Saturday, July 25, 2009

Mại dâm

Trong một post cách đây vài tháng, tôi có hứa với bác Linh là sẽ viết về ý tưởng phản đối mại dâm vì ảnh hưởng ngoại vi kinh tế (economic externality), hôm nay cố gắng hoàn thành bài viết nợ đã lâu này.

**********************************

Steve Levitt, tác giả cuốn sách Freakonomics, lại có một bài viết mới (hiện còn rất thô sơ) về mại dâm, cùng với nhà xã hội học Sudir Venkatesh. "Lại", vì trước đây Levitt có cộng tác với Venkatesh viết về xã hội đen ở Chicago, một bài báo độc đáo đã đăng trên Quarterly Journal of Economics (báo hàng đầu trong kinh tế học). Tiện đây, tôi viết thêm một chút về suy nghĩ của mình về mại dâm.

Phần nhiều các nhà kinh tế học coi mại dâm là một giao dịch tương đối thông thường, cho dù là phạm pháp ở hầu hết các nơi trên thế giới. Thông thường, theo nghĩa là nó hầu như chỉ liên quan đến hai bên, người mua và người bán, và hầu như không sinh ra các yếu tố ngoại vi ảnh hưởng đến xã hội nói chung. Thông thường nữa, vì xã hội có nhu cầu rất cao, nên thị trường đen của giao dịch này vẫn nở rộ ở những nơi nó bị pháp luật cấm. Thông thường nữa, vì nó thường không gây nghiện, nên không tạo ra một cơ sở khách hàng sử dụng theo thói quen, như là với giao dịch buôn bán ma túy, thuốc phiện. Dựa vào những quan điểm như vậy, thì không có lý do kinh tế gì đáng kể để biện luận cho việc cấm đoán mại dâm cả.

Có thể có những lý do xã hội để cấm đoán mại dâm, dựa vào các quan niệm về giá trị đạo đức, giá trị con người, vân vân. Trong nhiều xã hội, những quan điểm như vậy chiếm vị trí rất quan trọng, vì thế hầu như không thể có giải pháp chính trị cho việc hợp thức hóa mại dâm (giải pháp chính trị theo nghĩa là có một thế lực chính trị đủ mạnh để lập pháp theo hướng này). Bàn đến giá trị đạo đức thực sự của hoạt động mại dâm là một vấn đề phức tạp: không phải chỉ có việc suy nghĩ xem hoạt động mại dâm có vi phạm đạo đức con người hay không (đạo đức loài người nói chung, tôi không nói đến đạo đức của từng xã hội cụ thể), mà còn cần suy nghĩ xem việc cấm hoạt động mại dâm có vi phạm đạo đức con người hay không nữa. Tôi sẽ không bàn tới chủ đề này trong bài viết này.

Bài viết này tập trung về khả năng có một dạng ảnh hưởng ngoại vi kinh tế của hoạt động mại dâm. Ngoại vi kinh tế ở đây tức là nhìn theo góc độ kinh tế, chứ không phải là nó liên quan đến tiền bạc (có rất nhiều chủ đề kinh tế dính líu rất ít đến tiền bạc). Ảnh hưởng này liên quan đến quan hệ giá thú, mà tôi sẽ tạm gọi là thị trường giá thú (marriage market), bất kể các nhà xã hội học có phản đối :D.

Để tránh dài dòng, tôi xét đến quan hệ mại dâm giữa đàn ông Y và phụ nữ X, và chỉ xét quan hệ khác giới. Trong đó X hoạt động chuyên nghiệp, có thể có quan hệ giá thú, song trong đó chồng của X nằm hoàn toàn thông tin về nghề nghiệp của X. Ngược lại, Y không hoạt động chuyên nghiệp, và vợ của Y là Z không nắm thông tin gì về quan hệ giữa Y và X cả. Dĩ nhiên, có thể có trường hợp ngược lại, khi Y chuyên nghiệp, X không chuyên, song thực tế thì trường hợp này ít hơn, và phân tích của tôi không khác gì nếu lật ngược vai trò như vậy cả.

