Tuesday, June 23, 2009

Rủi ro lạm phát ở Việt Nam - phần II

Anh Vũ Hoàng Linh có bình luận trong bài trước về lạm phát ở Việt Nam, tôi trích lại đây để trả lời.
Linh said...

Nói thêm vài ý sau khi đọc: chưa hiểu Quốc Anh ngoại suy theo cách nào nhưng phải thấy là năm 2009 không như 2008 bởi trong 2009 có gói kích cầu rất lớn được đưa vào sử dụng, và tác động của gói này sẽ mạnh hơn trong giai đoạn cuối năm, do đó khả năng lạm phát sẽ cao hơn so với việc ngoại suy căn cứ vào trend thay đổi lạm phát các tháng trong năm vào những năm bình thường.
Thứ hai là QA viết "nhiều người nghèo khác (sản xuất lương thực thực phẩm chẳng hạn) sẽ tăng thêm sức mua." nhưng nếu nhìn vào bảng của QA thì giá lương thực cũng chỉ tăng tương đương với mức tăng lạm phát nói chung, do đó không thể nói người sản xuất LTTP có lợi. Đó là chưa kể có thể có sự khác biệt giữa chỉ số mà người SX nhận được với chỉ số giá tiêu dùng. Nếu chỉ số PPI cho LTTP thấp hơn CPI thì rất có thể lợi ích của việc tăng giá LTTP không đáng kể và không đủ bù đắp thiệt hại do lạm phát.

Về ý thứ nhất, cái mốc tìm ra lời giải đáp chính là tâm điểm các cuộc tranh luận giữa những người tin vào chính sách kiểu Keynes và những người hồ nghi. Cuộc tranh luận sẽ quay về việc nhận định có "output gap" hay không, tức là cầu có bị thiếu hụt về mặt cơ cấu so với cung hay không. Điển hình phân tích của một người K (Keynes, Krugman) là sự công nhận khoảng cách này, và công nhận ảnh hưởng to lớn của nó đến phúc lợi xã hội trước mắt (Keynes nhấn mạnh tầm quan trọng của short run khi nói: "In the long run we are all dead"), và từ đó cần thiết phải có chính sách kích cầu tài khóa (khi mà chính sách tiền tệ khó có tác dụng nữa). Ngược lại, điển hình phânt tích của một người C (Chicago, không phải Communist) là output gap nếu có cũng không phải là yếu tố cơ cấu, nên để thị trường tự điều chỉnh, và chắc chắn trong long run thì thị trường sẽ điều chỉnh được (từ đó, Keynes mới có câu nói về long run death).

Anh Lê Hồng Giang cũng đã có một chùm bài giải thích về kinh tế tiền tệ vĩ mô, mà tôi vẫn còn chưa có dịp đọc (nói là kinh tế tiền tệ vĩ mô, vì cái tên "monetary economics" hiện giờ ngày càng có xu hướng chỉ các nghiên cứu về bản chất sự cần thiết của tiền tệ, đi rất sâu về mặt mô hình vi mô). Theo những gì tôi biết, thì hai cách nhìn K và C nói trên khác nhau ở điểm có công nhận giá cả điều chỉnh nhanh (cách nhìn C) hay là điều chỉnh chậm chạp (cách nhìn K) (cho các bác học kinh tế: mô hình phải có sticky price/sticky information thì mới có non-neutrality of money). Nếu giá cả điều chỉnh nhanh, thì không có lý gì sẽ có khủng hoảng kéo dài. Nếu giá điều chỉnh quá chậm, thì ảnh hưởng ngắn hạn của một khoảng output gap lớn sẽ rất cao. Đây chính là mấu chốt vấn đề khác biệt về mô hình và quan điểm. Về bằng chứng thực tế, vẫn còn có nhiều quan điểm, phần lớn đồng ý rằng giá cả có phần chậm, song bất đồng về mức độ chậm có đủ để ảnh hưởng đến suy thoái ở tầm vĩ mô không (nói đến suy thoái thôi, khủng hoảng thì tôi chưa rõ). Tùy vào cơ sở quan điểm, K thường đề xuất can thiệp mạnh, mặc dù cũng không thể phủ nhận rủi ro của "the grabbing hand", còn C đề xuất can thiệp tiền tệ và tránh vai trò chính phủ.

