tôi tóm gọn chút ít nguyên tắc lựa chọn chính sách công. Tôi cũng tạm không nói đến những nội dung khác, như là chi phí cho chính sách công bắt nguồn từ đâu, ảnh hưởng đến sự vận hành của xã hội/thị trường thế nào, và bản thân chuyện so sánh phúc lợi trong xã hội như thế nào. Chuyện đó, để sau sẽ nói.