Về quan hệ kinh tế giữa Y và X, tạm hiểu đây là quan hệ thương mại thông thường (không có vấn đề bức ép, không có vấn đề môi giới kiểu độc quyền, không có vấn đề ngoại vị về bệnh tật, tâm lý vv.), nên khi hai bên đồng thuận thì trao đổi sẽ là phúc lợi đối với cả hai. Tuy vậy, đối với Z, quan hệ giữa X và Y đem lại ảnh hưởng tâm lý xấu tương đối lớn. Tôi công nhận giả định này như là một đặc tính của con người; nhưng sẽ thả lỏng giả định này sau. Trong trường hợp này, quan hệ giữa X và Y tạo ra ảnh hưởng ngoại vi xấu đến Z: xét về tổng thể, ảnh hưởng này có lẽ mạnh hơn nhiều so với phúc lợi của X và Y. Thông thường, trong thực tế ta quan sát thấy phụ nữ dễ suy sụp khi phát hiện chồng đi mua dâm (ví dụ trên VNExpress - mục Tâm sự :D), điều này tôi nghĩ là nặng hơn là sự sung sướng nhất thời của anh chồng, hay là số tiền kiếm được của cô gái bán dâm. Vì thế, trong một khung cảnh thông tin hoàn toàn thoáng và mở (tức là Z biết ngay X mua dâm với Y), thì quan hệ giữa X và Y không còn làm tăng phúc lợi của xã hội nữa (chí ít, không phải là theo nghĩa Pareto), mà có thể giảm phúc lợi tương đối nhiều (tuy vậy không phải giảm theo nghĩa Pareto).

Dĩ nhiên, trong tình huống này, đơn giản là Y và Z có contract rằng Y không được đi mua dâm với X. Khi Y và Z chấp nhận một hợp đồng kết hôn, thì điều ngầm hiểu là Y và Z không được có quan hệ mua dâm với người ngoài. Điều này sẽ tạo ra sự chọn lọc giữa những người lựa chọn kết hôn, và những người lựa chọn quan hệ mua dâm (tất nhiên là mỗi quan hệ đều có nhiều đặc điểm quan trọng khác nữa). Cơ bản, hợp đồng này có thể giải quyết được trường hợp ảnh hưởng xấu đến phúc lợi xã hội, và như vậy quan hệ mua dâm nếu xảy ra thì luôn tăng phúc lợi xã hội.

Tuy vậy, ta gặp phải vấn đề thứ hai, là quan hệ giữa X và Y có thể là quan hệ mật, Z không quan sát được. Trường hợp này, mà kinh tế học hay gọi là thông tin bất đối xứng, làm cho Z phải đối mặt với lựa chọn khó khăn. Thứ nhất, Z không biết là chọn Y như thế nào - vì có những Y thích quan hệ mật với X trong khi kết hôn với Z, và có những Y chỉ thích kết hôn với Z thôi: đây là vấn đề adverse selection. Thứ hai, một khi đã kết hôn, Z cần phải monitor hành động của Y: đây là vấn đề moral hazard. Cả hai vấn đề này đều gây ảnh hưởng xấu đến thị trường giá thú, và trong trường hợp cực đoan, có thể làm sụp đổ hoàn toàn thị trường giá thú.

Đứng từ góc độ phúc lợi xã hội, việc thị trường giá thú sụp đổ nhiều khả năng là kết quả không đáng có. Xét cho cùng, rất nhiều Y muốn và chỉ muốn kết hôn với một Z, song vì thị trường giá thú bị trục trặc nên họ không có lựa chọn kết hôn nữa. Ngay cả những Y thích kết hôn với Z và cùng lúc đó quan hệ với X, nếu phải lựa chọn giữa một trong hai, họ vẫn chọn Z hơn X (vì nhiều lý do khác nhau, như tình yêu chẳng hạn). Chưa kể là Z nói chung mong muốn kết hôn hơn.

Như vậy, một chính sách cấm mại dâm toàn xã hội có cơ sở kinh tế theo nghĩa nó tránh được ảnh hưởng ngoại vi từ thị trường mại dâm lên thị trường giá thú. Người chịu thiệt nhiều nhất là X, vì nhiều khả năng X vẫn sẽ phải hoạt động mại dâm (vẫn tốt hơn là lựa chọn khác), trong khi đó vừa phải giữ bí mật với Z, lại vừa phải giữ bí mật với nhà nước. Có thể coi X là "nạn nhân" của cơ chế xã hội. Nhưng cũng có thể coi nghề của X (dù bị cấm) là hiện tượng kinh tế tự nhiên, vì nó vẫn tạo ra phúc lợi cho cả X lẫn Y.