Quay lại vấn đề kích cầu ở Việt Nam, tôi nghĩ là thực sự có output gap rất lớn từ việc suy sụp xuất khẩu. Dĩ nhiên là thị trường có thể điều chỉnh, nhưng thị trường ở Việt Nam vốn đã chập chững, thiếu các yếu tố ổn định, thiếu thông tin, thiếu hội nhập quốc nội, nên tôi nghĩ là ảnh hưởng ngắn hạn sẽ nặng nề. Và vì output gap lớn, nên kích cầu sẽ ít có khả năng ảnh hưởng đến lạm phát (phù, ba đoạn rồi mới trả lời được câu hỏi thứ nhất của bác Linh).

Phân tích thêm, kích cầu của Việt Nam chắc sẽ không rơi đúng vào những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất (từ xuất khẩu chẳng hạn). Kích cầu chắc sẽ được nhằm vào ngành xây dựng, là ngành không xuất khẩu mà lại nhập khẩu nhiều, và vì thế ảnh hưởng cũng sẽ bị rơi ra ngoài Việt Nam (Việt Nam nhập thiết bị, commodities từ Trung Quốc ?), có thể tạm gọi là "thực hiện nghĩa vụ quốc tế", vốn cũng không nên than phiền nhiều, vì các gói kích cầu của các nước khác cũng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Nhưng không vì thế mà kích cầu có thể tạo sức ép mạnh lên lạm phát được: về mặt bằng chung, cầu vẫn sẽ tương đối thấp hơn cung, nên sẽ có sự hoán đổi giữa các ngành là chính, và giá tương đối giữa các ngành sẽ được điều chỉnh, chứ không phải là mặt bằng giá chung tăng lên. Nhất là phần lớn lao động trong xây dựng là lao động trình độ thấp, đàn ông (chính vì thế mà kích cầu qua xây dựng có tác dụng ổn định, an sinh xã hội giúp người nghèo), nên hoán chuyển ngành tương đối dễ dàng. Kết quả theo tôi sẽ là sự tăng giá tương đối của ngành này (hay các ngành được kích cầu) so với những ngành yếu hơn (các ngành bị thiệt thòi về output gap), chứ mặt bằng giá chung thì không có nhiều lạm phát.

Nói như vậy, không có nghĩa là tôi hoàn toàn ủng hộ kế hoạch kích cầu ở Việt Nam. Tôi chỉ nghĩa là trong thời điểm hiện tại nó chưa ảnh hưởng mấy đến lạm phát. Kinh nghiệm 2007-2008 cho thấy quá rõ là với việc thả lỏng tín dụng, nhất là tín dụng Nhà nước cho các Tổng công ty, thì lạm phát sẽ nhẩy vọt thế nào.

Tạm thời thế đã, còn nguyên ý thứ hai của bác Linh xin để bài khác sẽ viết thêm sau. Mời các bác thảo luận thêm về chuyện dự đoán lạm phát.

10 comments:

  1. Mr Quốc Anh: Tôi không thấy bất kì chỉ số nào cho thấy tổng cầu thấp hơn tổng cung cả. Từ vài năm trở lại đây, mới chỉ có CPI của tháng 3/2009 giảm nhẹ, còn lại đều tăng. Điều này cho thấy mức độ tiêu dùng các sản phẩm trong CPI kô hề suy giảm.

    Theo tôi kích cầu vào xây dựng là cách nhanh nhất gây áp lực lên lạm phát vì mất nhiều thời gian nó mới tăng cung cho nền kinh tế, nhưng ngay lập tức làm tăng cầu.
    Lương thực thực phẩm chiếm tỉ trọng khá cao trong CPI Việt nam, và trong bữa cơm của người nghèo nó biến động khá nhều theo mức lương của người lao động. Có tiền thì mới ăn thịt, không có tiền thì cơm không.

