Một trong những thần tượng điện ảnh lớn nhất của tôi là Châu Tinh Trì (Steven Chow Sing-Chi), hay gọi là Tinh. Tôi thích so sánh anh với Woody Allen; có những điểm rất giống, và có những điểm hoàn toàn trái ngược. Một đặc điểm rất nổi bật của Tinh và Woody là nguồn sáng tạo vô bờ và khả năng tạo ra sản phẩm liên tiếp không mệt mỏi.
Tôi thường so sánh giữa độ phát triển nghệ thuật của Hong Kong và Singapore, chủ yếu về điện ảnh. Hong Kong có thể nói là trung tâm điện ảnh của thị trường điện ảnh Á Đông/Hoa Ngữ, là nơi tập trung rất nhiều tài nguyên và tổ chức sản xuất điện ảnh. Nơi đây là một thị trường điện ảnh lớn, thường đưa ra đánh giá quan trọng về phim ảnh (bao gồm giải thưởng điện ảnh quan trọng nhất Á Đông). Hoạt động điện ảnh ở Hong Kong rất sôi động. Singapore cũng là một thị trường điện ảnh Hoa Ngữ lớn, song hoạt động điện ảnh không có gì vượt khỏi mức tiêu thụ phim ảnh từ Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Chỉ có một số rất ít diễn viên Singapore có tiếng tăm vượt ra khỏi biên giới. Cũng phải nói là hai đất nước này đều là những nền kinh tế Hoa Ngữ giầu nhất.
Điều này có thể có nhiều cách giải thích. Cách thứ nhất là kích thước thị trường Hong Kong vẫn lớn hơn Singapore tương đối, cho dù tôi nghĩ là sự chênh lệch về kích thước GDP không đủ để giải thích sự chênh lệch về điện ảnh. Cách thứ hai là thời điểm bắt đầu phát triển kinh tế, song Hong Kong và Singapore cũng không chênh nhau nhiều. Cách thứ ba là Hong Kong có thuận lợi truy cập vào thị trường điện ảnh rộng lớn của Trung Quốc, nhưng cách này cũng không ổn, vì điện ảnh Hong Kong phát triển ngay từ khi Trung Quốc còn đóng kín cửa. Cách thứ tư, Hong Kong có định hướng và kế hoạch phát triển ngành điện ảnh rất tốt. Cách này tôi nghĩ cũng không chuẩn xác, vì truyền thống Singapore luôn định hướng, kế hoạch, còn Hong Kong thường để mặc thị trường hơn.
Có thể kết hợp những lời giải thích này vào thành một kịch bản, trong đó Hong Kong có một phần tập trung vào ngành điện ảnh từ sớm, sau đó tận dụng được lợi thế đi trước, lợi thế thị trường tốt, và được "locked in" vào đỉnh cao của ngành điện ảnh khu vực.
Tôi nghĩ cách giải thích hợp lý hơn là sự khác biệt về môi trường sáng tạo giữa hai nước. Theo đánh giá của nhiều nghiên cứu (World Bank, Polity IV, Freedom House, vv.) cả hai nơi đều có độ tự do kinh tế rất cao trên thế giới, và điều này lý giải thành công của sự phát triển kinh tế. Tuy vậy, hệ thống chính trị của hai nước tương đối khác nhau. Thể chế kế thừa của Anh đảm bảo cho Hong Kong sự phân tán quyền lực, ngay cả khi quay về với Trung Quốc (dù họ cũng tạo nhiều tầng trói buộc hệ thống nhà nước của Hong Kong), người dân có thói quen biểu hiện thái độ chính trị nơi công cộng và theo đám đông, và họ quen với việc chính quyền phải và sẽ đáp ứng ý kiến, nguyện vọng của họ. Theo 6 chỉ số về "minh trị" (governance) của World Bank, chỉ số "Voice and accountability" về chính quyền Hong Kong khá cao. Singapore thì khác: về luật (de jure) hệ thống pháp quyền của Singapore cũng thừa kế từ Anh, còn trên thực tế (de facto) hệ thống chính trị Singapore tập quyền vào một đảng ưu tú lãnh đạo trong toàn bộ quá trình hình thành và phát triển đất nước. Chính quyền do đảng lãnh đạo của Singapore bảo đảm phát triển kinh tế nhanh và đều đặn, đảm bảo phát triển đô thị văn minh, song cũng không ít trường hợp họ hy sinh một số cá nhân với lý do bảo đảm quyền lợi chung của xã hội. Từ đó, dù cho một bộ phận không nhỏ người dân có thái độ bất bình, phần nhiều họ không thể hiện ra được một cách công khai. Chỉ số "Voice and accountability" của chính quyền Singapore tương đối thấp. Phải nói là đảng lãnh đạo Singapore vẫn rất quan tâm đến nguyện vọng, thái độ của người dân; tuy vậy, không có cơ chế nhà nước đủ mạnh, không có phản biện đối lập đủ trọng lượng để đảm bảo sự quan tâm ấy sẽ tiếp tục trong mọi trường hợp.
