Saturday, August 21, 2010

Đánh giá thực thi chính sách công

Nhân comment của bạn hophi (ngày trước có lần viết thành Hồ Phỉ liền bị bạn từ chối gay gắt), tiện đây tôi viết một post ngắn về chuyện đánh giá thực thi chính sách công. Ý hophi trong comment trước:
... đầu tiên phải làm rõ chê giáo dục VN là chê so với cái gì? ... Nếu là kém so với các mảng khác ở VN thì việc nâng cấp giáo dục đúng là nhu cầu cấp thiết; còn nếu chỉ đơn giản là kém so với thế giới thì có lẽ chưa cấp thiết lắm.
Đúng là trong post trước tôi công nhận ngay lập tức phải nâng cấp giáo dục, vì nghĩ là vấn đề này nhiều người đồng tình không cần thuyết phục. Nếu cần thuyết phục, thì cũng sẽ phải đi theo phân tích như hophi, nhưng cần phải đi sâu hơn đáng kể. Bản thân chuyện so sánh với các nước khác hay so sánh với các ngành khác không phải là nền tảng để đánh giá chính sách công, vì nó chỉ nhằm giải quyết việc có một ngành ngang hàng với thế giới (dù là thế giới các nước nghèo bằng nhau), hay là có một ngành ngang hàng với các ngành khác (dù cũng phải đặt tiêu chuẩn so sánh các ngành khác nhau).

Cơ sở nền tảng của chính sách công phải là phúc lợi của xã hội, tức là phúc lợi của toàn dân (so sánh: nhiều bài báo hay nói đến "làm thiệt hại cho Nhà nước hàng tỷ đồng", vv.) Để ý là bản thân tăng trưởng không nhất thiết đem phúc lợi, vì nếu nhịn ăn bạt mạng để tiết kiệm cho tăng trưởng cao thì cũng không phải là cách có phúc lợi nhất. Cụ thể phúc lợi như thế nào, dĩ nhiên là không viết hết ra đây được. Một cách hiểu thô sơ thì phúc lợi là những gì từng cá nhân, gia đình mong muốn mình được hưởng nhất.

Từ nền tảng này, mới tính đến chuyện chính sách công sẽ tốn bao nhiêu chi phí, về thời gian, công sức, hy sinh của một bộ phận xã hội (mà cũng cần quy ra phúc lợi cả), và để đạt được kết quả như thế nào, kể cả hiện tại lẫn lâu dài (tức là bao gồm cả phúc lợi trong tương lai, có được từ tăng trưởng). Từ đó, mỗi chính sách công cần gắn liền với lợi ích và chi phí, và bản chất của việc quyết định lựa chọn chính sách nào chính là sự quyết định lợi ích và chi phí thế nào thích hợp nhất.

Ví dụ trong trường hợp giáo dục, câu chuyện tôi đã mặc định trong post trước là có nhiều điểm trong giáo dục không cần phải chi phí quá kinh khủng mà lại có kết quả vô cùng lớn. Nếu như vậy, thì dù cho giáo dục có đang có vị thế tốt hơn ngành khác (ngành sản xuất máy bay chẳng hạn, VN dĩ nhiên rất yếu), nhưng vẫn cần ưu tiên giáo dục hơn. Cũng vậy, so sánh với các nước khác (cần phải là các nước ở mức độ chung ngang tầm với VN) cũng chỉ để phán đoán và trả lời câu hỏi tại sao các nước khác chưa làm được hay đã làm được việc này việc kia, chứ không phải nền tảng để quyết định việc ưu tiên chính sách công nào.

Thực tế sẽ có nhiều ngành cần ưu tiên cùng một lúc, chủ yếu vì lợi ích lâu dài so với sự đầu tư chấp nhận được. Cũng phải nói ở đây là có những chi phí, những rào cản về chính sách, chính trị và thể chế rất cao, và cần tính đến đầy đủ. Trong post trước, tôi cũng muốn nói đến một giải pháp bao quát cho cả những chi phí, rào cản này. Nếu không bao quát được, thì những rào cản này sẽ đem lại hạn chế rất lớn, và sẽ khó thực hiện được chính sách nào.

Trên đây tôi tóm gọn chút ít nguyên tắc lựa chọn chính sách công. Tôi cũng tạm không nói đến những nội dung khác, như là chi phí cho chính sách công bắt nguồn từ đâu, ảnh hưởng đến sự vận hành của xã hội/thị trường thế nào, và bản thân chuyện so sánh phúc lợi trong xã hội như thế nào. Chuyện đó, để sau sẽ nói.

19-20 tháng 8 năm 2010

Hai ngày hôm nay có hai tin đáng nhớ. Anh Ngô Bảo Châu chính thực được trao Huy chương Fields, giải thưởng cao nhất về toán học. Ông Đặng Phong cũng mới qua đời (thông tin từ blog của anh Lê Hồng Giang) vì ung thư cổ họng từ một thời gian. Tôi kịp gặp anh Châu một tuần trước, trong khi không kịp gặp được ông Phong một lần nào. Anh Châu được Huy chương Fields thực sự là điều mừng không thể tưởng tượng nổi, chẳng phải mừng cho nền khoa học hay sự phát triển của Việt Nam, mà mừng vì cảm thấy một người mình có liên hệ đã đạt đến một đỉnh cao khoa học. Ông Phong ra đi là một sự mất mát lớn; nếu không có bệnh có lẽ ông có thể sống và cống hiến nhiều hơn cho khoa học kinh tế và lịch sử Việt Nam. Có lẽ ông là người có cống hiến thuộc bậc nhất cho lịch sử Việt Nam, lịch sử kinh tế Việt Nam, và kể cả kinh tế học Việt Nam thời hiện đại.