    Theo tôi, tiền kích cầu giờ vẫn chưa chảy được nhiều sang xây dựng, nó còn đang chu du qua một số bước trung gian. Vài tháng nữa, chúng ta sẽ thấy áp lực lạm phát tăng thế nào !

    ReplyDelete
  2. Trả lời bác A Liberal After Max (ALAM): có đấy ạ, ví dụ như sự sụt giảm xuất khẩu, tính cả tổng thể lẫn tính theo từng ngành. Cái này xuất phát từ phía cung. Từ đó, doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải điều chính đầu vào, bao gồm thiết bị, nguyên liệu, và nhất là nhân lực.

    CPI vẫn tăng nhưng mức độ thấp hơn trước nhiều. Vì bản thân kinh tế Việt Nam vẫn có tăng trưởng nội địa, và do có nhiều friction giữa các thị trường nội địa nên vẫn có lạm phát. Bình thường vẫn vậy.

    Kích cầu vào xây dựng bây giờ không phải để tăng cung, mà là để tăng cầu (đầu tư, lao động), để thu hút lại lượng lao động bị dôi dư từ các lĩnh vực bị ảnh hưởng suy thoái. Như tôi nói ở trên, nếu có output gap (khả năng cung > cầu) thì kích cầu chỉ chỉnh sửa lại sự chậm chạp trước mắt của thị trường, mà không gây sức ép lạm phát.

    Hiện giờ đã thấy lãi suất bắt đầu tăng lên rồi, theo ý bác LHGiang thì đấy là vấn đề thanh khoản của các ngân hàng thương mại. Nếu đúng vậy thì sắp tới chính sách tiền tệ của Việt Nam còn rơi vào tình thế khó khăn nữa (giảm không xong, tăng lại càng hỏng).

    ReplyDelete
  3. Tôi vẫn còn vài băn khoăn thế này bác Quốc Anh ạ :

    Theo tôi hiểu thì luận điểm quan trọng nhất của bác Quốc Anh là : output gap của VN là rất lớn nên có tăng thêm cầu cũng không làm cho tổng cầu > tổng cung được, do vậy ít có nguy cơ lạm phát . Phải vậy không ạ ?

    Luận điểm này có cơ sở nào kô ? Công suất dư thừa của các xưởng may và xưởng chế biến tôm cá xuất khẩu so với lượng tiền bơm ra kích cầu như thế nào ?

    Quả thực, tôi kô có nhiều niềm tin vào sự "hoán chuyển ngành" như bác nói . Người dân không dễ thay đổi thói quen ăn uống để tiêu thụ các sản phẩm dư thừa của ngành xuất khẩu. Công nhân trong các nhà máy may mặc, tôm cá xuất khẩu (đa phần là nữ) có thể nhanh chóng chuyển sang các ngành xây dựng .

    ReplyDelete
  4. Bác ALAM, tính một cách rất thô thì xuất khẩu bình thường tăng khoảng 20% một năm, năm nay không tăng, thậm chí giảm (không tính xuất khẩu vàng). Xuất khẩu hơn 50% GDP, như thế có một khoảng cách về cầu khoảng 10% GDP. Cứ cho như việc giá cả tự điều chỉnh (đi xuống) để cân bằng lại thị trường được khoảng một nửa chỗ đó, thì vẫn còn lại 5% GDP của thị trường mất cân đối trong ngắn hạn. Ngắn hạn thôi, nhưng 5% GDP là rất, rất lớn, và cũng có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của tất cả những người liên quan.

    Không phải chỉ có một vài xưởng may có công suất dư thừa đâu ạ, đến xem các khu công nghiệp chế xuất hiện nay thì thấy tình hình ảm đạm thế nào. Trong số công nhân chịu ảnh hưởng thì nam giới chịu nặng hơn nữ giới (có điều tra rồi), và quan trọng là chuyện họ có tìm việc làm mới hay không, chứ không phải là chuyện họ tiêu thụ sản phẩm dư thừa của xuất khẩu. Tổng sản phẩm các ngành xuất khẩu chắc chắn sẽ giảm, vì cầu trong nước cho mỗi ngành này không thể thay thế được; nhưng vấn đề là tạo công ăn việc làm để giữ tổng cầu nói chung trên toàn nền kinh tế. Hơn nữa, nếu coi đơn vị kinh tế ở Việt Nam là một hộ gia đình, thì việc nam hay nữ tìm được việc làm hay không ở thời điểm nước sôi lửa bỏng là không quá quan trọng (có thể quan trọng lúc khác).