Từ sự khác biệt này, dẫn đến sự khác biệt về độ phát triển nghệ thuật. Ở Singapore, chính quyền định hướng kế hoạch trên hầu hết các phương diện; và nghệ thuật không phải là một ngành được chú tâm cao. Hơn nữa, những nghệ thuật dễ tiếp cận như Điện ảnh hay Văn chương (khác với Hội họa chẳng hạn) không phải lúc nào cũng dễ nghe, cũng sẵn sàng ủng hộ cho những chương trình lớn của chính quyền, của xã hội. Có lẽ vì thế mà Điện ảnh, Văn chương nằm ở một góc rất khiêm tốn trong nền văn hóa non trẻ của Singapore.
Ở Hong Kong, người ta chỉ cần có sự ủng hộ của thị trường. Và thị trường không phải lúc nào cũng chê các giá trị nghệ thuật. Đối với tôi, phim của Châu Tinh Trì hàm chứa giá trị nghệ thuật rất tài tình: nó là thứ nghệ thuật bình dân cho số đông, thậm chí quê mùa đến giới hạn của sự lố bịch, và nhờ thế mà Tinh sống rất khỏe giữa thị trường. Nhưng xem phim của Tinh, còn có thể thấy ngạc nhiên đến giật mình vì nó bao phủ một khoảng văn hóa rộng lớn, từ nền tảng văn chương, nghệ thuật, lịch sử thế giới Hoa ngữ cho đến những nét đặc tả sâu sắc của xã hội đương đại, và tất cả trộn vào trong một "nồi hổ lốn" để tùy từng người xem hoàn toàn tự do nhìn vấn đề theo cách nhìn không bị bó buộc của mình. Đấy cũng là một cốt lõi của nghệ thuật.
Tuesday, June 16, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Không ngờ GS kinh tế lại có phân tích về điện ảnh sắc sảo như thế :-)
ReplyDeleteTôi chỉ có một nhận xét nhỏ là xã hội HK, ít nhất cho đến khi về lại với mainland, có thể coi là một tô giới Viễn đông của Anh, bao gồm cả văn hóa nghệ thuật. Trong khi đó Lý Quang Diệu ngay từ khi "lập quốc" đã chỉ muốn có một quốc gia với nền hành chính Tây hóa trên cơ sở vân hóa Đông Á.
Ô, chị thấy bọn tathy chúc mừng sinh nhật em. Chị cũng chúc mừng phát. Chúc em thêm tuổi mới mọi sự như ý nhé!
ReplyDeleteChị NKd.
Chúc mừng sinh nhật Quốc Anh.
ReplyDeleteCũng có thể lý giải ở đường hướng phát triển. Hongkong trên thực tế là một nước Trung Quốc thu nhỏ trong khi Singapore (được nhấn mạnh) là một quốc gia đa chủng tộc, đa văn hóa. Vì thế điện ảnh Hongkong có sự hướng đích tới thị trường Hoa ngữ rộng lớn trong khi ở Singapore, việc nhấn mạnh tính chất đa văn hóa sẽ hạn chế sự phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Hoa ngữ của nước này. Thêm nữa, Hongkong có số phận gắn với Trung Quốc (do cái thời hạn 100 năm) còn Singapore thì đã chủ trương thoát Hoa khi lập quốc.
