Saturday, July 25, 2009

Mại dâm

Trong một post cách đây vài tháng, tôi có hứa với bác Linh là sẽ viết về ý tưởng phản đối mại dâm vì ảnh hưởng ngoại vi kinh tế (economic externality), hôm nay cố gắng hoàn thành bài viết nợ đã lâu này.

**********************************

Steve Levitt, tác giả cuốn sách Freakonomics, lại có một bài viết mới (hiện còn rất thô sơ) về mại dâm, cùng với nhà xã hội học Sudir Venkatesh. "Lại", vì trước đây Levitt có cộng tác với Venkatesh viết về xã hội đen ở Chicago, một bài báo độc đáo đã đăng trên Quarterly Journal of Economics (báo hàng đầu trong kinh tế học). Tiện đây, tôi viết thêm một chút về suy nghĩ của mình về mại dâm.

Phần nhiều các nhà kinh tế học coi mại dâm là một giao dịch tương đối thông thường, cho dù là phạm pháp ở hầu hết các nơi trên thế giới. Thông thường, theo nghĩa là nó hầu như chỉ liên quan đến hai bên, người mua và người bán, và hầu như không sinh ra các yếu tố ngoại vi ảnh hưởng đến xã hội nói chung. Thông thường nữa, vì xã hội có nhu cầu rất cao, nên thị trường đen của giao dịch này vẫn nở rộ ở những nơi nó bị pháp luật cấm. Thông thường nữa, vì nó thường không gây nghiện, nên không tạo ra một cơ sở khách hàng sử dụng theo thói quen, như là với giao dịch buôn bán ma túy, thuốc phiện. Dựa vào những quan điểm như vậy, thì không có lý do kinh tế gì đáng kể để biện luận cho việc cấm đoán mại dâm cả.

Có thể có những lý do xã hội để cấm đoán mại dâm, dựa vào các quan niệm về giá trị đạo đức, giá trị con người, vân vân. Trong nhiều xã hội, những quan điểm như vậy chiếm vị trí rất quan trọng, vì thế hầu như không thể có giải pháp chính trị cho việc hợp thức hóa mại dâm (giải pháp chính trị theo nghĩa là có một thế lực chính trị đủ mạnh để lập pháp theo hướng này). Bàn đến giá trị đạo đức thực sự của hoạt động mại dâm là một vấn đề phức tạp: không phải chỉ có việc suy nghĩ xem hoạt động mại dâm có vi phạm đạo đức con người hay không (đạo đức loài người nói chung, tôi không nói đến đạo đức của từng xã hội cụ thể), mà còn cần suy nghĩ xem việc cấm hoạt động mại dâm có vi phạm đạo đức con người hay không nữa. Tôi sẽ không bàn tới chủ đề này trong bài viết này.

Bài viết này tập trung về khả năng có một dạng ảnh hưởng ngoại vi kinh tế của hoạt động mại dâm. Ngoại vi kinh tế ở đây tức là nhìn theo góc độ kinh tế, chứ không phải là nó liên quan đến tiền bạc (có rất nhiều chủ đề kinh tế dính líu rất ít đến tiền bạc). Ảnh hưởng này liên quan đến quan hệ giá thú, mà tôi sẽ tạm gọi là thị trường giá thú (marriage market), bất kể các nhà xã hội học có phản đối :D.

Để tránh dài dòng, tôi xét đến quan hệ mại dâm giữa đàn ông Y và phụ nữ X, và chỉ xét quan hệ khác giới. Trong đó X hoạt động chuyên nghiệp, có thể có quan hệ giá thú, song trong đó chồng của X nằm hoàn toàn thông tin về nghề nghiệp của X. Ngược lại, Y không hoạt động chuyên nghiệp, và vợ của Y là Z không nắm thông tin gì về quan hệ giữa Y và X cả. Dĩ nhiên, có thể có trường hợp ngược lại, khi Y chuyên nghiệp, X không chuyên, song thực tế thì trường hợp này ít hơn, và phân tích của tôi không khác gì nếu lật ngược vai trò như vậy cả.

Về quan hệ kinh tế giữa Y và X, tạm hiểu đây là quan hệ thương mại thông thường (không có vấn đề bức ép, không có vấn đề môi giới kiểu độc quyền, không có vấn đề ngoại vị về bệnh tật, tâm lý vv.), nên khi hai bên đồng thuận thì trao đổi sẽ là phúc lợi đối với cả hai. Tuy vậy, đối với Z, quan hệ giữa X và Y đem lại ảnh hưởng tâm lý xấu tương đối lớn. Tôi công nhận giả định này như là một đặc tính của con người; nhưng sẽ thả lỏng giả định này sau. Trong trường hợp này, quan hệ giữa X và Y tạo ra ảnh hưởng ngoại vi xấu đến Z: xét về tổng thể, ảnh hưởng này có lẽ mạnh hơn nhiều so với phúc lợi của X và Y. Thông thường, trong thực tế ta quan sát thấy phụ nữ dễ suy sụp khi phát hiện chồng đi mua dâm (ví dụ trên VNExpress - mục Tâm sự :D), điều này tôi nghĩ là nặng hơn là sự sung sướng nhất thời của anh chồng, hay là số tiền kiếm được của cô gái bán dâm. Vì thế, trong một khung cảnh thông tin hoàn toàn thoáng và mở (tức là Z biết ngay X mua dâm với Y), thì quan hệ giữa X và Y không còn làm tăng phúc lợi của xã hội nữa (chí ít, không phải là theo nghĩa Pareto), mà có thể giảm phúc lợi tương đối nhiều (tuy vậy không phải giảm theo nghĩa Pareto).

Dĩ nhiên, trong tình huống này, đơn giản là Y và Z có contract rằng Y không được đi mua dâm với X. Khi Y và Z chấp nhận một hợp đồng kết hôn, thì điều ngầm hiểu là Y và Z không được có quan hệ mua dâm với người ngoài. Điều này sẽ tạo ra sự chọn lọc giữa những người lựa chọn kết hôn, và những người lựa chọn quan hệ mua dâm (tất nhiên là mỗi quan hệ đều có nhiều đặc điểm quan trọng khác nữa). Cơ bản, hợp đồng này có thể giải quyết được trường hợp ảnh hưởng xấu đến phúc lợi xã hội, và như vậy quan hệ mua dâm nếu xảy ra thì luôn tăng phúc lợi xã hội.

Tuy vậy, ta gặp phải vấn đề thứ hai, là quan hệ giữa X và Y có thể là quan hệ mật, Z không quan sát được. Trường hợp này, mà kinh tế học hay gọi là thông tin bất đối xứng, làm cho Z phải đối mặt với lựa chọn khó khăn. Thứ nhất, Z không biết là chọn Y như thế nào - vì có những Y thích quan hệ mật với X trong khi kết hôn với Z, và có những Y chỉ thích kết hôn với Z thôi: đây là vấn đề adverse selection. Thứ hai, một khi đã kết hôn, Z cần phải monitor hành động của Y: đây là vấn đề moral hazard. Cả hai vấn đề này đều gây ảnh hưởng xấu đến thị trường giá thú, và trong trường hợp cực đoan, có thể làm sụp đổ hoàn toàn thị trường giá thú.

Đứng từ góc độ phúc lợi xã hội, việc thị trường giá thú sụp đổ nhiều khả năng là kết quả không đáng có. Xét cho cùng, rất nhiều Y muốn và chỉ muốn kết hôn với một Z, song vì thị trường giá thú bị trục trặc nên họ không có lựa chọn kết hôn nữa. Ngay cả những Y thích kết hôn với Z và cùng lúc đó quan hệ với X, nếu phải lựa chọn giữa một trong hai, họ vẫn chọn Z hơn X (vì nhiều lý do khác nhau, như tình yêu chẳng hạn). Chưa kể là Z nói chung mong muốn kết hôn hơn.

Như vậy, một chính sách cấm mại dâm toàn xã hội có cơ sở kinh tế theo nghĩa nó tránh được ảnh hưởng ngoại vi từ thị trường mại dâm lên thị trường giá thú. Người chịu thiệt nhiều nhất là X, vì nhiều khả năng X vẫn sẽ phải hoạt động mại dâm (vẫn tốt hơn là lựa chọn khác), trong khi đó vừa phải giữ bí mật với Z, lại vừa phải giữ bí mật với nhà nước. Có thể coi X là "nạn nhân" của cơ chế xã hội. Nhưng cũng có thể coi nghề của X (dù bị cấm) là hiện tượng kinh tế tự nhiên, vì nó vẫn tạo ra phúc lợi cho cả X lẫn Y.

Hy vọng là luận điểm này về ảnh hưởng ngoại vi kinh tế của mại dâm đủ rõ ràng. Về mặt đạo đức, khó có thể nói là xã hội nên thiên vị nhóm nào hơn, Z hay X (cho dù nhóm Z có thể đông hơn nhóm X, vì nhóm X chuyên nghiệp nên phục vụ được nhiều Y hơn). Nếu dùng thêm khái niệm đạo đức cho người thiệt thòi nhất trong xã hội (Rawlsian) thì có lẽ nên ủng hộ nhóm X hơn, vì thế nên hợp thức hóa mại dâm. Còn nếu dùng khái niệm đạo đức như là ích lợi tổng thể của số đông (utilitarian - Bentham) thì có lẽ nên ủng hộ nhóm Z hơn.

Cũng cần nói là tôi chưa hề đề cập đến lợi ích của nhóm Y, vẫn là nhóm chính trị chính trong các xã hội hiện đại, và là nhóm nằm quyền hành thực sự. Vì thế bài này có thể coi là thuộc diện feminist được rồi, hì hì.

Monday, July 20, 2009

Time Inconsistency

Vấn đề thiếu nhất quán theo thời gian (time inconsistency) là một yếu tố rất quan trọng trong kinh tế học hiện đại; tôi cũng biết từ trước, song đến hôm nay đột nhiên hiểu ra nó còn quan trọng hơn cả tầm quan trọng lúc trước mình vẫn nghĩ.

Nói chung chung, time inconsistency chỉ trường hợp một cá thể kinh tế phải đối diện với cùng một quyết định tại hai thời điểm khác nhau, mà quyết định tối ưu ở mỗi thời điểm một khác. Ví dụ, một sinh viên phải tính trước quyết định từ năm thứ nhất là đến năm thứ hai sẽ làm gì, sau đó đến năm thứ hai thì thực sự thi hành. Vấn đề nảy sinh nếu sinh viên này từ đầu nghĩ rằng nên học nhiều vào năm thứ hai, còn năm thứ nhất chơi thỏa thích đã; song đến năm thứ hai, thì thực sự sinh viên này lại muốn chơi tiếp. Vì không có cách nào tự ràng buộc vào việc học năm thứ hai (thiếu commitment device), nên cuối cùng sinh viên này chơi hết luôn 2 năm, không học hành gì nữa. (Vô tình ví dụ này lại giống hệt thời học đại học của tôi :D.)

Ví dụ thì tương đối đặc biệt, còn về ý chung, có thể hiểu time inconsistency là sự thiếu hụt một phương tiện thỏa thuận và bảo đảm hợp đồng. Trong ví dụ này, đó là "hợp đồng" giữa sinh viên này năm thứ nhất, và sinh viên này năm thứ hai: dĩ nhiên hai người này không thỏa thuận được với nhau. Cũng có một số cách tạo nên phương tiện bảo đảm hợp đồng, ví dụ như tự đăng ký vào các lớp học không bỏ được, kể với bạn bè rằng sẽ học thực sự vào năm thứ hai, vân vân, song không phương tiện nào hoàn hảo, và lúc nào cũng có cách tháo gỡ cả.

Nôm na về time inconsistency là như thế. Bây giờ nói đến ảnh hưởng trên lý thuyết kinh tế của khái niệm này. Khung cơ bản của kinh tế hiện đại là kinh tế tân cổ điển trong đó tất cả các thị trường đều hoạt động tốt, và quan trọng là mọi giao dịch đều được bảo đảm sẽ thực hiện (tức là mọi hợp đồng đều được thực thi) - gốc lý thuyết bắt nguồn từ hệ thống cân bằng tổng thể (từ những người "marginalists" đến Arrow-Debreu, mở rộng thêm tiền tệ, tài chính, vv., cộng với định lý quan trọng về externalities của Coase). Một khi nền tảng giả thiết này không được thỏa mãn, thì kết quả cuối cùng sẽ không còn tối ưu cho tất cả mọi cá thể nữa, và thường liên quan đến một vấn đề kinh tế thú vị.

Đây là những vấn đề thú vị tôi nhận ra có liên hệ mật thiết với khái niệm time inconsistency. Đầu tiên là sự "khám phá" ra khái niệm này, nhờ đó Kydland và Prescott đã được giải Nobel (thực ra 2 ông còn có công xây dựng mô hình Real Business Cycles nữa) - nguồn gốc thực sự có lẽ từ Keynes, nếu không phải là trước nữa. Sát với khái niệm này trong kinh tế vĩ mô là nghiên cứu của Barro-Gordon về reputation của central banker, cũng là một "Nobel claim" của Robert Barro (cùng với nghiên cứu về Ricardian equivalence). Sau đấy là lý thuyết hợp đồng, với vấn đề hold-up của Oliver Williamson, sau đến lý thuyết property rights của Sanford Grossman, Oliver Hart và John Moore: trong các lý thuyết này, time inconsistency nảy sinh trong quan hệ hợp đồng giữa 2 bên, và cũng không có khả năng đảm bảo hợp đồng ở tòa án (Maskin-Tirole phản đối việc này). Đây cũng là các lý thuyết có "Nobel claim". Tiếp nữa là lý thuyết về intellectual property rights, trong đó việc đảm bảo một thứ quyền nhân tạo như IPR chính là một commitment device để tạo động cơ cho khám phá công nghệ. Lý thuyết này (David Levine có phản đối IPR tương đối hay) dẫn đến lý thuyết tăng trưởng nội sinh thế hệ 2 (Aghion-Howitt), trong đó chính sách nhà nước có tác dụng thúc đẩy nghiên cứu, nhờ làm commitment device cho việc tận dụng thành quả nghiên cứu cho nhà phát minh, nhờ đó tạo ra tăng trưởng nội sinh. Tiếp theo phải nói đến lý thuyết thuế (public finance) giải thích về thuế lên capital chứ không phải labor, cơ bản cũng tạo ra commitment device. Tiếp nữa là lý thuyết về procrastination trong behavioral economics, như là hyperbolic discounting của David Laibson (time inconsistency của cùng 1 cá nhân ở nhiều thời điểm khác nhau, như là ví dụ tôi viết ở trên). Gần đây, đặc biệt có lý thuyết về kinh tế chính trị của Acemoglu-Robinson trong đó một nền độc tài luôn gặp time inconsistency khi muốn đảm bảo không bóc lột dân chúng, và tạo ra commitment device chính nhờ vào việc chuyển đổi thành dân chủ. Gần nhất, lý thuyết quyền sở hữu của Grossman-Hart-Moore mang vào thương mại quốc tế để giải thích quyết định outsource hay FDI (Antras).