    Việc hoán chuyển ngành ở Việt Nam rất linh hoạt. Về việc làm, công nhân bị nhà máy nước ngoài sa thải đi làm xe ôm, đi làm thợ hồ (có thể họ đã làm thợ hồ từ trước khi kiếm được một công việc tốt ở nhà máy nước ngoài), đi ghi số đề, bán bia ôm, vv. Người nghèo thì rất dễ thay đổi công việc, nhất là công việc không cần trình độ, miễn là họ kiếm được miếng cơm. Nếu như không đủ công việc trong khu vực chính quy, thì họ dễ chuyển sang khu vực ít chính quy hơn, như ghi số đề, bán bia ôm, đâm thuê chém mướn, vv. À, cũng phải nói là lĩnh vực xây dựng, nhất là xây đường xá cầu cống, có rất nhiều phụ nữ tham gia đấy ạ.

    ReplyDelete
  5. Bác ĐQA. Tôi vừa xem thông tin về tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm . Ước lượng của bác về sự sụt giảm tầm 5% GDP là khá chính xác . Đây thực sự là một con số rất lớn .

    Tuy nhiên, quay về chủ đề chính của "tản mạn đàm" là kích cầu có ảnh hưởng đến lạm phát hay không ?

    5 tỉ USD sụt giảm của xuất khẩu 6 tháng đầu năm không có nghĩa là tổng cầu các sản phẩm trong rổ CPI sụt giảm 5 tỉ USD . Trong 5 tỉ USD này có phần nhiều ở nguyên vật liệu, các chi phí trung gian, phần của người lao động nhận được để họ tiêu dùng theo tôi kô quá 10% (đây là nhận định chủ quan, bác ĐQA có thể kiểm chứng lại được không ?)

    Trong khi đó, chúng ta đã làm gì? Đợt 1 của kích cầu chúng ta đã bơm 140k tỉ ~ 8 tỉ USD để làm tăng tính thanh khỏan cho ngân hàng và doanh nghiệp .Không phải tất cả 140k tỉ tiền này làm tăng cầu của hàng hóa trong rổ CPI nhưng nó lớn hơn rất nhiều số thiếu hụt. Tiền này đang ở đâu ? Theo tôi, tiền này đang làm tăng tiền mặt của các ngân hàng và doanh nghiệp. Điều này trước tiên làm các thị trường tài sản như chứng khóan nóng trở lài vì thị trường này có tính thanh khoản rất cao. Còn các thị trường hàng hóa trong rổ CPI sẽ phải mất thêm thời gian để các doanh nghiệp chuyển từ tiền mặt sang đầu tư hàng hóa và trả lưong công nhân. Do vậy, tôi cho rằng vài tháng nữa, chúng ta sẽ thấy lạm phát rõ ràng hơn.

    ReplyDelete
  6. Về chuyện giá điều chỉnh nhanh hay chậm thì mọi người có thể xem cuốn sách kinh điển là cuốn: Monetary theory & policy của Walsh, trong đấy nói đến thực tế quan sát thấy short-tun non neutrality và long-run neutrality. Bởi vậy, người ta chỉ dùng sticky price để giải thích ở short-run. Tuy nhiên, để giải thích non-netrality ở short run thì có thể dùng 1 số mô hình khác kiểu như thông tin không hoàn hảo.

    Về suy thoái kéo dài thì có thể do ảnh hưởng của chu trình kinh doanh nữa.