Hy vọng là luận điểm này về ảnh hưởng ngoại vi kinh tế của mại dâm đủ rõ ràng. Về mặt đạo đức, khó có thể nói là xã hội nên thiên vị nhóm nào hơn, Z hay X (cho dù nhóm Z có thể đông hơn nhóm X, vì nhóm X chuyên nghiệp nên phục vụ được nhiều Y hơn). Nếu dùng thêm khái niệm đạo đức cho người thiệt thòi nhất trong xã hội (Rawlsian) thì có lẽ nên ủng hộ nhóm X hơn, vì thế nên hợp thức hóa mại dâm. Còn nếu dùng khái niệm đạo đức như là ích lợi tổng thể của số đông (utilitarian - Bentham) thì có lẽ nên ủng hộ nhóm Z hơn.

Cũng cần nói là tôi chưa hề đề cập đến lợi ích của nhóm Y, vẫn là nhóm chính trị chính trong các xã hội hiện đại, và là nhóm nằm quyền hành thực sự. Vì thế bài này có thể coi là thuộc diện feminist được rồi, hì hì.

12 comments:

  1. Quốc Anh có đánh giá quá thấp phúc lợi mà Y nhận được khi tham gia thị trường không? Đối với khá nhiều Y, thì thị trường này mang lại lợi ích vô cùng lớn, biểu hiện rõ ràng là khi gặp khó khăn trong việc tham gia, Y sẵn sàng liều lĩnh làm bất kỳ điều gì, chẳng hạn "bụp" Z phẩy nào đó. :D

    Còn nếu xét thêm khía cạnh an toàn, bệnh tật, thì mô hình chắc khác nhiều. Ngay trên VNExpress :p, nhiều Z vẫn chấp nhận Y tham gia thị trường, chỉ yêu cầu không mang bệnh về mà thôi.

    ReplyDelete
  2. Đem quan điểm kinh tế ra đánh giá cái này có vẻ boring. Quan điểm xã hội học/ tâm lý học/ y tế cụ thể mà hay hơn nhiều. Cũng đồng ý với bạn Mèo trên kia, QA đã đánh giá thấp phúc lợi mà Y nhận được, đặc biệt những trường hợp Y kia là single - do bất kỳ lý do nào đó.

    ReplyDelete
  3. Bác chưa phân tích đến substitute của mại dâm khi đánh giá ảnh hưởng của việc cấm.

    Mô hình của bác cũng khiến tôi liên tưởng đến quan hệ ngoài giá thú. Ví dụ thay X bằng K, chưa có gia đình, sẵn sàng tình nguyện với Y (hoặc hai bạn này tự nguyện 1 night stand, cái này cũng dựa trên VNExpress :-D). Quan hệ này cũng mang lại lợi ích tinh thần cho cả hai, và gây ảnh hưởng xấu đến Z. Tuy nhiên tổng phúc lợi xã hội có thể tăng. Như ta đã thấy, độc giả VNexpress luôn băn khoăn không biết nên đứng về phía nào!

    ReplyDelete
  4. Nếu là mại dâm có tổ chức, vấn đề này có liên quan đến Minimum wage ở trong Labor economics. Bởi vì Mại dâm là lao động độc hại, gái mại dâm thông thường bị trả lương quá thấp so với sức lực họ bỏ ra và những ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sức khỏe lâu dài. Bản thân họ cũng không ý thức được mức lương họ trả là quá thấp nên họ vẫn cung cấp dịch vụ.

    Ngoài ra nếu chỉ tính Nam mua-nữ bán, như trong bài của QA, có chia hoạt động mại dâm làm hai dạng:

    1) Mại dâm với nhóm Nam độc thân: Trường hợp này dù không phát sinh externality thì vẫn làm giảm phúc lợi xã hội. Bởi vì thị trường gái mại dâm có thể coi là Lemond market. Một thanh niên gặp gỡ một cô gái bình thường, muốn have sex với cô đấy, anh ta thường "trả giá" bằng vật chất+ sự tôn trọng cao hơn khi gặp 1 gái mại dâm. Nghĩa là đã mang tiếng là gái mại dâm offer dịch vụ cũng giống như ô tô cũ đem bán. Cái này là adverse selection.