Phù, đến hôm nay tôi mới thấy ảnh hưởng rộng lớn của một khái niệm đơn giản như thế. Có lẽ tại vì ngày trước không chịu học hành tử tế.

Bài này chủ yếu là để ghi nhớ ý tưởng, các bạn không quan tâm đến ngành kinh tế chắc là không để ý làm gì.

Monday, July 13, 2009

Về tình yêu nước - phần II

Tôi viết tiếp về tình yêu nước ở đây, một phần để hồi đáp lại các mẩu bình luận trong bài trước, một phần để tự mình suy nghĩ và tìm hiểu thêm theo hướng này.

Nói đến lý tính của tình yêu nước, thì khung cảnh và hệ lụy sẽ khác với những cách giải thích dựa vào cảm tính. Có thể cảm tính chính là nội dung chủ đạo của tình yêu nước (giống như nhiều tình yêu khác), và tôi hoàn toàn tán thành với quan điểm có rất nhiều khái niệm, ý niệm cần phải có sự trải nghiệm, thậm chí cần có giác ngộ thì mới hiểu được, chứ con đường giải thích bằng ngôn ngữ sẽ chỉ đi được đến giới hạn của ngôn ngữ mà thôi (mà ngôn ngữ của tôi lại là một thứ ngôn ngữ nhập nhằng mông lung nữa). Tuy vậy, có những điểm khác chỉ thuộc về phạm vi của cách giải thích lý tính.

Thứ nhất, lý tính của tình yêu nước có thể trả lời câu hỏi yêu nước có phải là điều bắt buộc về mặt đạo đức không. Vì cảm tính dĩ nhiên thuộc về phạm vi cá nhân (chính vì thế mới có những trải nghiệm cảm tính không thể truyền thụ hết bằng ngôn ngữ được - mỗi người sẽ luôn có cảm nhận riêng), nên cảm tính cũng chỉ có thể đưa ra khuôn khổ đạo đức cho từng cá nhân mà thôi. Một quy tắc đạo đức cho số đông tất yếu phải dựa vào phương tiện cộng hưởng và hợp tác của số đông, tức là ngôn ngữ. Mà để có thể diễn đạt, truyền thụ và quan trọng hơn là tranh luận và thuyết phục về quy tắc đạo đức được, thì quy tắc cần nằm trong phạm vi lý tính. Bài "Quê hương" hay nhiều tác phẩm nghệ thuật khác rất hay, song nó không đủ cho một khuôn khổ đạo đức.

Như vậy, có khuôn khổ đạo đức của tình yêu nước không? Câu trả lời cho đến giờ của tôi là "Không", hoặc là "Rất mờ nhạt". Mờ nhạt, theo nghĩa là xã hội có thể trông đợi một người X quốc tịch nước A làm một chút gì đó cho nước A, mà nói đến nước A ở đây nghĩa là nói đến dân cư của nước A, qua đó là lịch sử, văn hóa nước A; tuy vậy, sự trông đợi này hoàn toàn mang tính bị động. Trông đợi khác với không trông đợi, ở chỗ là trông đợi thì có thể dẫn đến thỏa mãn (khi X xây trường học cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn ở nhiều nước, trong đó có A), và cũng có thể dẫn đến thất vọng (khi X xây trường học cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn ở nhiều nước, trong đó không có A vì chi phí cho tham nhũng nhiều quá). Nhưng nó chỉ có thể dừng lại ở mức thất vọng, như là một cảm giác của cá nhân : xã hội không thể dựa vào sự trông đợi "mờ nhạt" này mà lên tiếng chỉ trích hành động của X, coi là không yêu nước (có thể X không bận tâm vì sự quy chụp này), và chỉ trích như thế là thiếu đạo đức (chắc X sẽ phiền lòng).

Có một số ngoại lệ cho suy luận đơn giản này; mà có lẽ nên gọi là trường hợp đặc biệt chứ không phải ngoại lệ. Thứ nhất, tôi nghĩ đến đạo đức chiến tranh, trong đó gắn liền với cái chết. Trong chiến tranh, nhất là những cuộc chiến tranh toàn diện có một phần rất lớn thành phần dân chúng tham gia (chưa đả động đến lý do tại sao lại có chiến tranh như thế), ít có chỗ cho sự trung tính. Mỗi cá nhân có thể theo một bên, nhưng khó có thể tách biệt hoàn toàn ra ngoài cuộc chiến. Vì thế, có thể có những cách diễn giải về việc "không yêu nước" sang thành "đi ngược lại lợi ích đất nước". Đây là luận điểm cơ bản của hầu hết những sự quy chụp của chính quyền Bush ở Mỹ thời gian 2001-2008 đối với những quan điểm phản chiến. Tuy vậy, phải nói là nước Mỹ không tham gia vào một cuộc chiến toàn diện, nên trong trường hợp này quy chụp như thế lệch lạc về mặt đạo đức. Nhưng quan điểm này có thể dùng để hiểu những cuộc Thế chiến I - II, chiến tranh Triều Tiên, các cuộc chiến tranh của Israel, chiến tranh can thiệp của Mỹ ở Việt Nam, vân vân. (Có lẽ đi hơi quá xa vào trường hợp này rồi, quay lại thôi.)

Trường hợp thứ hai tôi nghĩ đến gắn liền với khái niệm "nợ nước nhà", mà ta tạm coi rằng quan hệ "nợ" có nguồn gốc nguyên thủy hơn, và có sức mạnh đạo đức tự có trước quan niệm về tình yêu nước. Đứng từ góc nhìn xã hội cấu thành từ các cá nhân, chứ không phải cá nhân xuất thân từ xã hội, thì tương đối khó bảo vệ quan điểm có "nợ" với một khái niệm "quốc gia", mà bản thân nó tương đối trừu tượng và bao gồm những yếu tố liên tục thay đổi, như dân cư, văn hóa, nếu không nói đến chính quyền, lịch sử, thậm chí là lãnh thổ. Món "nợ" ở đây không có cơ sở tự do tự quyết, vì nếu nó tồn tại, thì đó là sự tồn tại dựa vào một quan niệm xã hội áp đặt lên cá nhân từ khi cá nhân tham gia vào xã hội, mà không cho cá nhân một sự lựa chọn nào. Một ví dụ là món nợ của người Gia Tô giáo (catholics) với Nhà thờ La Mã, trong đó người được sinh ra đã được đưa vào quan hệ nợ - trả với một hệ thống tôn giáo, giáo điều, mà không được có lựa chọn nào cả. Nếu vẫn chấp nhận khái niệm "nợ" mà không cần cơ sở tự do tự quyết, thì cá nhân tự dứt mình khỏi quan hệ "nợ" này nghiễm nhiên có sự ủng hộ của quan điểm tự do tự quyết, và khó có thể kết luận rằng việc này đi ngược hẳn lại quy tắc đạo đức về quan hệ "nợ" được.

Để có được cơ sở cho quan điểm "nợ nước", có lẽ phải đứng từ góc nhìn mỗi cá nhân xuất thân từ sản phẩm của xã hội, không có nhiều quyền tự quyết tự có, và món nợ với xã hội hay đất nước là tất yếu, chắc chắn phải trả. Như thế, nếu cá nhân vẫn quyết định dứt mình khỏi quan hệ "nợ" này, thì xã hội (mà ai đứng ra?, quy định như thế nào?) có quyền coi cá nhân đã vi phạm đạo đức, và có thể trừng phạt. Song, vấn đề lại là nền tảng đạo đức như vậy dường như thuộc hoàn toàn về xã hội "toàn diện" này, và quy tắc đạo đức như thế không mang tính đại diện cho con người, mà chỉ đại diện cho xã hội đó. Câu hỏi sẽ là, có thể chấp nhận một cách khách quan một quy tắc đạo đức như vậy không? Ví dụ ở phạm vi nhỏ là một số gia đình ở Arab Xê Út có xu hướng gả con gái rất rất sớm, và hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của người cha. Nền tảng đạo đức như thế có thể trụ vững trong môi trường nhất định, thậm chí là trụ một thời gian dài, nhưng tôi không thấy thuyết phục về tính khách quan hay tính "hoàn vũ" của một quy tắc như thế.

Xét đến các trường hợp, thì cũng cần so sánh với quy tắc đạo đức của những "tình yêu" khác. Chẳng hạn, tình yêu trong gia đình. Tôi nghĩ là nền tảng đạo đức của gia đình mạnh hơn nhiều, một phần vì ở đây tất cả những người tham gia vào đều rõ ràng, và ít thay đổi. Nhờ đó, những hành động của mỗi cá nhân trong từng quan hệ (bố mẹ/con cái/các quan hệ khác) cũng rõ ràng hơn, cụ thể hơn. Trong phạm vi này, có thể chấp nhận sự chung sống của "tình yêu" và "nợ" dễ hơn so với trong trường hợp "tình yêu nước". Chủ đề này có lẽ nếu muốn bàn thì cần rất nhiều thời gian nữa.

Đặc điểm thứ hai của việc phân tích lý tính của "tình yêu nước" là sự quy tội và xét xử công bằng tội "phản quốc". Trong một chừng mực nào đó (tức là không kể ngoại lệ), nếu coi "không yêu nước" không có vấn đề đạo đức nào, lại càng không có vấn đề pháp lý, thì không thể bị kết tội. Nhưng tội "phản quốc" vẫn có thể có, và vẫn có thể bị kết tội, tùy theo mức độ nặng nhẹ.

Tạm thời tôi dừng bài này ở đây đã, có thời gian sẽ viết thêm.

Trích dẫn

Thỉnh thoảng tôi đọc được những đoạn văn, thơ mình thích, nay ghi lại trích dẫn ở trên blog cho vui.

"... Je n'écris pas pour une petite élite dont je n'ai cure, ni pour cette entité platonique adulée qu'on surnomme la Masse. Je ne crois pas à ces deux abstractions, chères au démagogue.
J'écris pour moi, pour mes amis et pour adoucir le cours du temps."
Le livre de sable - Jorge Luis Borges

(Tôi không biết tiếng Tây Ban Nha nên đọc bản tiếng Pháp, vả lại cũng ngại chưa biết dịch như thế nào. Đại loại câu cuối là "Tôi viết cho tôi, cho các bạn tôi và để làm dịu dòng thời gian.")

Monday, July 6, 2009

Về tình yêu nước

Từ lâu tôi đã muốn viết một chút về tình yêu nước, song thường là không đủ tập trung và ngần ngại sẽ bị cộng đồng bạn đọc Việt Nam phê phán gắt gao. Hôm nay nhân đọc được bài này trên blog của Lê Minh Phiếu, nên tôi viết thêm một chút.

Từ hơn mười năm nay, tôi vẫn không tự đưa ra cho mình một câu trả lời tại sao người Việt thường tự nhủ phải yêu nước, và tự nhận rất yêu nước. Có những câu trả lời dễ dãi, như việc coi đó là lẽ tự nhiên của mỗi công dân, không cần phải bàn đến, hay thậm chí là lời dậy của cha mẹ, tổ tiên, Bác Hồ (Điều 1 lời dậy của Bác cho nhi đồng: Yêu tổ quốc, yêu đồng bào.) Những câu trả lời này thường chỉ chuyển câu hỏi sang một lĩnh vực khác, ví dụ như là trách nhiệm của công dân, của con cái đối với cha mẹ, của con cháu đối với tổ tiên, của nhi đồng đối với Bác Hồ. Thường là đi về những lĩnh vực này còn khó tìm câu trả lời hơn nữa, nên tôi cũng không nhắc tới ở đây.

Có một điểm ít được nhắc tới trong ngữ cảnh Việt Nam, là khi nói đến Yêu Nước thì cần nói đến Nước là gì (dĩ nhiên là khác gia đình, dòng họ, bạn bè, quyền sở hữu), rồi cần nói đến Yêu Nước là gì (dĩ nhiên khác với yêu gia đình, yêu vợ chồng, yêu bạn bè, yêu quyền sở hữu). Tôi nhớ giáo dục tuổi trẻ và cả các thảo luận nghiêm túc hơn ở Việt Nam thường nhắc đến những cảm giác đi kèm với Nước (Quê hương là chùm khế ngọt), chứ không đi vào phân tích lý tính. Có thể đó là cách hợp lý nhất, nhưng tôi cứ thử làm cả cách ít hợp lý hơn xem sao.

Một nước, trong phạm vi quan hệ quốc tế, thường được hội tụ bởi ba yếu tố: một dân tộc, một lãnh thổ, và một chính phủ. Trong phạm vi rộng hơn về quan điểm gắn bó của con người (vì ta nói đến tình yêu), tôi nghĩ là có thêm yếu tố lịch sử (bao gồm lịch sử văn minh) và yếu tố văn hóa (bao gồm nền văn minh, tôn giáo). Không rõ tôi còn thiếu gì nữa?

Xét theo từng yếu tố, thì đều có thể thấy tình yêu nước khó có thể có vị trí tột cùng không điều kiện trong các thang bậc gắn bó của cá nhân. Bắt đầu bằng chính phủ, một chính phủ thực sự tốt khi đại diện được cho lợi ích của đại bộ phận dân chúng, và sẵn sàng bảo vệ lợi ích tối thiểu của bất kỳ một nhóm thiểu số nào. Nhưng ngay cả khi có một chính phủ tối ưu như vậy, thì sự gắn bó của cá nhân đối với chính phủ chỉ ở mức người được bảo vệ đối với người bảo vệ, hơn chút nữa là ở mức người trong nhóm bảo vệ với nhóm bảo vệ (chưa nói đến vấn đề chia sẻ các giá trị văn hóa). Dĩ nhiên cá nhân có thể rất quý người bảo vệ, song tình yêu này khó so sánh được với tình yêu dành cho gia đình.

Tiếp theo là lãnh thổ. Càng ngày, tôi càng ít hiểu được sự gắn bó sâu nặng của cá nhân với quan niệm lãnh thổ chỉ vì lãnh thổ - ở đây không phải là sở hữu của cá nhân, có chăng là sở hữu của một số cá nhân khác trong cùng cộng đồng, trong cùng một nước. Lãnh thổ có thể chia sẻ cùng cá nhân một lịch sử, một nền văn hóa. Trong tất cả các trường hợp này, thì sự gắn bó vào lãnh tổ chỉ phụ thuộc qua sự gắn bó vào dân chúng, vào lịch sử, vào văn hóa mà thôi, chứ không phải là sự gắn bó trực tiếp với lãnh thổ. Về yếu tố lãnh thổ, tôi nghĩ tới các tranh chấp về biển Đông, và trước đây là thác Bản Giốc. Những tranh chấp này nếu được tuyên bố bắt nguồn từ tình yêu nước, thì tôi nghĩ là nó bắt nguồn cơ bản từ những gì lãnh thổ và lãnh hải nằm trong tranh chấp có thể đem lại cho dân cư, cho văn hóa, cho văn minh của một nước. Lịch sử đã chứng kiến nhiều quốc gia tham gia chạy theo lời vua chúa chinh chiến trên những mảnh đất vô ích để cuối cùng tiến tới diệt vong - lịch sử Trung Quốc nhiều vô kể ví dụ.

