Tuesday, May 26, 2009

Có cần xấu hổ ?

Nhân sự kiện cựu thủ tướng Hàn Quốc Roh Moo-hyun tự sát, tôi có đọc một số bài viết trên blog của anh Linh anh Huy Đức về tính "biết xấu hổ". Hai bài viết này làm tôi nghĩ đến sự khác nhau giữa hai phương hướng cải tổ nền pháp trị và chất lượng thể chế của một quốc gia. Hai bài viết nói về vấn đề tham nhũng và hình phạt dựa trên góc độ Đạo đức; tương đồng với nó, là phương hướng cải tổ pháp trị bằng cách tôn cao nền đạo đức. Phương hướng thứ hai là cải tổ nền pháp trị bằng cách tăng cường động lực đối với con người cho các cơ chế pháp luật; các biện pháp này thường không động chạm vào nền tảng đạo đức.

Thường thường, người ta đề cao cả hai phương hướng trong việc xây dựng một nền chính trị sạch và hiệu quả. Việc đề cao cả hai như vậy cần bao gồm một giả thiết ngầm rằng hai phương hướng này bổ sung cho nhau, chứ không đối nghịch với nhau. Trong trường hợp "biết xấu hổ", tôi thấy có cả một chút đối nghịch giữa hai phương hướng này.

Cụ thể, có thể hiểu sự "xấu hổ" là một cá tính, mà mức độ của nó trong từng cá nhân có thể rất khác nhau. Cá tính này có thể có tương quan thuận (positive correlation) đến các cá tính khác cần thiết cho nền pháp trị, như sự trong sạch, liêm khiết, tính dám chịu trách nhiệm, vv. Chúng ta muốn những nhà chính trị có những cá tính cần thiết này: có lẽ là chúng quan trọng hơn bản thân tính biết xấu hổ.

Khi xã hội tôn cao nền đạo đức của tính biết xấu hổ, tôi đoán sẽ có một phần nhỏ chuyển từ "không biết xấu hổ" thành "biết xấu hổ", nhưng phần tác động lớn hơn nhiều là những người vốn đã biết xấu hổ sẽ cảm thấy tủi nhục hơn nữa về những việc "đáng xấu hổ". Những người biết xấu hổ trong các thể chế có dính líu đến những việc đáng xấu hổ sẽ phải dằn vặt thêm vì cảm thấy xấu hổ, có thể là vì chính những hành động sai trái rất nhỏ mà mình đã làm trong quá khứ (các bác có đọc truyện Tiên Trẩn trong Đông Chu Liệt Quốc?), có thể là vì hành động sai trái của người thân (Roh Moo-hyun), cũng có thể là vì những gì thường xuyên xảy ra xung quanh họ (ví dụ về những người từ quan về quê vô số kể). Cuối cùng, tác động chung đối với nền pháp trị là phần lớn những người biết xấu hổ (cũng là những người có nhiều năng lực hơn và trong sạch hơn) sẽ dần dần bị đẩy ra khỏi hàng ngũ chính trị, thay vào đó là những người ít nhậy cảm hơn với những việc "đáng xấu hổ". Vì thế, cho dù mặt bằng đạo đức, đo bởi độ nhậy cảm với những việc đáng xấu hổ, có thể được tôn cao lên, thì kết cục là chất lượng nền pháp trị lại đi xuống.

Không phải đi đâu xa, tôi nghĩ quá trình tiến hóa của thể chế chính quyền ở Việt Nam trong những năm 1990 có hơi hướng thể hiện xu hướng như vậy. Đạo đức của sự biết xấu hổ đã góp phần thay đổi cơ cấu lãnh đạo ở Việt Nam trong thời kỳ này. Ví dụ có rất nhiều, tương đối nhậy cảm nên không nêu ra được.

Ngược lại với việc tôn cao mặt bằng đạo đức, nếu như giảm tầm quan trọng của đạo đức xấu hổ, giảm sự suy xét hậu quả của việc làm thiếu trách nhiệm, thay vào đó là tôn vinh kết quả công việc có kết quả tốt và hiệu quả cao, thì liệu có thể đảo ngược xu hướng thay đổi cơ cấu như vậy không? Tôi không có câu trả lời chính xác: không phải quá trình nào cũng có thể đảo ngược đơn giản bằng cách đảo ngược nguyên nhân. Muốn trả lời chính xác, phương pháp khoa học nhất là thí nghiệm ngẫu nhiên. Trên thực tế, chúng ta không thể nào có sự ngẫu nhiên, cũng không thể có thí nghiệm.