    2) Mại dâm với nhóm Nam có gia đình: trường hợp này chị thấy QA nói không đúng lắm. Bởi vì mô hình Adverse selection, đòi hỏi Nam phải biết rõ mình thuộc dạng Chung thủy hoặc Không chung thủy. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi ký hợp đồng hôn nhân và thông thường phải sống chung với nhau 1 thời gian, mới phát sinh vấn đề Chung thủy hay không. Đặc tính Chung thủy, trước và sau contract thay đổi, không phải là đặc tính bền vững để có thể xet adverse selection hay moral hazard này nọ.

    Một người Nam thỉnh thoảng quan hệ sex với gái mại dâm trước khi cưới không có nghĩa anh ta sẽ không chung thủy sau khi cưới. (Bởi vì anh ta quan hệ khi chưa tìm được bạn đời thôi.) Và ngược lại một người hoàn toàn không have sex với gái mại dâm đến tận khi cưới không có nghĩa là anh ta sẽ chung thủy mãi với vợ.

    Thông thường, đa số đàn ông khi cưới đều nghĩ là mình sẽ chung thủy với vợ thôi. Bởi vậy nếu như không chỉ ra được cơ chế Signaling, Screening hợp lý thì đưa vào mô hình adverse selection sẽ không hợp lý.

    Nkd

    ReplyDelete
  5. Một cô gái khi quyết định quan hệ với 1 thanh niên thì biết rõ mình là "gái nhà lành" hay "gái mại dâm". Ngoài ra cô ta có thể signal cho anh thanh niên biết mình là "gái nhà lành" bằng học vấn, hiểu biết của mình. Bởi vì gái mại dâm thường học thức và văn hóa kém. Ngược lại, người thanh niên cũng có thể screen một cô gái mình quen là "gái nhà lành" hay "gái mại dâm" trá hình, bằng nói chuyện dò hỏi chi tiết về học vấn và hiểu biết cuộc sống.

    Nhưng thông thường một thanh niên khi ký hợp đồng hôn nhân thì không thể đảm bảo chắc chắn anh ta có thể chung thủy suốt đời với vợ hay không. Số lượng đàn ông sau khi lấy vợ mới ngoại tình với gái quá lớn, cho nên không có chỉ dấu nào trước hôn nhân có thể đảm bảo đặc tính chung thủy của anh ta.

    Nkd

    ReplyDelete
  6. Có 1 số thông tin (hơi lộn xộn theo nhưng chắc chắn là chính xác với thị trường VN) như sau để thấy các tiền đề để phân tích trong bài này (thuần academic) khá là xa rời thực tế:

    1) Hầu hết gái mại dâm đều không có chồng ở thời điểm làm nghề mại dâm; nhưng hầu hết đều có "người yêu" ở thời điểm đấy.

    2) Người yêu của gái mại dâm nói chung biết được phần nào công việc của cô ý và cho đấy là việc chấp nhận được, miễn là cô ý đừng có bô bô ra.

    3) Một số lượng không nhỏ các bà vợ Việt Nam chấp nhận chuyện chồng thỉnh thoảng đi chơi bời 1 tẹo, miễn là không để lại hậu quả, và không bô bô ra.

    4) Việc thỉnh thoảng đi chơi bời 1 tẹo không có nghĩa là người đàn ông đấy không còn yêu thương vợ con.

    5) Gái mại dâm khi lấy chồng thì có thể nói là gần như tuyệt đối không làm mại dâm nữa. Tất nhiên là nếu bỏ chồng thì khả năng làm lại là cao.

    6) Độ tuổi hành nghề của đa số gái mại dâm là từ 18 cho đến 26, sau khi tích lũy đủ vốn thì bỏ nghề và sẽ đi lấy chồng.

    7) Xác suất để chồng sau khi cưới phát hiện ra vợ mình trước đây là gái mại dâm là cực thấp.

    8) Không nhiều nhưng chắc cũng đủ về số lượng số đàn ông sẵn sàng cưới gái mại dâm làm vợ, miễn là cô ý không bệnh tật và cam kết bỏ nghề.

    ReplyDelete
  7. Cái lý do của QA cho rằng thị trường giá thú có thể sụp đổ do ảnh hưởng ngoại vi của mại dâm, tôi cho rằng không thuyết phục lắm. Vấn đề ở đây phức tạp hơn đáng kể.