Có lẽ yếu tố dân chúng là yếu tố dễ tạo nên sự gắn bó với từng cá nhân nhất. Có nhiều cách lý giải bằng sự phát triển sinh học và tâm lý tại sao con người thường gắn bó với những nhóm người, những cộng đồng có chia sẻ nhiều điểm chung. Có thể coi sự gắn bó này là sự mở rộng của sự gắn bó gia đình, họ hàng, là sự thể hiện rộng của "gene ích kỷ" (Richard Dawkins). Tôi chấp nhận sự gắn bó này là một tình cảm cơ bản, không lý giải thêm. Tuy vậy, nó cũng làm ta dễ suy nghĩ đến những "lát cắt" khác khi nghĩ về con người, vì con người không chỉ khác nhau về quốc tịch. Nếu nhìn vào từng cá nhân trong một nước, những người vẫn va chạm và tranh chấp hàng ngày, thì người ta có nghĩ đến sự gắn bó trừu tượng đối với toàn bộ dân chúng của một nước hay không? Hai môi trường này khác nhau, và dễ tạo ra những cảm giác trái ngược: một dân tộc có thể bị chia cắt tan nát trong nội bộ, song lại dễ dàng thống nhất thành một khối chống ngoại xâm, giống như người Nhật trong nhiều thời kỳ.

Song song với sự gắn bó với dân chúng, mỗi cá nhân cũng có sự gắn bó với lịch sử, với văn hóa. Song tôi nghĩ là thiếu yếu tố dân chúng thì hai yếu tố này chỉ dừng ở mức cá nhân, và chỉ có thể dẫn đến sự mai một. Điều này xuất hiện trong những cá nhân sống đơn lẻ tách biệt khỏi cộng đồng cùng văn hóa, lịch sử (như là các cá nhân sống ở ngoài nước, ngoài cộng đồng) - có thể một phần họ chọn như vậy, một phần khác, là chính sự lựa chọn này xóa đi sự gắn bó của họ. Như vậy không có nghĩa là không có cộng đồng lưu vong nào thành công trong việc lưu giữ "tình yêu nước" khi không có một nước thực sự. Ví dụ mạnh mẽ nhất là cộng đồng Do Thái trong gần 2 ngàn năm trước sự thành lập của nhà nước Israel năm 1947. Cộng đồng Do Thái có lẽ là ví dụ đáng kinh ngạc nhất của tình yêu nước dựa chủ yếu vào sự gắn bó về văn hóa, về nền văn minh cổ điển cách hàng thế kỷ, về tôn giáo đơn thần đầu tiên, về một thứ chữ viết cổ mà cộng đồng tự khôi phục lại thành tiếng nói sống. Trong suốt hai ngàn năm, người Do Thái luôn lưu giữ tình yêu nước như một bộ luật chỉ nam cho mỗi thành viên trong cộng đồng; bộ luật này vừa mang tính bắt buộc đối với những người tham gia, vừa mang lại lợi ích đáng kể cho họ. Nhưng ngoài cộng đồng đặc biệt này, hầu hết những cộng đồng không gắn vào một bộ phận dân chúng lớn sẽ dần dần bỏ đi cái "tình yêu nước" họ có thể có lúc đầu.

Một nhận xét nữa về sự gắn bó với đại bộ phận dân chúng của một nước, là ngay cả tình cảm này khó có thể được đặt lên trên tuyệt đối so với nhiều tình cảm gần gũi con người với con người khác. Có thể là trong những tình huống, thời điểm lịch sử nhất định, người ta nhìn thấy hành vi con người đi đúng theo chiều hướng khẳng định tình yêu nước, song những hành vi này cũng có thể hiểu là sự cộng hưởng của rất nhiều tình cảm gắn bó đối với những cá nhân khác gần gũi mình. Ví dụ, cá nhân A có thể tự hy sinh, và được tôn vinh như một anh hùng của cả nước, song có thể hiểu là cá nhân A hành động như vậy vì cá nhân B, C, D có quan hệ gắn bó với mình. B, C, D không nhất thiết là thành viên cùng gia đình, mà có thể là những cá nhân trong cùng một tổ chức yêu nước, trong đó họ truyền cho nhau cùng một lòng yêu nước, và thực sự lòng yêu nước của họ được trau dồi qua chính "tổ chức xã hội nhỏ" của họ, nhờ đó sự gắn bó cá nhân được nhân lên cao. Vì thế, những hành vi mang tính hy sinh vì cộng đồng trong những tình huống nhất định không thể phủ định quan điểm chung rằng sự gắn bó với toàn bộ dân chúng của một nước là một sự gắn bó tương đối lỏng lẻo, so với sự gắn bó cá nhân với cá nhân. (Tôi tin vào những ví dụ các chiến sĩ yêu nước quả cảm hy sinh mình để cứu đồng đội, hơn là những ví dụ anh hùng xả thân vì nước như Lê Văn Tám.)

Nhìn trên các yếu tố này, tôi nghĩ là thành phần căn bản đối với tình yêu nước của người Việt Nam, nếu không phải là một tôn giáo (hay giáo điều) có ấn tượng và ảnh hưởng sâu sắc đến mức vượt quá cả nhận thức của cá nhân (rằng đấy là một giáo điều), thì phải có liên hệ rất sâu đậm đến sự gắn bó của mỗi cá nhân người Việt với khái niệm toàn bộ cộng đồng dân chúng Việt Nam. Nếu một cá nhân tự cảm thấy sự gắn bó sâu nặng này, thì tình yêu nước là tự có, tự thân, và tự nguyện. Nếu cá nhân không có sự gắn bó sâu nặng như vậy, thì tình yêu nước trở thành một sự ngộ nhận gây dựng bởi chính nền văn hóa, mang tính giáo điều (chỉ có "dậy", không có "học"), và như vậy cũng không thể học được, không thể trải nghiệm, không thể trau dồi và không thể vực dậy được.

Tôi vẫn chưa trả lời được câu hỏi của mình, vì không hiểu là trong số người Việt Nam, mức độ gắn bó với dân chúng Việt Nam nói chung như thế nào?


Bài này viết chưa đâu vào đâu, để lúc khác sẽ viết thêm phần 2.

Tuesday, June 30, 2009

Galileo Galilei, thuyết nhật tâm, lịch sử khoa học và tự do trong khoa học

Cách đây không lâu tôi có xem phim Galileo Galilei của Pháp (không xem hết vì bỏ đi chơi), hôm trước thì mới xem Angels and Demons, đến hôm nay lại đọc bài này trên blog MrDo, nên rất muốn viết một chút về lịch sử khoa học của học thuyết của Galileo, và nhiều yếu tố liên quan. Rất tiếc là hôm nay chắc chắn phải làm xong hai cái syllabi, nên đành để dành chỗ ở đây. Nôm na thực ra là Nhà Thờ La Mã thời Galileo có vai trò như một Nhà Nước đảm bảo ổn định để phát triển về mặt hiểu biết của con người, và họ làm rất đúng: thực sự thì lý thuyết của Galileo dựa vào những dẫn chứng không tốt, dựa trên cơ sở lý luận rất sơ hở, nhiều sai sót, và đưa ra dự đoán kém hơn hẳn hệ thống hiện hành theo Aristotle - Ptolemy. Có thời gian sẽ viết cẩn thận sau vậy.

******

Lúc nhỏ học vật lý, tôi thường ngạc nhiên không hiểu tại sao lại tranh cãi nẩy lửa giữa chuyện Trái Đất quay quanh Mặt Trời, hay Mặt Trời quay quanh Trái Đất làm gì. Về mặt vật lý, hai điều này tương đương nhau hoàn toàn vì chuyển động là tương đối: vật thể A quay quanh vật thể B, thì vật thể B cũng quay quanh vật thể A. Sau này mới hiểu thêm là nếu diễn tả cả một hệ vận động, thì việc chọn đúng tâm điểm của cả hệ (ở đây là Mặt Trời) sẽ có tác dụng tinh giảm lý thuyết rất nhiều, và tạo ra một lý thuyết đẹp. Cái đẹp có lẽ chính là sức mạnh đằng sau Copernicus, Bruno, Galileo, vv., chứ không phải chân lý lý tính. Bảo rằng Galileo dũng cảm bảo vệ chân lý thì tương đối xa thực tế bấy giờ, vì về lý lúc đó ông không khác mấy người tuyên bố "không có chân không", "có thể tạo ra động cơ vĩnh cửu", "con người không tiến hóa từ động vật", vv. Chính xác hơn, ông chỉ dũng cảm bảo vệ cho lý thuyết của mình, một lý thuyết mà ông thấy mức độ "lịch lãm" vượt hơn hẳn lý thuyết hiện thời. Tự do trong khoa học bảo đảm những lý thuyết như của Galileo sẽ luôn có chỗ đứng trong mỗi thời điểm đương đại (cho dù về lâu dài nó có thể bị bỏ rơi vào lãng quên, như vô vàn lý thuyết kiểu "ốm thì phải để đỉa hút máu cho khỏi"), nhờ đó, mới có cơ hội cho những lý thuyết mới thúc đẩy khoa học phát triển.

Triết gia về khoa học Thomas S. Kuhn, tác giả của luận điểm về các cuộc cách mạng khoa học và mô phạm (paradigm) khoa học trình bày trong cuốn The Structure of Scientific Revolutions, có một cuốn sách ít nổi tiếng hơn, tên là The Copernican Revolution: planetary astronomy in the development of Western thought, trong đó phân tích rõ quá trình nẩy nở và phát triển của học thuyết nhật tâm từ thời Copernicus. Theo những gì Kuhn chứng minh, thì trong thời kỳ đầu thuyết nhật tâm không thể thắng về lý được đối với thuyết địa tâm. Phải nói là thuyết địa tâm có bề sâu lịch sử, trải từ thời Aristotles, sau đó được Ptolemy mở rộng đáng kể để giải thích các hiện tượng trái với thuyết này, và được hầu hết những nhà thiên văn sử dụng, nghiên cứu và góp phần mở rộng (nhà thiên văn của cả Nhà thờ lẫn ngoài Nhà thờ). Vì thế, đứng trên phương diện lý tính mà phản biện lại thuyết địa tâm là một việc tương đối vất vả.

Paul Feyerabend, triết gia chủ trương vô chính phủ (anarchy) trong khoa học, cũng đưa ra nhiều luận điểm cho thấy Galileo không thể nào đại diện cho tri thức hay lý tính khi đối diện với Nhà thờ. Xét về khả năng xác định vị trí của các hành tinh trên bầu trời (tôi nghĩ là thời đó vẫn giữ quan niệm vị trí tuyệt đối từ Aristotle), thì lý thuyết của Copernicus/Galileo không đem lại kết quả gì mới và chính xác hơn so với thuyết địa tâm đã được Ptolemy cải tiến. Sự thiếu sót về bằng chứng thực tiễn này không có gì ngạc nhiên cả. Ptolemy cải tiến thuyết địa tâm chính theo hướng cập nhật các bằng chứng thực tiễn còn có mâu thuẫn với thuyết địa tâm như Aristotle thể hiện trước đó. Phải nói thêm là về mặt hình học, chuyển động của một hành tinh (sao Kim chẳng hạn) đối với Trái đất có thể hiểu một cách đơn giản trong thuyết nhật tâm (sao Kim xoay quanh Mặt trời, Trái đất cũng thế), song cũng có thể thể hiện được một cách chính xác trong thuyết địa tâm, cho dù mô hình thể hiện phải phức tạp hơn nhiều (Ptolemy dùng mô hình các hình tròn nhỏ có tâm chuyển động trên quỹ đạo tròn lớn xung quanh Trái đất, đại loại như vậy hoặc là phức tạp hơn nữa.) Trong khi đó thuyết nhật tâm mới còn rất thô sơ, xuất phát từ một số suy luận thuần túy lý thuyết từ những giả định mới (Mặt trời là trung tâm, quỹ đạo các hành tinh hình elipse, vv.), nên khó có thể đạt được độ chính xác của một lý thuyết đã trải qua hàng nghìn năm quan sát và thực chứng.

Khi Galileo đưa ra những bằng chứng mới về các thiên thể xoay quanh sao Mộc, thì lại có thêm một vấn đề khác. Đấy là bằng chứng quan sát được qua kĩnh viễn vọng, về các thiên thể nhỏ đến mức mắt thường không nhìn thấy được, và vì thế thuyết địa tâm không tiên đoán được gì chính xác cả. Bằng chứng này, nhìn theo con mắt của lý thuyết của Karl Popper về phản chứng (falsification - dịch thế nào nhỉ?), có thể được coi như là luận điểm then chốt khẳng định phải chấp nhận thuyết địa tâm so với thuyết nhật tâm. Tuy nhiên, như Feyerabend đã chỉ ra, câu chuyện thời đó hoàn toàn trái ngược, và Nhà thờ cũng đã lý luận duy lý theo kiểu Popper. Galileo đã sử dụng bằng chứng từ một thí nghiệm tương đối phức tạp: đó là việc thử nghiệm qua kính viễn vọng. Thời bấy giờ, kính viễn vọng mới được phát hiện ra ở Hà Lan (theo đạo Tin Lành, tức là đi theo một hệ lý thuyết đối lập và đã bị bài xích hoàn toàn về mặt học thuật theo quan điểm của La Mã), và ở trong phạm vi Nhà thờ La Mã thì Galileo là một trong những người hiếm hoi phát hiện sự tiện dụng của dụng cụ này (những người khác là các tu sĩ Jesuits, cũng là những học giả uyên bác, song luôn bị ý thức hệ chi phối). Bản thân người Hà Lan làm ra kính viễn vọng từ kinh nghiệm, chứ họ không có lý thuyết gì để chứng thực nó cả. Vấn đề nữa là kính viễn vọng Galileo dùng (thuộc thế hệ đầu tiên) có chất lượng kém, và dễ tạo ra ảo giác. Để quan sát đúng, người ta cũng phải học cách quan sát theo một quy trình riêng (nói đến chuyện này, tôi vẫn chưa bao giờ quan sát được những ảnh ẩn 3 chiều trên giấy cả), và quy trình này cũng là kiểm nghiệm cá nhân chứ không có gì chứng thực về cả lý thuyết lẫn thực tế. Những người có vai trò "chứng thực cho khoa học" khi được mời dùng kính viễn vọng thì đều quan sát thấy những hiện tượng trái ngược với quan sát bằng mắt thường (do ảo giác), và vì thế đưa ra kết luận hết sức lý tính và khoa học rằng phương pháp thực nghiệm để đưa ra các kết luận thực nghiệm của Galileo là sai. Một khi phương pháp đã sai, thì kết quả quan sát không thể gọi là thực tế (facts) được, và như vậy thì toàn bộ bằng chứng của Galileo không có cơ sở lý tính để được chấp nhận như là bằng chứng phân định thuyết địa tâm và thuyết nhật tâm.


