Linh said...
Về vấn đề giáo dục: đúng là hơi lạ vì tôi ít thấy Krugman nhắc tới vấn đề giáo dục từ trước tới nay.
Cái ví dụ mà QA nói xem ra cũng chưa rõ ràng lắm: sản xuất 1kcal thịt cần 7kcal lương thực, vì vậy nhu cầu lương thực lâu dài sẽ tăng. Tôi không hiểu ý Krugman ở đây là gì nhưng vấn đề ở đây là việc người ta bỏ trồng lương thực để chăn nuôi nhằm đáp ứng sự chuyển dịch của cách thức ăn uống (tăng thịt, giảm ngũ cốc) và đó là một phần nguyên nhân của khủng hoảng lương thực gần đây.
Nếu xu hướng này tiếp tục thì giá lương thực sẽ có xu hướng tăng trong dài hạn nhưng điều đó không có nghĩa là cầu lương thực tăng mà chỉ đơn giản là cung lương thực bị hạn chế.
Trong ngắn hạn, tôi nghĩ cầu lương thực khá ổn định và không phụ thuộc nhiều vào khủng hoảng do độ co giãn của cầu lương thực với giá thấp. Lý do giá lương thực hiện nay giảm là vì giá năng lượng giảm cộng với các chính sách bảo hộ của các nước (như Trung Quốc mới hạn chế nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam). Vì thế nếu khủng hoảng hồi phục thì giá lương thực sẽ có xu hướng tăng nhưng chắc rằng không thể nào tăng như trong năm 2008 được. Cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2008 trầm trọng còn do chính sách lợi mình, hại người của nhiều quốc gia khi hạn chế xuất khẩu.
Về việc các nước bảo hộ nông nghiệp, bao gồm cả sản xuất nông nghiệp lẫn an toàn lương thực, tôi nghĩ cũng là kết quả tất yếu của quá trình chính trị ở mọi nơi. Nhất là ở các nước nghèo, thì chế độ chính trị nào cũng phải đảm bảo an toàn lương thực mới mong giữ vững được. Tôi nghĩ đấy là hệ quả của cuộc khủng hoảng lương thực, không phải là mấu chốt.
Tôi nghĩ đặc điểm cơ sở của cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 chính là sự tương phản (trade-off) giữa rủi ro và thu hoạch (risk vs. return), nhìn trên góc độ toàn cầu. Trên góc độ toàn cầu, chỉ cần sản xuất lương thực vừa đủ, sau đó thương mại quốc tế sẽ giúp cân bằng cung và cầu ở khắp mọi nơi. Tuy vậy, đấy là trong thời điểm cân bằng. Khi thị trường mất cân bằng chút ít, thì thường có những lực lượng cản trở (friction) làm cho thị trường khó trở lại cân bằng hơn. Kinh nghiệm 2008 cho thấy những lực lượng này tương đối mạnh: đó là can thiệp bảo hộ của hầu hết các nước (Việt Nam cũng tương đối thô bạo), là sự bấp bênh về giá cả sản xuất (nhất là giá dầu), là sự bấp bênh, không dự đoán trước được về thiên nhiên, là sự chuyển dịch quá nhanh ra khỏi cây lương thực cơ bản. Trong một thời điểm có nhiều điều tệ hại cùng xảy ra, thì tác hại có thể khá lớn.
Vẫn biết là dài hạn thì giá cả sẽ dần dần điều chỉnh, và thị trường vẫn hoạt động tốt. Tuy vậy, ngắn hạn cũng rất quan trọng, và câu nói của Keynes "In the long run we are all dead" thì đặc biệt có ý nghĩa với những người nghèo khổ sống ngày qua ngày nhờ vào mức lương thực tối thiểu: nếu chờ đợi thị trường giải quyết vấn đề "in the long run", thì có thể họ đã chết cả rồi.
Kinh nghiệm 2008 có thể là một bài học tốt về sự tương phản risk-return, short run stability - long run efficiency. Tuy vậy, khủng hoảng lương thực nhường chỗ cho khủng hoảng tài chính có thể đã làm cho người ta quên khuấy đi mất vấn đề sống còn đối với người nghèo này.
Đề cập tới khủng hoảng tài chính vẫn là cái gì fancy hơn với những nhà kinh tế, so với khủng hoảng lương thực. Nhưng đối với người nghèo thì khủng hoàng tài chính nối sau khủng hoảng lương thực sẽ thành một cú đánh kép. Bởi vì giá lương thực hiện nay vẫn cao so với thời điểm trước 2007, trong khi khủng hoảng tài chính làm tăng thất nghiệp và giảm thu nhập người nghèo. Trong khi đó, hầu hết các nước nghèo lại chưa có hệ thống safety net để bảo vệ người nghèo. Tất nhiên, khủng hoảng lương thực cũng có thể có những tác động pro-poor nếu đa số người nghèo sản xuất nông nghiệp và hưởng lợi từ giá cả tăng. Nhưng nói chung, tác động này rất thấp trên thế giới và đa số người nghèo là bị thiệt hại bởi khủng hoảng.
ReplyDelete