    Chuyện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trên lý thuyết như thế nào thì cũng có ở trong sách đấy. Nhưng lâu rồi nên tôi quên mất rồi, hì hì. :)

    Nkd

    ReplyDelete
  7. Bác ALAM, đã là sụt cầu thì suy cho cùng cũng sẽ rơi vào một thành phần nào đó trong xã hội, kể cả là nó có đi qua cách ngành trung gian, hay là nguyên vật liệu. Nó chỉ không ảnh hưởng nhiều lên cầu nội địa nói chung nếu như phần lớn giá trị của xuất khẩu lại xuất phát trực tiếp từ nhập khẩu, mà trong thời gian này thì nhập khẩu cũng sụt rất mạnh. Tuy vậy, nếu nhìn cơ cấu các ngành xuất nhập khẩu nhiều, thì không có sự trùng nhau nào đáng kể. Việt Nam xuất nhiều mặt hàng nguyên nhiên liệu sơ chế, và nhập khẩu các mặt hàng tinh chế, máy móc, hàng tiêu dùng. Việc cả xuất khẩu và nhập khẩu sụt xuống nhiều cho thấy là hoạt động kinh tế đi xuống, và ảnh hưởng đến cầu ở trong cả hai khu vực lớn này (khó mà nghĩ đến một lời giải thích từ phía cung).

    Vì thế, 5%GDP sụt giảm trong xuất khẩu có thể là nhiều hơn mức output gap, song nhìn vào sụt giảm nhập khẩu thì cũng có thể mức output gap còn nhiều hơn nữa.

    Bây giờ nói đến kích thước gói kích cầu ở Việt Nam. Tôi đồng ý là kích thước được tuyên bố của gói kích cầu quá lớn, việc này thì hầu hết các nhà nghiên cứu về Việt Nam gần đây đều nói. Song tôi không biết rõ gói kích cầu thực sự có kích thước bao nhiêu. Vì đề án kích cầu rất mơ hồ, và việc tìm nguồn chi cho kích cầu cũng không phải đơn giản, nên tôi nghĩ rằng con số 8 tỷ mang tính tượng trưng chính trị nhiều hơn là có trọng lượng thực sự. Ví dụ đơn giản, nếu chính phủ tính cả những dự án vẫn nằm trong kế hoạch soạn thảo trước khủng hoảng vào trong gói kích cầu, thì cũng đủ để đưa ra một con số rất lớn, cho dù nó không tạo ra khác biệt gì nhiều. Mà chi tiêu ngân sách của Việt Nam vào các dự án công nghiệp, cơ sở hạ tầng từ trước đến giờ vẫn tương đối lớn. Muốn thực sự xem gói kích cầu có kích cỡ thế nào, thì phải nhìn vào mức tăng thâm hụt ngân sách trong bản cân đối ngân sách cuối năm của chính phủ.

    Vì thế, tôi nghĩ vẫn không có cơ sở để lo lắng về một mức lạm phát quá cao trong năm 2009. Có thể đến năm 2010 sẽ phải lo lắng, trong trường hợp kinh tế thế giới phục hồi, kéo vực xuất khẩu của Việt Nam. Còn bây giờ thì cứ tạm như vậy đã.

    ReplyDelete
  8. hì , okie. Tôi cũng bảo lưu quan điểm của mình. Ta làm vụ cá cược này đi . Tôi cho rằng CPI năm 2009 sẽ hơn 10% và hơn gấp đôi tăng trưởng GDP.
    Nếu bác ở Hà nội , ta làm một chầu lòng lợn & húng láng ?
    (* dù nghi ngờ nhưng buộc phải lấy số liệu của tổng cục thống kê làm cơ sở :D )

    ReplyDelete
  9. Bác ALAM, tôi không cược lòng lợn húng láng đâu, nhưng nếu lạm phát tính bằng CPI của cả năm 2009 cao hơn 10% thì tôi sẽ viết một bài nhắc lại là bác tiên đoán đúng (lúc đó bác nhắc tôi nhé).

    ReplyDelete
  10. Hì hì, thế thì thôi bác ạ . Hẹn gặp bác trong lần tranh luận khác. :D

    ReplyDelete