Ngày nay ta đã có vật lý của Newton và hậu nghiệm của rất nhiều hiện tượng, nên mọi thứ nhìn rất đơn giản. Theo đó, các sách giáo khoa về vật lý diễn tả phát kiến thiên tài của Copernicus, Galileo, và những nhà khoa học theo thuyết nhật tâm như là chân lý không thể chối bỏ, và ngược lại, hệ thống kiểm duyệt của tòa án dị giáo Nhà thờ như là những lực lượng phản khoa học cố gắng níu kéo lấy vị thế lãnh đạo của Nhà thờ, đi ngược với dòng chẩy không thể ngăn cản của lịch sử. Tuy vậy, đấy là câu chuyện nhìn theo lăng kính của Newton, trong đó người ta hiểu chắc chắn và rõ ràng kính viễn vọng chỉ ra điều gì, các hành tinh chuyển vận như thế nào, vân vân. Còn trong thế kỷ 17, lăng kính khoa học về cơ bản là của Kinh thánh và Nhà thờ, dựa theo những kết quả khoa học có được 2000 năm trước đó của Aristotle và Ptolemy. Galileo chỉ là một nhà khám phá, tìm ra những kết quả thú vị nhỏ nhỏ như hiện tượng viên giấy và viên sắt rơi cùng vận tốc (vâng, Galileo chỉ có khải niệm về vận tốc chứ chưa biết về gia tốc), mà Galileo cũng không có lời giải thích hợp lý (Galileo có nhắc đến các "lực" một cách tương đối thô thiển, so với lý thuyết của Newton). Cộng thêm thái độ bất hợp tác, cao ngạo, coi khinh người Jesuits (những nhà khoa học thực thụ, và có lẽ là có nhiều công trình khoa học cơ bản cũng như ứng dụng hơn Galileo nhiều - tôi rút ra điều này qua tiểu thuyết The Island of the Day Before của Umberto Eco), coi khinh quan điểm của Nhà thờ (trong cuốn Dialogue, nhân vật Simplicio tương đối thiếu hiểu biết bảo vệ quan điểm của Nhà thờ, còn nhân vật Salviati rất giỏi bảo vệ quan điểm của Galileo), cộng tác chặt chẽ với nhiều người theo Tin Lành, thì hoàn toàn có đủ lý do, cả về lý thuyết khoa học, kiểm nghiệm thực tế, lẫn sự bảo vệ nền tảng ổn định xã hội, đạo đức, chính trị, để Nhà thờ từ chối hoàn toàn thuyết nhật tâm.

Trong một mớ những điểm yếu về khoa học, có một điểm Galileo hoàn toàn chiếm thế mạnh. Đó là sự "lịch thiệp" của lý thuyết mới, một lý thuyết đơn giản hóa rất nhiều hiện tượng và tính toán, và từ đó gợi ra rất nhiều khả năng mở rộng và hoàn thiện, cho dù bản thân nó chưa được chính xác. Tôi nghĩ đây là lý do quan trọng nhất tại sao những nhà khoa học hậu duệ tiếp tục theo hướng nghiên cứu này: mà ví dụ đầu tiên có lẽ chính là việc Galileo đi theo học thuyết của Copernicus, vốn chỉ được thể hiện trong 1 cuốn sách bị bỏ quên hàng chục năm. Chính sự hấp dẫn trong cách trình bày này, theo nguyên lý "Dao cạo của Occam", đã dẫn đường cho rất nhiều nhà khoa học, trong đó có Galileo, để họ theo đuổi lý thuyết này bất chấp sự cấm đoán từ Nhà Thờ/Nhà Nước và Xã hội.

Vì thế, nhận xét rằng Galileo là người dũng cảm vẫn đúng, song ở đây không phải là sự dũng cảm bảo vệ chân lý, mà là sự dũng cảm bảo vệ quan điểm của mình. Quan điểm của Galileo không chỉ bao gồm sự đúng đắn trên thực nghiệm được đo đạc theo khoa học (mà những người khác không phải lúc nào cũng kiểm chứng được), mà còn bao gồm sự tự tin và say sưa về một lý thuyết đẹp, gọn gàng, lịch lãm. Trong lịch sử khoa học, có rất nhiều lý thuyết đẹp, gọn gàng, lịch lãm đã bị vứt bỏ vì được chứng minh là sai hoàn toàn (các ví dụ về động cơ vĩnh cửu, về truyền nhiệt qua môi trường chân không). Và cũng có nhiều lý thuyết tương đối đúng đắn trên thực nghiệm (chính lý thuyết địa tâm), song cũng bị vứt bỏ.

Trên góc độ này, ví dụ về Galileo giúp ta hiểu về môi trường khoa học nhiều hơn về con người Galileo. Từ ví dụ này, mà Paul Feyerabend đưa ra quan điểm "Nguyên tắc duy nhất làm khoa học, đó là không có nguyên tắc nào cả". Luận điểm này được trình bày trong cuốn Against Method trong đó ông kết luận rằng cách duy nhất đảm bảo tiến bộ khoa học và tri thức là phải để nhà khoa học hoàn toàn tự do. Không thể áp đặt một nguyên tắc chân lý nào lên nghiên cứu khoa học cả: vì với mỗi nguyên tắc, đều có những trường hợp khoa học đúng đắn sẽ đi phản lại chính nguyên tắc. Những điển hình của nguyên tắc khoa học bao hàm nguyên tắc kiểm nghiệm (verification) của triết học thực chứng logic, hay nguyên tắc phản chứng (falsification) của Karl Popper, vân vân.

Tôi không hoàn toàn ủng hộ Feyerabend, vì tôi nghĩ không thể thay nguyên tắc bằng một sự "vô nguyên tắc": không ai có khả năng bảo đảm "vô nguyên tắc", chứ không nói đến chuyện là như thế có tốt hay không. Vì trong môi trường khoa học, lúc nào cũng có áp lực đánh giá, so sánh kết quả nghiên cứu khoa học (quy luật cạnh tranh, quy luật tiến hóa, hay là các sức ép xã hội). Mà như thế thì luôn cần các tiêu chuẩn, và người ta thường tin vào các tiêu chuẩn khách quan hơn là tiêu chuẩn chủ quan (ví dụ của tiêu chuẩn chủ quan là sự thui chột sinh vật học di truyền ở Liên Xô trước đây). Hệ nguyên tắc, theo tôi, bao giờ cũng là nội sinh, và không thể tránh khỏi.

Như thế thì ta có thể học được gì từ lý thuyết triết học của Feyerabend? Tôi nghĩ Feyerabend đóng vai trò "trí thức cảnh tỉnh" trong bản thân giới triết gia khoa học. Nhờ sự cảnh tỉnh của Feyerabend, mà triết học khoa học không còn đi quá sâu vào các lý luận thuần túy lý tính kiểu Karl Popper, mà có mở rộng cửa cho các bằng chứng về lịch sử và xã hội học của khoa học (dù rằng rất không nên mở rộng quá đối với ngành xã hội học của khoa học, vì ngành này hiện giờ dễ tạo ra những quan điểm phản khoa học - xem Fashionable Nonsense của Sokal và Bricmont). Nhờ đó, lý thuyết triết học khoa học trở nên thực tế và gắn liền với đời thực hơn: ví dụ tôi thấy đẹp nhất là lý thuyết của Imre Lakatos, tiếc là ông mất hơi sớm.

Nhưng từ điểm này, lại có một câu hỏi ngược lại, rằng hiện giờ triết học của khoa học có còn thực sự là triết học không, hay là một loại diễn ngôn thực chứng chỉ chạy theo công việc của các nhà khoa học thực thụ, mà không bao giờ dẫn đường được. Câu hỏi này tôi để mở, vì ngại viết và muốn kết thúc bài viết này lắm lắm rồi :-).

Nói dông dài, tóm lại một dòng là "KHOA HỌC CẦN TỰ DO". Tất nhiên, khoa học cũng cần tiền nữa, mà tiền thì hay hạn chế tự do (budget constraint mà). Đối với xã hội ngoài giới khoa học, các nhà khoa học vừa đòi hỏi tự do, vừa đòi hỏi tiền. Nhưng còn trong giới khoa học, khi mà không nhất thiết có thể xin/cho tiền, thì các nhà khoa học cũng cần đảm bảo môi trường tự do của nhau.

Phù, còn nhiều thứ khác nhưng thôi kết ở đây đã.

Tuesday, June 23, 2009

Rủi ro lạm phát ở Việt Nam - phần II

Anh Vũ Hoàng Linh có bình luận trong bài trước về lạm phát ở Việt Nam, tôi trích lại đây để trả lời.
Linh said...

Nói thêm vài ý sau khi đọc: chưa hiểu Quốc Anh ngoại suy theo cách nào nhưng phải thấy là năm 2009 không như 2008 bởi trong 2009 có gói kích cầu rất lớn được đưa vào sử dụng, và tác động của gói này sẽ mạnh hơn trong giai đoạn cuối năm, do đó khả năng lạm phát sẽ cao hơn so với việc ngoại suy căn cứ vào trend thay đổi lạm phát các tháng trong năm vào những năm bình thường.
Thứ hai là QA viết "nhiều người nghèo khác (sản xuất lương thực thực phẩm chẳng hạn) sẽ tăng thêm sức mua." nhưng nếu nhìn vào bảng của QA thì giá lương thực cũng chỉ tăng tương đương với mức tăng lạm phát nói chung, do đó không thể nói người sản xuất LTTP có lợi. Đó là chưa kể có thể có sự khác biệt giữa chỉ số mà người SX nhận được với chỉ số giá tiêu dùng. Nếu chỉ số PPI cho LTTP thấp hơn CPI thì rất có thể lợi ích của việc tăng giá LTTP không đáng kể và không đủ bù đắp thiệt hại do lạm phát.

Về ý thứ nhất, cái mốc tìm ra lời giải đáp chính là tâm điểm các cuộc tranh luận giữa những người tin vào chính sách kiểu Keynes và những người hồ nghi. Cuộc tranh luận sẽ quay về việc nhận định có "output gap" hay không, tức là cầu có bị thiếu hụt về mặt cơ cấu so với cung hay không. Điển hình phân tích của một người K (Keynes, Krugman) là sự công nhận khoảng cách này, và công nhận ảnh hưởng to lớn của nó đến phúc lợi xã hội trước mắt (Keynes nhấn mạnh tầm quan trọng của short run khi nói: "In the long run we are all dead"), và từ đó cần thiết phải có chính sách kích cầu tài khóa (khi mà chính sách tiền tệ khó có tác dụng nữa). Ngược lại, điển hình phânt tích của một người C (Chicago, không phải Communist) là output gap nếu có cũng không phải là yếu tố cơ cấu, nên để thị trường tự điều chỉnh, và chắc chắn trong long run thì thị trường sẽ điều chỉnh được (từ đó, Keynes mới có câu nói về long run death).

Anh Lê Hồng Giang cũng đã có một chùm bài giải thích về kinh tế tiền tệ vĩ mô, mà tôi vẫn còn chưa có dịp đọc (nói là kinh tế tiền tệ vĩ mô, vì cái tên "monetary economics" hiện giờ ngày càng có xu hướng chỉ các nghiên cứu về bản chất sự cần thiết của tiền tệ, đi rất sâu về mặt mô hình vi mô). Theo những gì tôi biết, thì hai cách nhìn K và C nói trên khác nhau ở điểm có công nhận giá cả điều chỉnh nhanh (cách nhìn C) hay là điều chỉnh chậm chạp (cách nhìn K) (cho các bác học kinh tế: mô hình phải có sticky price/sticky information thì mới có non-neutrality of money). Nếu giá cả điều chỉnh nhanh, thì không có lý gì sẽ có khủng hoảng kéo dài. Nếu giá điều chỉnh quá chậm, thì ảnh hưởng ngắn hạn của một khoảng output gap lớn sẽ rất cao. Đây chính là mấu chốt vấn đề khác biệt về mô hình và quan điểm. Về bằng chứng thực tế, vẫn còn có nhiều quan điểm, phần lớn đồng ý rằng giá cả có phần chậm, song bất đồng về mức độ chậm có đủ để ảnh hưởng đến suy thoái ở tầm vĩ mô không (nói đến suy thoái thôi, khủng hoảng thì tôi chưa rõ). Tùy vào cơ sở quan điểm, K thường đề xuất can thiệp mạnh, mặc dù cũng không thể phủ nhận rủi ro của "the grabbing hand", còn C đề xuất can thiệp tiền tệ và tránh vai trò chính phủ.

Quay lại vấn đề kích cầu ở Việt Nam, tôi nghĩ là thực sự có output gap rất lớn từ việc suy sụp xuất khẩu. Dĩ nhiên là thị trường có thể điều chỉnh, nhưng thị trường ở Việt Nam vốn đã chập chững, thiếu các yếu tố ổn định, thiếu thông tin, thiếu hội nhập quốc nội, nên tôi nghĩ là ảnh hưởng ngắn hạn sẽ nặng nề. Và vì output gap lớn, nên kích cầu sẽ ít có khả năng ảnh hưởng đến lạm phát (phù, ba đoạn rồi mới trả lời được câu hỏi thứ nhất của bác Linh).

Phân tích thêm, kích cầu của Việt Nam chắc sẽ không rơi đúng vào những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất (từ xuất khẩu chẳng hạn). Kích cầu chắc sẽ được nhằm vào ngành xây dựng, là ngành không xuất khẩu mà lại nhập khẩu nhiều, và vì thế ảnh hưởng cũng sẽ bị rơi ra ngoài Việt Nam (Việt Nam nhập thiết bị, commodities từ Trung Quốc ?), có thể tạm gọi là "thực hiện nghĩa vụ quốc tế", vốn cũng không nên than phiền nhiều, vì các gói kích cầu của các nước khác cũng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Nhưng không vì thế mà kích cầu có thể tạo sức ép mạnh lên lạm phát được: về mặt bằng chung, cầu vẫn sẽ tương đối thấp hơn cung, nên sẽ có sự hoán đổi giữa các ngành là chính, và giá tương đối giữa các ngành sẽ được điều chỉnh, chứ không phải là mặt bằng giá chung tăng lên. Nhất là phần lớn lao động trong xây dựng là lao động trình độ thấp, đàn ông (chính vì thế mà kích cầu qua xây dựng có tác dụng ổn định, an sinh xã hội giúp người nghèo), nên hoán chuyển ngành tương đối dễ dàng. Kết quả theo tôi sẽ là sự tăng giá tương đối của ngành này (hay các ngành được kích cầu) so với những ngành yếu hơn (các ngành bị thiệt thòi về output gap), chứ mặt bằng giá chung thì không có nhiều lạm phát.