Ngày trước, trong số những câu thơ Đường bố tôi rất thích, có hai câu này trong bài Biệt Đổng Đại của Sầm Tham, nay nghĩ đến tất cả những người có để lại di sản nghiên cứu khoa học mà trích lại đây:

"Thập lý hoàng vân bạch nhật huân
Bắc phong xuy nhạn tuyết phân phân
Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ
Thiên hạ thùy nhân bất thức quân."

Trong truyện Thần điêu hiệp lữ của Kim Dung có nhân vật Lý Mạc Sầu, dễ là không liên quan gì.

Friday, August 6, 2010

Thử suy nghĩ về giáo dục ở Việt Nam

Thời gian gần đây tôi dành thời gian sống ở Việt Nam, và dĩ nhiên là nghe rất nhiều ý kiến chê hệ thống giáo dục của Việt Nam, tất cả đều đánh giá ở mức rất xấu trở xuống. Vì thế hôm nay tôi bắt đầu một chuỗi bài mở trên blog để sắp xếp suy nghĩ của mình về vấn đề này. Tôi rất hoan nghênh mọi người vào bình luận, và xin nói trước là sẽ tự tiện lấy ý của mọi người vào trong thân bài của tôi, tất nhiên có trích dẫn nguồn.

I. Suy nghĩ đầu tiên: Việc thay đổi hệ thống giáo dục từ gốc đến ngọn là vô cùng cần thiết, cần làm mạnh và ngay lập tức. Những lý do có rất nhiều, giở bất cứ tờ báo nào ra cũng thấy nhan nhản. Thường thì những chính phủ có trách nhiệm đều sẽ phải đặt vấn đề này. Chính phủ và Bộ Giáo dục ở Việt Nam cũng đã đặt câu hỏi về vấn đề này từ lâu. Tôi đoán bạn đọc hầu hết cũng đồng tình, nên không đi sâu vào suy nghĩ này nữa.

II. Suy nghĩ thứ hai: Cách tốt nhất để thiết kế và thực hiện sự thay đổi là thuê một công ty tư vấn đỉnh cao làm một dự án từ đầu cho đến cuối, cộng với sự tham vấn của Ngân hàng Thế giới, và vận động nguồn lực một phần từ ngân sách, phần khác từ các tổ chức phát triển nước ngoài. Có thể nhiều bạn đọc không đồng tình, nhưng tôi nghĩ đây là cách chuyên nghiệp nhất, dễ thành công nhất, vì sẽ có những cá nhân và tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm, có phản biện chất lượng, có thông tin minh bạch, có quản lý hiệu quả công tác thực hiện. Một khoản 10-20 triệu USD để có thể làm tốt hệ thống giáo dục là một cái giá quá hời cho đất nước. Hơn nữa, cũng sẽ có "bánh" để "chia", để dàn xếp chuyện chính trị cục bộ. Và cũng sẽ đảm bảo có "kinh nghiệm thực tế" Việt Nam, không sợ kết quả không phù hợp với hoàn cảnh trong nước.

Nhưng tất nhiên là nói chơi như vậy, chứ cũng không thể vượt qua được các rào cản tầm cỡ quốc gia để thực hiện cách này. Vì không thể mời tư vấn chuyên nghiệp, nên vẫn có chỗ cho các suy nghĩ khác của tôi :-).

Tạm thời cứ đặt gạch ở đây đã, sau sẽ viết thêm.
III. Suy nghĩ thứ ba: Tháp dân số đặc biệt của Việt Nam, và hoạt động của thị trường giáo dục.

IV. Suy nghĩ thứ tư: Hoạt động của thị trường giáo dục và các hạn chế về hành chính, chính trị, và văn hóa của xã hội Việt Nam.

V. Suy nghĩ thứ năm: Chữ tín, quy tắc và sự đảm bảo chất lượng, đối chọi với mở cửa thị trường.

VI. Suy nghĩ thứ sáu: Rào cản về ngân sách và hành chính công.

VIII. Suy nghĩ thứ bẩy: Khả thi chính trị.

Wednesday, August 4, 2010

Khôi phục

Sau một thời gian ngừng viết blog, tôi đã khôi phục lại blog của mình. Do không giữ được tên cũ "Tản Mạn Đàm" nên ngẫu nhiên đặt tên mới là "Duy Lý Nhân". "Duy Lý" là lấy từ chữ "Rational" trong ngành Kinh tế học. "Nhân" là lấy từ trong câu "Nhân chi sơ tính bản thiện", không phải chữ "Nhân" trong "Mưu sự tại Nhân thành sự tại Thiên".

Cảm ơn các bạn qua đọc chơi.