Ý của bác LHGiang tôi không rõ có ảnh hưởng đến sự phát triển điện ảnh không. Tôi nghĩ là phim Hong Kong thể hiện một thứ văn hóa đặc trưng Hong Kong hoàn toàn, và góp phần vào việc phổ biến tiếng Quảng. Ít thấy ảnh hưởng của văn hóa Anh (British, non-American) lên phim Hong Kong, hay cũng có thể là tôi không nhận ra được. Ảnh hưởng văn hóa rõ hơn là ảnh hưởng Hollywood, ví dụ như ảnh hưởng của phong cách phim spoof (nhại?) lên Châu Tinh Trì, Thành Long, song hành với phong trào hậu hiện đại từ Pháp - Mỹ hơn là Anh.
ReplyDeleteÝ của bác VHLinh hơi ngược với bác Giang, song tôi nghĩ cũng không giải thích được sự khác biệt. Nếu chỉ thuần túy là định hướng văn hóa, thì hướng vào đâu cũng sẽ có thị trường cả: Khu vực Malaysia - Indonesia liên hệ mật thiết với Singapore đáng ra có thể là thị trường lớn của phim Singapore (ít ra có thể kể đến 1/3 dân số Malaysia là người gốc Hoa). Hơn nữa, như tôi nói ở trên, khi điện ảnh Hong Kong bắt đầu phát triển thì Trung Quốc lục địa còn quá kém về điều kiện kinh tế, văn minh xã hội, và đóng cửa quá kín để các nhà làm phim Hong Kong có thể nhằm vào đấy mà phát triển.
Mình thì lại nghĩ đó là 'nền tảng văn hóa' chứ không phải 'định hướng văn hóa'. Hong Kong về văn hóa như một nước Trung Quốc thu nhỏ, cộng với môi trường sáng tạo tốt kế thừa từ thời Anh. Singapore thì lại là một quốc gia đa chủng tộc, đa văn hóa, bản thân điều này dễ có những mâu thuẫn trong nội tại, làm cản trở sự phát triển của những lĩnh vực sáng tạo như điện ảnh ...
ReplyDeleteÝ bác Anh Nguyen cũng không được thỏa mãn. Cùng nói về 'nền tảng văn hóa', Trung Quốc rất mạnh, song điện ảnh chỉ thực sự có cơ hội phát triển khi nhà nước bắt đầu nới lỏng gọng kìm. Ngược lại, tôi nghĩ sự đa chủng tộc là lợi thế tốt để xây dựng một nền điện ảnh hiện đại, và những mâu thuẫn giữa các dòng văn hóa theo sắc tộc thì dễ tạo động lực thúc đẩy phát triển sáng tạo, miễn là có môi trường dễ thở. Ví dụ hiển nhiên là Mỹ, còn nếu các bác luôn nghĩ "Mỹ khác" thì có thể đưa ra ví dụ Ấn Độ (vâng, rất đa văn hóa, đa sắc tộc, đa tôn giáo), hay sự đối lập chính trị Catalunia - Tây Ban Nha.
ReplyDeleteNhắc đến Ấn Độ, tôi nghĩ so sánh Ấn và Trung thì Trung có thị trường to hơn, giầu hơn, văn hóa thuần chủng hơn, ít lai tạp hơn, có lợi thế bảo hộ thương mại với phim Mỹ hơn (barriere tự nhiên nhất là ngôn ngữ), thế nhưng ngành điện ảnh Ấn Độ nở rộ có thể nói là hàng đầu thế giới (vâng, tôi nói đến Bollywood), trong khi Trung Quốc thì phát triển điện ảnh chậm, và ít đa dạng (nếu không kể Hong Kong). Có thể có bias vì tôi nói theo những gì mình quan sát, nhưng tôi nghĩ thực tế nếu thống kê lại thì không khác mấy.