Nói như vậy, không có nghĩa là tôi hoàn toàn ủng hộ kế hoạch kích cầu ở Việt Nam. Tôi chỉ nghĩa là trong thời điểm hiện tại nó chưa ảnh hưởng mấy đến lạm phát. Kinh nghiệm 2007-2008 cho thấy quá rõ là với việc thả lỏng tín dụng, nhất là tín dụng Nhà nước cho các Tổng công ty, thì lạm phát sẽ nhẩy vọt thế nào.

Tạm thời thế đã, còn nguyên ý thứ hai của bác Linh xin để bài khác sẽ viết thêm sau. Mời các bác thảo luận thêm về chuyện dự đoán lạm phát.

Monday, June 22, 2009

Rủi ro về lạm phát ở Việt Nam

Bài này tôi đã bắt đầu viết từ trước đây 1 tháng, mà vì lười chuyển bảng sổ liệu thành tranh nên đành để lai rai mãi đến bây giờ. (Đăng lên blog rất mất công, vì phải chuẩn bị bảng tử tế trên Excel, in ra .pdf, crop margin, rồi chuyển sang .jpg !)

Nhiều người vẫn lo ngại về khả năng bùng nổ lạm phát trở lại nếu kích cầu quá mức, vì những nguyên nhân lạm phát từ cấu trúc nền kinh tế vẫn còn đó. Trong thời gian trước mắt, tôi không thấy quan ngại lắm. Chỉ nên bắt đầu sợ lạm phát khi bắt đầu có sự phục hồi; mà theo tôi còn chưa đến thời điểm đó.

Tình hình kinh tế vẫn còn tương đối ảm đạm, nếu có tín hiệu tích cực trong khu vực Đông Nam Á cũng chưa hẳn là dấu hiệu của sự phục hồi, mà nhiều khả năng chỉ là những đoạn "vấp lên" trong quá trình đi xuống. Nếu như trong thời gian những tháng đầu năm, kỳ vọng về cuộc khủng hoảng quá bi quan, thì đến giờ thị trường có thể chỉ đang khôi phục chút ít sự lạc quan trong kỳ vọng, dẫn đến một số tín hiệu tốt. Hơn nữa, quá trình bán sạch inventory chắc cũng đã kết thúc, kèm theo sau đó là việc nhà sản xuất bắt đầu sản xuất cầm chừng trờ lại: điều này cũng gây nên chút tín hiệu tốt, song nó không hề đánh dấu sự phục hồi.

Bây giờ ta thử xem số liệu lạm phát của Việt Nam từ đầu 2009 nói lên điều gì. Hiện giờ, lạm phát ở mức thấp, từ tháng 12/08 đến tháng 5/09 mới là 2.12%, nếu ngoại suy ra cả năm thì lạm phát sẽ là 5.17%. Mức độ này thuộc dạng thấp đối với Việt Nam, nhưng cũng không thấp như thời kỳ 2002-2004. Có xu hướng lạm phát đang tăng chút ít: chỉ số lạm phát hàng tháng đang tăng dần từ Tháng 2 đến tháng 5. Nhưng nếu tính ngoại suy từ giai đoạn tháng 1 đến tháng 5, chứ không phải từ tháng 12/2008, thì lạm phát cả năm cũng chỉ là 5.49%. Nhìn chung, dự đoán của tôi là nếu không có cú sốc nào mới, lạm phát cả năm sẽ nằm trong mức 6%.

Nếu nhìn sâu hơn vào chỉ số giá từng ngành, có thể thấy tăng nhiều nhất là giá xây dựng và dịch vụ. Ngược lại, giá giao thông và bưu chính đi xuống khá nhiều, theo tôi là do giá xăng trong nước giảm (trễ so với giá xăng thế giới) và do sự cạnh tranh tương đối có ích trong lĩnh vực bưu chính viễn thông. Trong thời gian tới, có thể dự đoán là giá xăng lại tăng (theo đuôi giá thế giới), song giá bưu chính viễn thông sẽ không đổi nhiều.

Nhìn lại, hiện giờ cũng chẳng có gì đáng nói từ số liệu lạm phát, ngoại trừ dự đoán rằng cả năm 2009 lạm phát dừng ở mức vừa phải. Ở mức này, tôi không nghĩ thiệt hại phúc lợi xã hội của lạm phát là cao. Ngoại trừ nó là một thứ thuế đánh vào tiền mặt, và tạo ra thiệt hại phúc lợi theo kiểu thuế (thuế 5-6% thì thiệt hại thuế cũng ít thôi), thì lạm phát chỉ có ảnh hưởng tái phân bổ trong xã hội, từ những người thu nhập trong ngành lạm phát chậm sang những người thu nhập trong ngành lạm phát cao. Một bộ phận người dân nghèo có thu nhập cố định sẽ bị ảnh hưởng nhiều (ví dụ như công nhân, viên chức nghèo, người về hưu, quân nhân, vv.), song cũng có nhiều người nghèo khác (sản xuất lương thực thực phẩm chẳng hạn) sẽ tăng thêm sức mua.

Nhận xét cuối cùng, trong bảng ở trên tôi để cả chỉ số vàng và dollars, vì lười, nhưng phải nói là phép ngoại suy trên giá vàng và dollars sai về cơ bản, vì những tỷ giá đó được giữ một cách ổn định (stationary series) chứ không giống lạm phát (integrated series - kiểu random walk). Từ đầu năm đến giờ vàng và dollars tăng khá nhiều, cho thấy sức ép lên tỷ giá đồng Việt Nam như đã viết trước đây. Tùy vào 3 kịch bản, mà các chỉ số giá này sẽ biến đổi khác nhau, không biết đâu mà lần.

Sunday, June 21, 2009

Xếp hạng tạp chí khoa học

Bài này của Engemann và Wall trên Fed St. Louis Review (đọc qua blog của Mankiw) đưa ra một cách xếp hạng tương đối đơn giản các tạp chí khoa học kinh tế: Cũng là đếm số lần trích dẫn, nhưng chỉ đếm số lần trích trên các tạp chí kinh tế mục đích chung, chứ không đếm trích dẫn trên các tạp chí chuyên ngành cụ thể. Các tác giả đề xuất luôn những tạp chí mục đích chung hàng đầu để tính trích dẫn, bao gồm QJE, JPE, EM, AER, EJ, REStud, REStat. Cách tính này gọi là xếp hạng cho nhà kinh tế có tham vọng, tức là nhà kinh tế mong muốn bài viết của mình có ảnh hưởng lên cả các tạp chí mục đích chung, chứ không chỉ dừng ở trong lĩnh vực nhỏ của mình.

Bài viết có điểm qua các đề xuất trước đây về việc xếp hạng tạp chí, do các nhà kinh tế học cũng như các nhà khoa học khác đưa ra, và có phân tích ngắn gọn về đặc tính của chúng. Ví dụ, chỉ số H (H-index) mà tôi thấy các nhà khoa học thường dùng, tuy là đơn giản dễ tính, song lại có nhiều lỗ hổng dễ tạo nên sự thiên lệch không hợp lý. Có một chỉ số do Liewbowitz & Palmer đưa ra tính đến hầu hết các điểm khác biệt, nhưng khi đó hệ thống xếp hạng là lời giải của một bài toán hồi quy phức tạp, nên hệ thống này như một "hộp tối" mà người ta không nắm rõ cơ chế hoạt động.

Điểm thú vị về cách xếp hạng mới này, chính là kết quả của nó rất ổn định với top 5 (QJE, JPE, EM, AER, REStud). Tôi nghĩ là người ta tương đối thống nhất về top 5 tạp chí hàng đầu kinh tế, tuy vậy theo nhiều bảng xếp hạng thì top 5 không rõ ràng lắm. Trên bảng xếp hạng này, top 5 rất rõ và chắc chắn; theo tôi, có thể dùng điểm này làm thước đo cho độ tin cậy của bảng xếp hạng đối với phần còn lại. Tất nhiên, nếu chúng ta muốn so sánh từ góc độ khác, thì không hẳn đã nên dùng bảng xếp hạng này: chính các tác giả cũng cảnh báo như vậy.

Update: Giải thích rõ hơn một chút tên viết tắt:
- QJE = Quarterly Journal of Economics
- JPE = Journal of Political Economy
- EM = Econometrica
- AER = American Economic Review
- REStud = Review of Economic Studies.
Theo những gì tôi biết, có thể nói xếp về mặt danh tiếng (những gì người trong nghề coi trọng, không nhất thiết đo đạt bằng chỉ số khách quan được) thì 5 tờ báo này hiện thuộc về hạng hàng đầu trong kinh tế học. Tuy vậy, trên mỗi tờ báo thì các loại bài khác nhau có thể được đánh giá khác nhau. Ví dụ đối với QJE là "sân nhà" của Harvard và MIT, JPE là "sân nhà" của Chicago, thì có người nghĩ bài của gà nhà dễ được thiên vị. Bài trên EM mà không phải micro theory, không phải econometrics, thì được đánh giá cao một bậc nữa. REStud là tờ báo hàng đầu châu Âu (trụ sở ở Anh), tuy vậy hiện giờ Hội Kinh tế học Châu Âu mới mở tờ JEEA (Journal of the European Economic Association) với tham vọng vươn lên tầm hàng đầu như 5 tờ báo này. Trước đây Hội này quản lý tờ EER (European Economic Review), nhưng vì quản lý chung với nhà xuất bản, làm không cẩn thận, nên chất lượng làng nhàng, nhiều loại bài khác nhau.

Tuesday, June 16, 2009

Hong Kong và Singapore

Một trong những thần tượng điện ảnh lớn nhất của tôi là Châu Tinh Trì (Steven Chow Sing-Chi), hay gọi là Tinh. Tôi thích so sánh anh với Woody Allen; có những điểm rất giống, và có những điểm hoàn toàn trái ngược. Một đặc điểm rất nổi bật của Tinh và Woody là nguồn sáng tạo vô bờ và khả năng tạo ra sản phẩm liên tiếp không mệt mỏi.

Tôi thường so sánh giữa độ phát triển nghệ thuật của Hong Kong và Singapore, chủ yếu về điện ảnh. Hong Kong có thể nói là trung tâm điện ảnh của thị trường điện ảnh Á Đông/Hoa Ngữ, là nơi tập trung rất nhiều tài nguyên và tổ chức sản xuất điện ảnh. Nơi đây là một thị trường điện ảnh lớn, thường đưa ra đánh giá quan trọng về phim ảnh (bao gồm giải thưởng điện ảnh quan trọng nhất Á Đông). Hoạt động điện ảnh ở Hong Kong rất sôi động. Singapore cũng là một thị trường điện ảnh Hoa Ngữ lớn, song hoạt động điện ảnh không có gì vượt khỏi mức tiêu thụ phim ảnh từ Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Chỉ có một số rất ít diễn viên Singapore có tiếng tăm vượt ra khỏi biên giới. Cũng phải nói là hai đất nước này đều là những nền kinh tế Hoa Ngữ giầu nhất.

Điều này có thể có nhiều cách giải thích. Cách thứ nhất là kích thước thị trường Hong Kong vẫn lớn hơn Singapore tương đối, cho dù tôi nghĩ là sự chênh lệch về kích thước GDP không đủ để giải thích sự chênh lệch về điện ảnh. Cách thứ hai là thời điểm bắt đầu phát triển kinh tế, song Hong Kong và Singapore cũng không chênh nhau nhiều. Cách thứ ba là Hong Kong có thuận lợi truy cập vào thị trường điện ảnh rộng lớn của Trung Quốc, nhưng cách này cũng không ổn, vì điện ảnh Hong Kong phát triển ngay từ khi Trung Quốc còn đóng kín cửa. Cách thứ tư, Hong Kong có định hướng và kế hoạch phát triển ngành điện ảnh rất tốt. Cách này tôi nghĩ cũng không chuẩn xác, vì truyền thống Singapore luôn định hướng, kế hoạch, còn Hong Kong thường để mặc thị trường hơn.

Có thể kết hợp những lời giải thích này vào thành một kịch bản, trong đó Hong Kong có một phần tập trung vào ngành điện ảnh từ sớm, sau đó tận dụng được lợi thế đi trước, lợi thế thị trường tốt, và được "locked in" vào đỉnh cao của ngành điện ảnh khu vực.

Tôi nghĩ cách giải thích hợp lý hơn là sự khác biệt về môi trường sáng tạo giữa hai nước. Theo đánh giá của nhiều nghiên cứu (World Bank, Polity IV, Freedom House, vv.) cả hai nơi đều có độ tự do kinh tế rất cao trên thế giới, và điều này lý giải thành công của sự phát triển kinh tế. Tuy vậy, hệ thống chính trị của hai nước tương đối khác nhau. Thể chế kế thừa của Anh đảm bảo cho Hong Kong sự phân tán quyền lực, ngay cả khi quay về với Trung Quốc (dù họ cũng tạo nhiều tầng trói buộc hệ thống nhà nước của Hong Kong), người dân có thói quen biểu hiện thái độ chính trị nơi công cộng và theo đám đông, và họ quen với việc chính quyền phải và sẽ đáp ứng ý kiến, nguyện vọng của họ. Theo 6 chỉ số về "minh trị" (governance) của World Bank, chỉ số "Voice and accountability" về chính quyền Hong Kong khá cao. Singapore thì khác: về luật (de jure) hệ thống pháp quyền của Singapore cũng thừa kế từ Anh, còn trên thực tế (de facto) hệ thống chính trị Singapore tập quyền vào một đảng ưu tú lãnh đạo trong toàn bộ quá trình hình thành và phát triển đất nước. Chính quyền do đảng lãnh đạo của Singapore bảo đảm phát triển kinh tế nhanh và đều đặn, đảm bảo phát triển đô thị văn minh, song cũng không ít trường hợp họ hy sinh một số cá nhân với lý do bảo đảm quyền lợi chung của xã hội. Từ đó, dù cho một bộ phận không nhỏ người dân có thái độ bất bình, phần nhiều họ không thể hiện ra được một cách công khai. Chỉ số "Voice and accountability" của chính quyền Singapore tương đối thấp. Phải nói là đảng lãnh đạo Singapore vẫn rất quan tâm đến nguyện vọng, thái độ của người dân; tuy vậy, không có cơ chế nhà nước đủ mạnh, không có phản biện đối lập đủ trọng lượng để đảm bảo sự quan tâm ấy sẽ tiếp tục trong mọi trường hợp.