    Ở các xã hội trong đó Y có quyền lực hơn hẳn so với Z, thì thị trường giá thú sẽ là thị trường do Y toàn quyền quyết định và Z không có tiếng nói. Trong trường hợp này, việc Z quyết định đi tới hôn nhân với Y không hoặc rất ít dựa trên giả định là Y phải chung thủy với Z mà dựa trên các lợi ích khác từ hôn nhân. Thị trường giá thú sẽ không mảy may suy suyển vì quan hệ mại dâm giữa X và Y. Đây là trường hợp của hầu hết nhân loại từ xưa tới trước thế kỷ 20, và hiện tại ở nhiều nước trên thế giới.

    Ở những xã hội mà trong đó quyền lực trong hôn nhân giữa Y với Z tương đối cân bằng như ở xã hội phương Tây hiện nay thì hôn nhân giữa Y và Z dựa trên giả định ngầm là Y sẽ không đi mua dâm như QA có nói. Nhưng trong trường hợp này, thị trường mại dâm sẽ rất ít phát triển bởi khi Y mua dâm thì cái cost của Y nếu bị phát hiện sẽ cao hơn nhiều cái benefit. Ở đây cost là đổ vỡ hôn nhân, là giảm vị thế trong mắt Z và những người khác, là bị coi rằng vi phạm quy ước hôn nhân (đặc biệt nếu Y theo đạo Thiên Chúa hay sống ở các xã hội Thiên Chúa giáo thì đây lại càng là vấn đề), là vi phạm đạo đức xã hội...Chính vì thế thị trường mại dâm ở những xã hội này không phổ biến và khách hàng chủ yếu là những người chưa bị ràng buộc về hôn nhân. Do đó, ảnh hưởng ngoại vi của mại dâm cũng nhỏ, không gây ra tác động thực sự tới thị trường giá thú.

    Tóm lại, trong cả hai trường hợp, ảnh hưởng tiêu cực của mại dâm tới thị trường giá thú là nhỏ. Trong khi ngược lại, thị trường giá thú có nguy cơ sụp đổ không phải do mại dâm mà do quan hệ tình dục cởi mở quá mức trong xã hội. Lấy ví dụ, nhiều người cho rằng xã hội La Mã trước kia suy sụp vì quan hệ tình dục quá thoáng trong xã hội khiến cho các cuộc hôn nhân ngày càng thưa thớt và những đứa trẻ La Mã thuần chủng được sinh ra ngày một ít. Trong khi đó, dân số người Goth di cư theo chế độ gia đình cổ truyền thì ngày càng bùng nổ và vượt trội người La Mã.

    ReplyDelete
  8. Mại dâm của dân đồng tính mới sẽ là vấn đề hot, hehehe. Tương lai ngành buôn bán dâm của dân đồng tính sẽ thành kỹ nghệ lớn, có chú Kinh Tê sẽ lĩnh giải Nobel kinh tế về vấn đề này, hehehe

    ReplyDelete
  9. Hôm nay có việc phải xem lại lý thuyết. Chị đính chính lại chút:

    - Nếu coi Y có thể biết được chính xác mình có thuộc dạng chung thủy hay không khi kết hôn, ở đây là vấn đề adverse selection.

    - Nếu coi vấn đề chung thủy hay không chỉ nảy sinh sau khi kết hôn, cái này là Principal-Agent problem, với Hidden Information (Moral Hazard).

    Về cơ bản, có thể xét cả hai trường hợp đúng như QA nói. Tuy nhiên chị nghĩ thiên về khả năng sau nhiều hơn. Đa phần vấn đề chung thủy chỉ phát sinh sau khi ký hợp đồng hôn nhân. Một người thanh niên khi lấy vợ nói chung không thể đảm bảo chắc chắn mình có chung thủy hay không.

    Tuy nhiên, với bài toán P-A thì Z phải có Incentive tools để Y luôn chung thủy với mình, nhưng cái này thì có vẻ là vấn đề đau đầu của nhân loại nói chung, he he.


    Nkd

    ReplyDelete
  10. tui thấy vấn đề trả tiền cho gái mại dâm là để khỏi phải đèo bồng về sau này, trong khi nếu tìm cách have sex base on relationship thì sau đó người đàn ông phải chu cấp tiền bạc cho bạn gái này để giải quyết relationshiop rất dây dưa, làm cho người đàn ông phải hư tổn về kinh tế và tinh thần nữa...

    ReplyDelete