Từ sự khác biệt này, dẫn đến sự khác biệt về độ phát triển nghệ thuật. Ở Singapore, chính quyền định hướng kế hoạch trên hầu hết các phương diện; và nghệ thuật không phải là một ngành được chú tâm cao. Hơn nữa, những nghệ thuật dễ tiếp cận như Điện ảnh hay Văn chương (khác với Hội họa chẳng hạn) không phải lúc nào cũng dễ nghe, cũng sẵn sàng ủng hộ cho những chương trình lớn của chính quyền, của xã hội. Có lẽ vì thế mà Điện ảnh, Văn chương nằm ở một góc rất khiêm tốn trong nền văn hóa non trẻ của Singapore.

Ở Hong Kong, người ta chỉ cần có sự ủng hộ của thị trường. Và thị trường không phải lúc nào cũng chê các giá trị nghệ thuật. Đối với tôi, phim của Châu Tinh Trì hàm chứa giá trị nghệ thuật rất tài tình: nó là thứ nghệ thuật bình dân cho số đông, thậm chí quê mùa đến giới hạn của sự lố bịch, và nhờ thế mà Tinh sống rất khỏe giữa thị trường. Nhưng xem phim của Tinh, còn có thể thấy ngạc nhiên đến giật mình vì nó bao phủ một khoảng văn hóa rộng lớn, từ nền tảng văn chương, nghệ thuật, lịch sử thế giới Hoa ngữ cho đến những nét đặc tả sâu sắc của xã hội đương đại, và tất cả trộn vào trong một "nồi hổ lốn" để tùy từng người xem hoàn toàn tự do nhìn vấn đề theo cách nhìn không bị bó buộc của mình. Đấy cũng là một cốt lõi của nghệ thuật.

Monday, June 15, 2009

Bầu cử ở Iran

Blog của Brad DeLong đang viết nhiều về cuộc bầu cử ở Iran, như ở đây, ở đây. Có thể đang có chuyển biến sâu sắc diễn ra ở Tehran. Gordon Robison liệt kê ba kịch bản có thể đang xảy ra, và kết luận là hiện giờ chưa thể nói lên điều gì:
  1. Kịch bản thứ nhất: phe bảo thủ cảm thấy bị đe dọa, và dựng lên kết quả bầu cử giả mạo. Việc này khá đơn giản, và cũng có nhiều dẫn chứng ủng hộ.
  2. Kịch bản thứ hai: Ahmedinejad và lực lượng an ninh đảo chính, lật đổ giới lãnh đạo tôn giáo tối cao, chỉ giữ lại vai trò của Đại giáo sĩ cao cấp nhất. Càng ngày càng có nhiều dẫn chứng ủng hộ kịch bản này, như là lực lượng an ninh được cho là vây nhà một loạt Đại giáo sĩ cấp tiến. Đây có thể coi là một cuộc cách mạng bảo thủ trong lòng một cuộc cách mạng bảo thủ khác, kết quả là một nhà nước bảo thủ cơ hội, chứ không phải một nhà nước bảo thủ theo giáo điều nữa.
  3. Kịch bản thứ ba: Ahmedinejad thắng thật sự (dù cho số liệu chính thức vẫn có thể được thổi phồng để tạo hiệu ứng tuyên truyền), vì sự ủng hộ của ông này có lẽ tập trung ở miền quê, nhờ vào các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng ở nông thôn.
Brad DeLong phản đối kịch bản thứ ba, vì DeLong nghĩ rằng số liệu chính thức chắc chắn là giả: Ahmedinejad vẫn được đến hơn 50% ở chính Tehran. Nhận định này của DeLong cũng hơi vội vã. Từ những dẫn chứng trong Kịch bản thứ ba, cộng với những gì đã được quan sát trong trường hợp Thaksin ở Thái Lan, có thể thấy hai nhận xét:
  1. Ở các nước đang phát triển, nếu dựa vào một hệ thống bầu cử dân chủ thì đừng bao giờ quên khu vực dân cư nông thôn. Họ chiếm đa số phiếu bầu, có nhu cầu đơn giản, và cần cải thiện cuộc sống ngay lập tức.
  2. Tuy vậy, ở các nước này càng ngày sự đối lập và giằng co giữa khu vực nông thôn và thành thị càng trở nên căng thẳng. Thị dân yêu cầu nhiều hơn về quyền lợi chính trị, nông dân về quyền lợi vật chất. Thị dân phản đối chính sách mị dân, nông dân ủng hộ. Thị dân có thể ra đường tạo bạo động, làm nên cách mạng, và cũng có thể bị đàn áp; nông dân thì không.
Mặt khác, thành thị và nông thôn lại phải dựa vào thương mại lẫn nhau mới có thể sống và phát triển được. Vì thế, việc phát triển kinh tế, xã hội, và chính trị nhanh, chắc chắn và lâu dài đối với một quốc gia có nhiều nông dân vì thế là một bài toán rất khó. Hong Kong và Singapore rất có lợi thế nhờ vào việc hai nước này được tách biệt về chính trị khỏi những vùng nông thôn "vườn sau" của mình, mà lại vẫn được đảm bảo về thương mại ổn định với những nông thôn đó.

Friday, June 12, 2009

Giá nhà ở Singapore


Đồ thị này thể hiện giá trung vị (median) của nhà chung cư cao cấp (condominium) ở khu vực trung tâm Singapore (central region). Đơn vị tính là SGD/m2. Các bạn năm nay đi tìm thuê nhà ở Singapore thì thoải mái hơn so với cùng kỳ năm ngoái rất nhiều. Giá nhà tính từ đỉnh điểm là Quý 2, 2008, đến hết Quý 1, 2009 đã giảm đến 25%, và đồ thị cho thấy xu hướng còn giảm thêm nữa. Trên đồ thị thấy rất rõ bong bóng nhà đất trước khủng hoảng 1997 cũng như trước cuộc khủng hoảng hiện nay. Nếu nhìn xu hướng dài hạn, có thể thấy là kinh tế Singapore giữ mức lạm phát giá nhà khá ổn. Tuy vậy, nhìn vào chất lượng chính sách ngắn hạn thì thấy rằng Singapore không có phản ứng chính sách đối với bong bóng giá nhà đất, và thực tế đã để cả hai cuộc khủng hoảng làm vỡ bong bóng. Ngoài ra còn có giai đoạn 1999-2000 giá nhà cũng tăng cao, song tôi nghĩ rằng đấy là nhờ vào sự phục hồi từ khủng hoảng 1997 mà thôi.

Nói như vậy là nói từ góc độ nhìn lại lịch sử. Còn thực ra trong những thời kỳ khó khăn dẫn đến khủng hoảng, rất khó có thể đưa ra dự đoán có cơ sở lý thuyết vững chắc, chứ không phải là đoán mò ăn may.

Thursday, June 11, 2009

American Academy of Arts and Sciences

Cuối tháng 4 vừa rồi, American Academy of Arts and Sciences bầu thêm thành viên mới theo định kỳ hàng năm. (Tôi tạm dịch đây là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Mỹ - theo đó, tôi dịch Arts là Khoa học và Sciences là Công nghệ.) Trong danh sách này, tôi chú ý nhất đến các nhà kinh tế học, trong đó có ông thầy Philippe Aghion:
  • Aghion, Philippe - Harvard University, Cambridge, Massachusetts
  • Bolton, Patrick - Columbia University, New York, New York
  • Duflo, Esther - Massachusetts Institute of Technology, Cambridge, Massachusetts
  • Gibbons, Robert S. - Massachusetts Institute of Technology, Cambridge, Massachusetts
  • Imbens, Guido W. - Harvard University, Cambridge, Massachusetts
  • Jackson, Matthew O. - Stanford University, Stanford, California
  • Rajan, Raghuram G. - University of Chicago Graduate School of Business, Chicago, Illinois
  • (Foreign Honorary Member) Dewatripont, Mathias - Université Libre de Bruxelles, Brussels, Belgium
Ngoài ra, có Benjamin Friedman ở Khoa Kinh tế, Harvard, nhưng được bầu vào theo diện "Public Affairs, Journalism and Communications", cũng tương đối hợp lý :-).

Danh sách có điểm đáng chú ý nhất là Esther Duflo: cô còn rất trẻ, chưa đến 40 tuổi (năm tới vẫn còn dịp chiếm Huy chương John Bates Clark). Tôi nghĩ đây là trường hợp khá ngoại lệ. Hiện giờ, đã rất nhiều người dự đoán Duflo sẽ đoạt Huy chương Clark vào năm tới. Khi The Economist liệt kê các nhà kinh tế trẻ tuổi đáng chú ý nhất (họ làm 10 năm 1 lần), rất nhiều nhà kinh tế đã coi Duflo quá thành đạt để có thể gọi là "trẻ" ! (Tôi lười quá không tìm lại bài báo này.) Tôi có học lớp Kinh tế Phát triển của Duflo. Ngoài đời, cô nhanh nhẹn, khá vui tính, nói tiếng Anh giọng Pháp nặng.

Một điểm khác là danh sách chung (liên kết chỉ có đến năm 2008) các thành viên về kinh tế học của Viện có vẻ có hơi nhiều người ở Harvard/MIT so với các trung tâm khác như Chicago/Northwestern hay Stanford/Berkeley. Cũng có thể là Harvard/MIT quen thu hút nhiều người xuất sắc về đấy. Tuy nhiên, tôi nghĩ cách giải thích hợp lý hơn là Trung tâm của Viện đặt ở Cambridge, nơi có 2 trường Đại học danh tiếng này.

Ngoài kinh tế học, cũng có nhiều cá nhân đặc biệt được bầu trong năm nay. Tôi biết đến những người này:
  • (Toán học) Tao, Terence - University of California, Los Angeles, California. Terence Tao là thần đồng nổi tiếng thế giới về Toán học, được Huy chương Fields cách đây mấy năm.
  • (Khoa học chính trị) Pettit, Philip Noel - Princeton University, Princeton, New Jersey
  • Simmons, Beth A. Harvard University, Cambridge, Massachusetts
  • (Khoa học nhận thức - Neurosciences, Cognitive Sciences, and Behavioral Biology) Hofstadter, Douglas R. Indiana University, Bloomington, Indiana
  • (Nghệ thuật) Dustin Hoffman
  • Wong, Kar-Wai
  • Bono
Ngoài ra cũng có diện hoạt động chính trị, kinh doanh, phi lợi nhuận, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là Robert Gates, Giám đốc Viện Brooking là Strobe Talbott, và 2 directors của McKinsey.

Wednesday, June 10, 2009

Khủng hoảng lương thực: ngắn hạn, dài hạn, rủi ro, hiệu quả

Anh Linh có bình luận về một nhận xét của Krugman trong tọa đàm ở Hà Nội, tôi trích ra đây để phân tích thêm. Nhân đây cũng đăng luôn liên kết đến bản tường thuật buổi tọa đàm do Bộ Ngoại giao soạn, tôi nghĩ là rất sát với thực tế (có thể lệch một vài từ ngữ không đáng kể), tôi thấy liên kết này qua blog của anh Lê Hồng Giang.

Linh said...

Về vấn đề giáo dục: đúng là hơi lạ vì tôi ít thấy Krugman nhắc tới vấn đề giáo dục từ trước tới nay.

Cái ví dụ mà QA nói xem ra cũng chưa rõ ràng lắm: sản xuất 1kcal thịt cần 7kcal lương thực, vì vậy nhu cầu lương thực lâu dài sẽ tăng. Tôi không hiểu ý Krugman ở đây là gì nhưng vấn đề ở đây là việc người ta bỏ trồng lương thực để chăn nuôi nhằm đáp ứng sự chuyển dịch của cách thức ăn uống (tăng thịt, giảm ngũ cốc) và đó là một phần nguyên nhân của khủng hoảng lương thực gần đây.

Nếu xu hướng này tiếp tục thì giá lương thực sẽ có xu hướng tăng trong dài hạn nhưng điều đó không có nghĩa là cầu lương thực tăng mà chỉ đơn giản là cung lương thực bị hạn chế.

Trong ngắn hạn, tôi nghĩ cầu lương thực khá ổn định và không phụ thuộc nhiều vào khủng hoảng do độ co giãn của cầu lương thực với giá thấp. Lý do giá lương thực hiện nay giảm là vì giá năng lượng giảm cộng với các chính sách bảo hộ của các nước (như Trung Quốc mới hạn chế nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam). Vì thế nếu khủng hoảng hồi phục thì giá lương thực sẽ có xu hướng tăng nhưng chắc rằng không thể nào tăng như trong năm 2008 được. Cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2008 trầm trọng còn do chính sách lợi mình, hại người của nhiều quốc gia khi hạn chế xuất khẩu.

Ý của Krugman như thế này: khi các nước từng bước phát triển, thì nhu cầu của con người không chỉ dừng lại ở mức đủ no bằng lương thực, mà người ta còn muốn ăn thêm thịt nữa. Vì trung bình 7 phần lương thực mới sản xuất ra được 1 phần thịt, nên khi nhu cầu tiêu thụ chuyển sang thịt thì tổng nhu cầu đối với lương thực sẽ tăng lên tương đối. (Tôi nghĩ cung cấp thịt chính thì vẫn là chăn nuôi chứ không phải săn bắt, hay là đánh bắt hải sản.) Vì thế mới nói là tổng nhu cầu lương thực về lâu dài sẽ tăng lên, trong khi năng suất chưa chắc đã theo kịp, nên giá lương thực có thể cũng tăng nữa. Kết luận như vậy thực ra cũng phải giả thiết ngầm rằng cung lương thực không tăng nhanh bằng cầu. Cho dù năng suất lương thực tính theo diện tích đất và người lao động không tăng nhanh, tôi nghĩ là còn nhiều yếu tố khác làm cho cung tăng, ví dụ như người lao động ở Châu Phi có thể chuyên tâm trồng trọt, không phải lo chạy chiến tranh, xung đột, bóc lột, thì dĩ nhiên cung lương thực cũng sẽ tăng thêm nữa. Ý của Krugman như vậy cũng tương đồng với ý của bác Linh, khi bác nói đến việc bỏ trồng trọt, chuyển sang chăn nuôi.

Về việc các nước bảo hộ nông nghiệp, bao gồm cả sản xuất nông nghiệp lẫn an toàn lương thực, tôi nghĩ cũng là kết quả tất yếu của quá trình chính trị ở mọi nơi. Nhất là ở các nước nghèo, thì chế độ chính trị nào cũng phải đảm bảo an toàn lương thực mới mong giữ vững được. Tôi nghĩ đấy là hệ quả của cuộc khủng hoảng lương thực, không phải là mấu chốt.

Tôi nghĩ đặc điểm cơ sở của cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 chính là sự tương phản (trade-off) giữa rủi ro và thu hoạch (risk vs. return), nhìn trên góc độ toàn cầu. Trên góc độ toàn cầu, chỉ cần sản xuất lương thực vừa đủ, sau đó thương mại quốc tế sẽ giúp cân bằng cung và cầu ở khắp mọi nơi. Tuy vậy, đấy là trong thời điểm cân bằng. Khi thị trường mất cân bằng chút ít, thì thường có những lực lượng cản trở (friction) làm cho thị trường khó trở lại cân bằng hơn. Kinh nghiệm 2008 cho thấy những lực lượng này tương đối mạnh: đó là can thiệp bảo hộ của hầu hết các nước (Việt Nam cũng tương đối thô bạo), là sự bấp bênh về giá cả sản xuất (nhất là giá dầu), là sự bấp bênh, không dự đoán trước được về thiên nhiên, là sự chuyển dịch quá nhanh ra khỏi cây lương thực cơ bản. Trong một thời điểm có nhiều điều tệ hại cùng xảy ra, thì tác hại có thể khá lớn.

Vẫn biết là dài hạn thì giá cả sẽ dần dần điều chỉnh, và thị trường vẫn hoạt động tốt. Tuy vậy, ngắn hạn cũng rất quan trọng, và câu nói của Keynes "In the long run we are all dead" thì đặc biệt có ý nghĩa với những người nghèo khổ sống ngày qua ngày nhờ vào mức lương thực tối thiểu: nếu chờ đợi thị trường giải quyết vấn đề "in the long run", thì có thể họ đã chết cả rồi.

Kinh nghiệm 2008 có thể là một bài học tốt về sự tương phản risk-return, short run stability - long run efficiency. Tuy vậy, khủng hoảng lương thực nhường chỗ cho khủng hoảng tài chính có thể đã làm cho người ta quên khuấy đi mất vấn đề sống còn đối với người nghèo này.

Lạm phát và bóng đá

Nhân tiện nói về lạm phát, tôi mới xem biểu đồ này từ BBC. Giá mà biểu đồ có sự so sánh với một mức giá cố định, thay vì để các con số nominal như thế này. Và giá mà biểu đồ tính mức độ lạm phát từng năm để có thể so sánh. Tính tổng hợp lại, tôi nghĩ là lạm phát thực trong bóng đá cũng vẫn cao hơn nhiều mức lạm phát của nước Anh (hay các nền kinh tế chính ở châu Âu). Lý giải có lẽ là việc ngành kinh doanh bóng đá có doanh thu tăng nhanh hơn nhiều tốc độ tăng GDP. Hơn nữa, tốc độ tập trung doanh thu cũng tăng nhanh, do đó nếu chỉ nhìn vào những CLB hàng đầu thì tốc độ tăng doanh thu càng cao nữa (cho dù họ cũng phải chịu một số loại "thuế" mang tính cào bằng, ví dụ như việc chia tiền quảng cáo/truyền hình cho các sự kiện lớn). Tốc độ tăng doanh thu một phần phụ thuộc vào sự bành trướng của ngành này ra ngoài châu Âu (mà bóng đá Anh thành công nhất).

Tuy vậy, bóng đá có một điểm khác các lĩnh vực có hiện tượng "superstar" khác (CEO ở Wall St., siêu sao điện ảnh, golf, Formula 1, tennis, hay thậm chí là bóng rổ Mỹ, vv.), đấy là tính đồng đội: Tính đồng đội làm giảm bớt tầm quan trọng của superstar đối với kết quả đi rất nhiều. Nếu bóng đá chỉ là một môn thể thao mà mỗi đội có 5 người chơi, tôi nghĩ là tốc độ tăng giá và thu nhập của các ngôi sao sẽ còn cao hơn nhiều so với biểu đồ này.

À, cũng phải nói thêm là bóng đá vẫn còn hệ thống độc quyền tổ chức rất mạnh, giống như môn bóng đá Mỹ, vì thế, người lao động (hay là ngôi sao) sẽ được hưởng ít hơn từ việc tăng doanh thu chung. Một minh chứng là khi có luật Bosman, hệ thống độc quyền trong chuyển nhượng bị phá bỏ, nên giá chuyển nhượng (và cả lương bổng) tăng lên khá nhanh.

Lạm phát và chi tiêu công

Còn quá nhiều chuyện muốn viết trên blog mà không có thời gian, song có bài này tôi mới đọc thì phải viết ngay, một phần vì có liên quan đến thảo luận trên blog của anh Lê Hồng Giang về tiền tệ và lạm phát. Đây là bài viết ngắn của Casey Mulligan trên blog Economix của NY Times. Bài viết điểm lại quan điểm chi tiêu công nhiều sẽ dẫn đến lạm phát cao. Đầu tiên nhắc đến phán đoán của Keynes trong "The Economic Consequences of Peace" về nước Đức nặng nợ sau Thế Chiến I, mà hậu quả là siêu lạm phát, đến nỗi dẫn đến thể chế Quốc Xã. Sau đó bài viết đưa ra quan sát thực chứng, từ nghiên cứu của chính Mulligan, rằng quan hệ giữa lạm phát và chi tiêu công là rất yếu; nếu có, đó là quan hệ giữa lạm phát với chi tiêu cho quân sự mà thôi. Một luận điểm giải thích là thời nay các chính quyền dễ dàng đánh thuế bằng nhiều cách, do đó không cần phải dùng đến thuế bằng lạm phát (seigniorage). Và mức nợ công hiện nay của nước Mỹ, cho dù là một phần không nhỏ của GDP, còn thua xa mức nợ mà nước Đức bại trận sau Thế Chiến I phải gánh vác.

Điểm đáng chú ý nhất đối với tôi là sự khác biệt giữa nội dung bài viết và ý thức hệ của Mulligan. Mulligan là giáo sư ở Chicago, và từ trước đến nay thường thể hiện quan điểm theo trường phái tự do (laissez-faire), phản đối vai trò nhà nước. Một trong những luận điểm quan trọng của trường phái này là ảnh hưởng không tốt của chi tiêu công, kể cả về mặt hiệu quả lợi ích, lẫn mặt ổn định kinh tế mà nội dung chủ yếu là sự ảnh hưởng xấu đến mức lạm phát. Như thế, bài nghiên cứu (và do đó là bài blog) của Mulligan phần nào đi ngược lại quan điểm ý thức hệ (phần nào thôi, vì tôi dám chắc Mulligan vẫn rất tin rằng chi tiêu công không có hiệu quả lợi ích). Tôi khâm phục sự liêm khiết về khoa học này của ông. Sự liêm khiết này, như trong tất cả các lĩnh vực khác, không phải dễ dàng mà có, mà giữ được.

Update: Viết xong bài mới nhớ ra một điểm quan trọng, là ở Việt Nam thì chi tiêu công quá đà đã dẫn đến lạm phát cao. Một phần quan trọng của chi tiêu công ở Việt Nam là chi tiêu của các Tổng Công ty/Tập đoàn Nhà nước, bắt nguồn từ việc vay nợ dễ dàng, nhiều ưu đãi. Hình thức này tự nó đã tăng tổng tín dụng trong nước lên nhiều, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước lại không có đủ tự chủ để kiểm soát tình hình cung tiền. Vả lại, đến lúc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản, thì người gánh chịu là bộ phận lớn doanh nghiệp tư nhân/doanh nghiệp Nhà nước nhỏ, hậu quả là ảnh hưởng nặng đến tăng trưởng. Tham khảo từ các bài phân tích chính sách của trường Fulbright, tôi nghĩ đây là những gì đã xảy ra ở Việt Nam dịp 2007-2008.

Saturday, June 6, 2009

Điểm nghiên cứu kinh tế - I

Trong quỹ thời gian làm việc của tôi, có một phần dành cho việc đọc qua nghiên cứu kinh tế nói chung (không nhất thiết liên quan đến nghiên cứu cá nhân, miễn là thuộc về các chủ đề tôi quan tâm). Có lẽ bây giờ sẽ điểm lại trên blog, một là để cho khỏi quên, hai là để chia sẻ với người đọc, nếu có người quan tâm.

Trong số vừa rồi của QJE (Quarterly Journal of Economics) tháng 5 năm 2009, có những bài đáng chú ý sau: (nếu không có subscription vào QJE, chắc phải google theo tên của tác giả để tìm bản working paper)
  1. Was Weber Wrong? A Human Capital Theory Of Protestant Economic History (Sascha O. Becker and Ludger Woessmann):
    MaxWeber attributed the higher economic prosperity of Protestant regions to a Protestant work ethic. We provide an alternative theory: Protestant economies prospered because instruction in reading the Bible generated the human capital crucial to economic prosperity. We test the theory using county-level data from late-nineteenth-century Prussia, exploiting the initial concentric dispersion of the Reformation to use distance toWittenberg as an instrument for Protestantism.We find that Protestantism indeed led to higher economic prosperity, but also to better education. Our results are consistent with Protestants’ higher literacy accounting for most of the gap in economic prosperity.
    Bài này sẽ rất thú vị cho những ai quan tâm đến học thuyết của Weber. Tác giả khẳng định quan sát của Weber rằng các nước có truyền thống Tin Lành phát triển kinh tế nhanh hơn, song chứng minh rằng kênh truyền dẫn đơn giản qua đường giáo dục (dân phải biết đọc thì mới tự đọc được Kinh thánh) có thể giải thích sự chênh lệch này tốt và đúng hơn nhiều so với kênh truyền dẫn qua văn hóa theo thuyết của Weber (như thế không có nghĩa là ý của Weber hoàn toàn không xảy ra trong thực tế - nó chỉ yếu thế hơn nhiều so với lời giải thích kia thôi). Khá thú vị. Chắc tôi sẽ cố gắng đọc kỹ thêm.
  2. The Diffusion Of Development (Enrico Spolaore and Romain Wacziarg)
    We find that genetic distance, a measure associated with the time elapsed since two populations’ last common ancestors, has a statistically and economically significant effect on income differences across countries, even controlling for measures of geographical distance, climatic differences, transportation costs, and measures of historical, religious, and linguistic distance. We provide an economic interpretation of these findings in terms of barriers to the diffusion of development from the world technological frontier, implying that income differences should be a function of relative genetic distance from the frontier. The empirical evidence strongly supports this barriers interpretation.
    Bài này tận dụng dữ liệu genes ở mức quốc gia, cũng khá thú vị. Tôi đã được nghe bài này cách đây 3 năm, và đến giờ không thấy có khác biệt gì mấy (một lần nữa cho thấy thời gian chờ đợi xuất bản rất lâu trong kinh tế học). Cũng đáng đọc.
  3. Do Higher Prices For New Gôds Reflect Quality Growth Or Inflation? (Mark Bils)
    Much of Consumer Price Index (CPI) inflation for consumer durables reflects shifts to newer product models that display higher prices, not price increases for a given set of goods. I examine how these higher prices for new models should be divided between quality growth and price inflation based on (a) whether consumer purchases shift toward or away from the new models and (b) whether new-model price increases generate higher relative prices that persist through the model cycle. I conclude that two-thirds of the price increases with newmodels should be treated as quality growth. This implies that CPI inflation for durables has been overstated by almost 2 percentage points per year, with quality growth understated by the same magnitude.
    Bài này cũng rất đáng đọc, và chắc sẽ phải đọc. Câu hỏi chính là trong chỉ số lạm phát có bao nhiêu phần là lạm phát thực thụ, bao nhiêu phần xuất phát từ tăng chất lượng mặt hàng. Câu hỏi này không mới, dù là tôi chưa thấy ai giải quyết được, và không biết trong bài Mark Bils giải quyết được bao nhiêu phần, chắc chắn thế nào. Không rõ nếu phân tích ở Việt Nam thì bao nhiêu phần của lạm phát thuộc về tăng chất lượng. Dù nhiều người nhắc đến sự tha hóa chất lượng hàng hóa ở Việt Nam, tôi nghĩ là nhìn chung chất lượng hàng hóa vẫn tăng tương đối, vì Việt Nam phát triển nhanh, người dân nhanh chóng chuyển sang các mặt hàng chất lượng tốt hơn (phần lớn là nhập khẩu).
Ngoài ra còn nhiều bài hay khác, song tôi không chú ý nhiều.

Wednesday, June 3, 2009

Hạ giá đồng Việt Nam - tiếp tục

Hôm trước anh VHLinh và LHGiang có bình luận về bài viết Hạ giá Đồng Việt Nam của tôi, nay tôi tách ra thanh bài viết riêng để trao đổi thêm:


Linh said...

Tôi lại nghĩ việc hạ giá mạnh một lần là rất ít khả năng xảy ra. Thứ nhất, nó đi ngược lại các quan điểm được nêu ra từ trước về chính sách tiền tệ. Trong điều kiện người dân đã ít tin tưởng vào khả năng điều hành kinh tế (và cả chính trị) của chính quyền thì việc hạ giá trái với các tuyên bố trước kia sẽ càng khiến họ mất lòng tin hơn. Và khi đó họ sẽ đổ xô đi mua USD, có thể khiến đồng VND bị hạ giá hơn nữa dẫn tới mất kiểm soát.

Thứ hai là yếu tố tâm lý người dân. Người dân không quen với việc phá giá một lần mà có xu hướng đón đợi sự điều chỉnh giảm giá nhiều lần. Do đó nếu phá giá một lần thì chưa chắc người dân đã tin là phá giá một lần mà lại e rằng Nhà nước sẽ tiếp tục phá giá nữa.

Một câu hỏi nữa là phá giá tới mức bao nhiêu là hợp lý?

May 20, 2009 12:35 AM http://www.blogger.com/img/icon_delete13.gif

giangle said...

@Linh:
"Một câu hỏi nữa là phá giá tới mức bao nhiêu là hợp lý?"

Câu hỏi này rất hay và cũng liên quan đến expectation của người dân về việc liệu nhà nước có tiếp tục phá giá nữa hay không.

Tôi nghĩ giải pháp cho NHNN là không tuyên bố phá giá mà tuyên bố thay đổi qui chế vận hành của tỷ giá. Ví dụ mở rộng biên độ giao dịch và cho phép dịch chuyển central rate hàng ngày theo biến động của tỷ giá ngày hôm trước (flexible bands).

@QA: Tôi nghĩ một lý do nữa NHNN lưỡng lự chưa cắt lãi suất mạnh và phá giá VNĐ là lạm phát. Mấy tuần vừa rồi các NHTM phải tăng lãi suất huy động, chắc là đang thiếu liquidity chứ không phải vì cần huy động vốn để tăng tín dụng. Bóp nghẹt liquidity có vẻ là preferred policy của NHNN để chống lạm phát như hồi đầu năm ngoái.

May 20, 2009 11:12 AM http://www.blogger.com/img/icon_delete13.gif

Theo tôi, hiện giờ tỷ giá VND so với USD đang chênh vênh, có nghĩa một phần là Nhà nước đang “đánh bạc” rằng đồng USD sẽ giảm xuống so với các đồng tiền thong dụng khác. Nếu điều này xảy ra (hiện giờ đồng USD đã giảm chút ít so với mấy tháng trước), thì sẽ bớt đi nhiều áp lực lên VND, và mọi sự sẽ vẹn toàn. Lúc đó, chính phủ không phải phá giá, không phải thay đổi chính sách, sẽ có khoảng trống để áp dụng thêm chính sách tiền tệ, và có thể tự quảng cáo là bảo vệ thanh công (một lần nữa!) VND trước sức ép đầu cơ của nước ngoài. Bản than thị trường và người dân cũng sẽ có lợi: VND vẫn được giảm giá so với các đồng tiền floating khác (của các đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu), lại không chịu ảnh hưởng gì cả của sự bất ổn định khi có quyết định hạ giá, bất cứ là quyết định kiểu gì. Đây là viễn cảnh huy hoàng, có lợi cho mọi người (ở Việt Nam), và sẽ được tuyên bố và giải thích theo nhiều góc nhìn, thế nào tiện cũng được.

Viễn cảnh nửa vời, là mọi sự cứ diễn biến y hệt như hiện nay, tức là USD vẫn bấp bênh, VND vẫn bấp bênh, và do đó các chính sách tỷ giá và lãi suất vẫn bấp bênh. Tôi có viết một chút về lãi suất trên VFR số tới, hiện giờ báo chưa đăng nên chưa đưa lên blog được. Như hiện giờ, thì Nhà nước phải can thiệp một phần bằng chính sách hành chính, hạn chế quy đổi VND-USD, hạn chế giao dịch bằng USD, vv. Cũng là việc bất đắc dĩ, và chắc chắn ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Viễn cảnh ảm đạm nhất, là USD lại quay lại chiều hướng cao giá như mấy tháng trước. Lúc đó, sức ép lên VND còn tăng cao, và khó có thể thấy khả năng Nhà nước giữ được mức tỷ giá như hiện giờ. Ở đây, đề xuất của anh Lê Hồng Giang là nới lỏng biên độ tỷ giá. Tôi không rõ có ổn không. Dù chênh lệch giữa giá chính thức và giá chợ đen hiện nay chỉ khoảng 3% (18,200 so với 17,700), khi nới lỏng biên độ thì biên độ mới phải rộng gấp 3 lần biên độ cũ. Con số 3 lần có lẽ sẽ được thị trường và người dân hiểu (một cách chính xác) không khác gì hành động hạ giá đáng kể, và sẽ gây nên chuỗi sự kiện (chain reaction) giống như trong trường hợp tuyên bố hạ giá.

Đối với long dân và niềm tin vào chính sách của Nhà nước, tôi nghĩ một kích bản dễ xảy ra là Quốc hội đột ngột chất vấn và yêu cầu hạ giá VND, các báo chí cũng đồng loạt đăng bài kêu gọi hạ giá để giúp xuất khẩu, và việc hạ giá chuyển ngay từ một chủ đề taboo thanh chủ để thời thượng trên tất cả các phương tiện thong tin đại chúng, từ chính quy cho đến ngoài lề. Kết quả là người dân cảm giác như chính mình đang đòi hạ giá VND, và chính phủ sẽ miễn cưỡng hạ giá/nới lỏng biên độ giao dịch. Đây không phải là lần đầu kịch bản như thế này xảy ra, và tôi nghĩ thực sự nó sẽ giúp ổn định nhiều khía cạnh kinh tế trong giai đoạn khó khăn này, trong trường hợp USD lại tăng giá.

Về câu hỏi phá giá bao nhiêu thì hợp lý: Có thể nếu black market premium hiện nay là 3%, thì không cần hạ giá đến mức 3% cũng vẫn củng cố được niềm tin của người cầm VND. Vấn đề là 3% thì Chính phủ vẫn chưa chịu hạ giá (vẫn cầm cự được), và sẽ chỉ hạ giá khi mà premium lên thêm một, hai điểm phần trăm nữa. Lúc đó, có lẽ hạ giá phải đến mức 4-5%.

Về vấn đề lạm phát, tôi nghĩ nó chưa phải là vấn đề đáng lo trong thời gian gần, cho dù đúng là phải theo dõi sát sao. Có lẽ tôi sẽ viết thêm về lạm phát trong một lần khác.

Cuối cùng, tình huống khó xử hiện nay và viễn cảnh nửa vời bấp bênh về tỷ giá làm tôi nhờ đến câu chuyện cái “cân kê” (gân gà) trong truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa. Ngụy Vương Tào Tháo thua trận, muốn rút khỏi cuộc tranh giành Hán Trung với Ích Châu Mục Lưu Bị, song lại sợ bị yếu thế và hổ danh tiếng, suy nghĩ mãi không xong, nhân Hạ Hầu Đôn vào hỏi khẩu lệnh ban đêm, thấy bát canh gà mới buột mồm nói khẩu lệnh là “cân kê”. Quan tòng sự Dương Tu nổi tiếng thông minh, nghe thấy thế liền sai quân lính chuẩn bị hành lý rút lui, giải thích rằng gân gà nhai thì khó, mà bỏ thì không nỡ, song sớm muộn cũng sẽ phải bỏ thôi. Tào Tháo nhân vốn ghét Dương Tu hay phát ngôn quá giới hạn, mới ghép vào tội làm rối long quân mà đem Dương Tu ra chém. Rất đáng tiếc. Không biết thời nay nói nhiều về chủ đề taboo thì có số phận giống Dương Tu không.


Update: Chưa già đã lẫn, hôm nay viết xong đọc lại thấy quen quen, hóa ra là tôi đã viết những ý tương tự trong một bài trước rồi. Bạn đọc thông cảm là tuần vừa rồi tôi bị ốm, chắc vì thế mà đầu óc lộn xộn hết thứ tự thời gian, hì hì.

Tuesday, May 26, 2009

Có cần xấu hổ ?

Nhân sự kiện cựu thủ tướng Hàn Quốc Roh Moo-hyun tự sát, tôi có đọc một số bài viết trên blog của anh Linh anh Huy Đức về tính "biết xấu hổ". Hai bài viết này làm tôi nghĩ đến sự khác nhau giữa hai phương hướng cải tổ nền pháp trị và chất lượng thể chế của một quốc gia. Hai bài viết nói về vấn đề tham nhũng và hình phạt dựa trên góc độ Đạo đức; tương đồng với nó, là phương hướng cải tổ pháp trị bằng cách tôn cao nền đạo đức. Phương hướng thứ hai là cải tổ nền pháp trị bằng cách tăng cường động lực đối với con người cho các cơ chế pháp luật; các biện pháp này thường không động chạm vào nền tảng đạo đức.

Thường thường, người ta đề cao cả hai phương hướng trong việc xây dựng một nền chính trị sạch và hiệu quả. Việc đề cao cả hai như vậy cần bao gồm một giả thiết ngầm rằng hai phương hướng này bổ sung cho nhau, chứ không đối nghịch với nhau. Trong trường hợp "biết xấu hổ", tôi thấy có cả một chút đối nghịch giữa hai phương hướng này.

Cụ thể, có thể hiểu sự "xấu hổ" là một cá tính, mà mức độ của nó trong từng cá nhân có thể rất khác nhau. Cá tính này có thể có tương quan thuận (positive correlation) đến các cá tính khác cần thiết cho nền pháp trị, như sự trong sạch, liêm khiết, tính dám chịu trách nhiệm, vv. Chúng ta muốn những nhà chính trị có những cá tính cần thiết này: có lẽ là chúng quan trọng hơn bản thân tính biết xấu hổ.

Khi xã hội tôn cao nền đạo đức của tính biết xấu hổ, tôi đoán sẽ có một phần nhỏ chuyển từ "không biết xấu hổ" thành "biết xấu hổ", nhưng phần tác động lớn hơn nhiều là những người vốn đã biết xấu hổ sẽ cảm thấy tủi nhục hơn nữa về những việc "đáng xấu hổ". Những người biết xấu hổ trong các thể chế có dính líu đến những việc đáng xấu hổ sẽ phải dằn vặt thêm vì cảm thấy xấu hổ, có thể là vì chính những hành động sai trái rất nhỏ mà mình đã làm trong quá khứ (các bác có đọc truyện Tiên Trẩn trong Đông Chu Liệt Quốc?), có thể là vì hành động sai trái của người thân (Roh Moo-hyun), cũng có thể là vì những gì thường xuyên xảy ra xung quanh họ (ví dụ về những người từ quan về quê vô số kể). Cuối cùng, tác động chung đối với nền pháp trị là phần lớn những người biết xấu hổ (cũng là những người có nhiều năng lực hơn và trong sạch hơn) sẽ dần dần bị đẩy ra khỏi hàng ngũ chính trị, thay vào đó là những người ít nhậy cảm hơn với những việc "đáng xấu hổ". Vì thế, cho dù mặt bằng đạo đức, đo bởi độ nhậy cảm với những việc đáng xấu hổ, có thể được tôn cao lên, thì kết cục là chất lượng nền pháp trị lại đi xuống.

Không phải đi đâu xa, tôi nghĩ quá trình tiến hóa của thể chế chính quyền ở Việt Nam trong những năm 1990 có hơi hướng thể hiện xu hướng như vậy. Đạo đức của sự biết xấu hổ đã góp phần thay đổi cơ cấu lãnh đạo ở Việt Nam trong thời kỳ này. Ví dụ có rất nhiều, tương đối nhậy cảm nên không nêu ra được.

Ngược lại với việc tôn cao mặt bằng đạo đức, nếu như giảm tầm quan trọng của đạo đức xấu hổ, giảm sự suy xét hậu quả của việc làm thiếu trách nhiệm, thay vào đó là tôn vinh kết quả công việc có kết quả tốt và hiệu quả cao, thì liệu có thể đảo ngược xu hướng thay đổi cơ cấu như vậy không? Tôi không có câu trả lời chính xác: không phải quá trình nào cũng có thể đảo ngược đơn giản bằng cách đảo ngược nguyên nhân. Muốn trả lời chính xác, phương pháp khoa học nhất là thí nghiệm ngẫu nhiên. Trên thực tế, chúng ta không thể nào có sự ngẫu nhiên, cũng không thể có thí nghiệm.

Monday, May 25, 2009

Người Mỹ gốc Việt đầu tiên trong Quốc hội Mỹ

Đây là một bài tôi viết trên blog 360 độ cách đây một thời gian về người gốc Việt đầu tiên trúng cử vào Quốc hội Mỹ. Hôm nay vô tình thấy bài này trên BBC tiếng Việt, nên post lại đây để đối chiếu về dự đoán trong bài trước của tôi.

First Vietnamese American in US Congress

That is the piece of news on the NY Times that I spotted a couple of days ago. In a predominantly black and Democratic district in Louisiana, a certain Mr. Anh Cao, first generation migrant from Vietnam, defeated the long-term black Democrat incumbent, only a few weeks after the first black presidential candidate from a major party defeated the incumbent party's candidate. It is true that the Democrat incumbent, Rep. William J. Jefferson comes into the election with an infamous burden of FBI files full of corruption charges. It is also true that since the election was delayed due to hurricane Gustav, black turnout diminished significantly, compared to what would have been the case on Nov. 4. But it does not take out a bit of prestige from the unlikely victory of the first Vietnamese American Congressman.

What is more interesting to me is not really the hype of the unprecedented event (everything has a beginning, you may say), but the nature of the man that would soon stand for a whole immigrant community. I would scribe down a few points about him, through stereotypical glasses of that community.

First, he is highly religious, stereotypical of most Vietnamese Americans living in Vietnamese American communities I know. Second, like many first-generation immigrants, he suffered fatefully harsh childhood and adolescence, and decidedly worked hard as a response to the ordeal. Third, he is Republican. The last fact gathers a lot of stereotypical characters of the Vietnamese American communities. Exiled for different reasons, they regroup with a strong belief in God and superhuman forces that have saved them through the numerous obstacles they had to face. They have little belief in government, of any kind, and choose to work as hard as they can, wishing the society to leave everything into the invisible hand of the market. And they hold a diehard view on how to win wars and respect the military. These traits fit well into the staunch ideological lines of the Republican Party. While Obama might have been a bit more appealing to Vietnamese American than other Democratic candidates used to be, this socially coherent group of immigrants should not be expected to change their mind any time soon. (In the presidential election, Orange County still remains the only red county on the Californian coastline.)

Freedom and Heritage people, as my friend Filipe jokingly refers to the exiled community of Vietnamese Americans (after I explained why and how they wanted to stay loyal to their historical yellow and red stripes banner), face several paths. The two most common paths are bifurcated from what they have always been following: work hard, believe in God and fate, but do not believe in government and politics. The more able, or better educated, or simply luckier (choose your politically correct version), get even better opportunities through hard study and hard work, and nominally integrate into the American society thanks to a combination of a good job that commands social respect, a good saving, and a relatively quiet approach to social life. They sit back and enjoy the freedom their society gives them, but do not think of joining it. The rest, more numerous and more diverse, self-concentrate in strongly segregated communities, and rely on the maintenance of such communities, out of which they would scarcely survive.

There are now newer paths. Many Vietnamese Americans choose to go to Vietnam, establish a link between the two countries, or even settle down in Vietnam (a recent example springs to mind). Many others, mostly second-and-more generation Americans, live a full American dream, like Americans do. The full American dream oftentimes sends the Freedom and Heritage political view to oblivion; but a few like Mr. Anh Cao will not forget it. First, Mr. Anh Cao had first hand experience of the War and its consequences, and he made no attempt hiding his view that there is no unwinnable war. Second, he will soon become the emblem of a community hitherto relatively uninvolved in American politics, and the mobilization of that community means more votes. For a politician as he is, such opportunities will not be bypassed.

Following the symbolic win of Mr. Anh Cao, many Vietnamese Americans will again take up his path, and reheat the Freedom and Heritage cause. He will be their symbolic, if not effective leader. Vietnamese Americans will invest more time and effort in the real American politics, not their own fictive nostalgic comedies. They will soon make their names heard, if not their voices.

These are my predictions. And I am not sure what that will mean to the other Vietnamese, those who live in Vietnam.

Update: Tiên đoán quan trọng nhất, theo tôi, là tiên đoán về ảnh hưởng đối với Việt Nam, mà tôi không tiện viết ra trong bài trên. Tôi không có cảm giác vui hay buồn về tất cả những mẩu tin và nhận xét ở đây: tôi nghĩ là quá sớm để có thể nói đến ảnh hưởng đối với người Việt ở Việt Nam.