3 comments:

  1. Ý kiến này của QA khá thú vị nhưng cũng chưa thực sự chính xác. QA cho rằng việc tôn cao đạo đức của sự biết xấu hổ sẽ đẩy những người biết xấu hổ ra khỏi bộ máy (như kiểu tiền xấu đẩy tiền tốt khỏi lưu thông?). Nhưng tôi lại nghĩ ngược lại, việc tôn cao đạo đức của sự biết xấu hổ sẽ khiến những người biết xấu hổ sẵn sàng tham gia bộ máy hơn. Liêm sỉ trở thành một phẩm chất cần thiết để tham gia tầng lớp lãnh đạo. Đây cũng là một đặc điểm của nền cai trị Khổng giáo, đề cao liêm sỉ của kẻ làm quan.

    Nhưng tất nhiên không thể chỉ dựa vào việc biết liêm sỉ hay đạo đức của kẻ làm quan mà vẫn phải đề cao pháp trị. Như trong vụ việc ở HQ, nều tư pháp không độc lập, nếu công tố viên không thẩm vấn các cựu Tổng thống, nếu giới truyền thông không theo dõi gắt gao, đưa tin dồn dập thì cựu Tổng thống HQ sẽ không cảm thấy "xấu hổ" tới mức phải tự sát.

    Sự suy đồi của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay không phải vì đạo đức của sự biết xấu hổ được đề cao hơn trước. Đơn giản nó là quy luật người nói dối trơ trẽn hơn cả sẽ là người trụ lại. Tức là cuộc thi tuyển các Nhạc Bất Quần, anh nào Nhạc Bất Quần nhất thì sẽ trở thành minh chủ võ lâm. Chứ còn các Lệnh Hồ Xung thì chỉ có ở nhà gẩy đàn cho vợ thôi. Hoặc sang nước ngoài làm phó giáo sư (jk)

    Đặt trên góc độ cost-benefit, nếu anh biết xấu hổ nhiều hơn, anh sẽ không tham gia quan trường ở VN. Tại sao? Không phải vì việc người ta đề cao đạo đức này khiến cái mất của anh nhiều hơn mà vì người ta coi nhẹ đạo đức này khiến cái được của anh ít hơn.

    Vậy tại sao dù xã hội VN lại có xu hướng đề cao sự biết xấu hổ của quan chức hơn trước trong khi các quan chức ngày càng ít biết xấu hổ hơn? Đó cũng là vì quy luật hàng hóa. Về phía cầu, sự biết xấu hổ được đánh giá cao hơn do phía cung (các quan chức) càng ngày càng ít người biết xấu hổ. Cái gì hiếm thì đắt giá. Nhưng về phía cung thì yếu tố quyết định lượng cung lại là sự không biết xấu hổ. Tức là càng không biết xấu hổ thì anh lại càng dễ trở thành quan chức. Và do bên bán ở thế độc quyền nên bán ra cái gì là người mua phải chịu.

    Nhưng nghĩ lại cũng chưa chắc xã hội VN đánh giá cao sự biết xấu hổ hơn. Có lẽ còn ngược lại. Tiêu chuẩn đạo đức vô sỉ sẽ từ giới cầm quyền sẽ lan ra toàn xã hội.

    ReplyDelete
  2. Chị nghĩ biết xấu hổ hay không biết xấu hổ trước khi tham gia chính trị chả nghĩa lý gì. Bởi vì "quyền lực làm tha hóa", "quyền lực càng lớn, tha hóa càng lớn". Có vô số trường hợp từ một người thanh liêm chính trực ngồi vào ghế quyền chức mà trở nên tham nhũng.

    Trường hợp của ông Roh không phải bản thân ông ấy tham nhũng mà là người nhà ông ấy. Vậy thì đề cao cái gì cũng đâu có quan trọng.

    Có mỗi cách duy nhất là chẻ nhỏ quyền lực ra hơn nữa, nhiều người phụ trách nhiều mảng. Luân phiên thay đổi nhân sự ở các vị trí ở các vị trí quyền lực tương đối lớn.

    Chị vẫn không hiểu tại sao chỉ có 1 ông tổng thống mà không phải dăm bảy người đảm nhận mỗi người 1 lĩnh vực của tổng thống. Tốt nhất là chia hết các việc của tổng thống về các bộ. Mỗi bộ cử 1 người đại diện ra đảm nhiệm.

    N.K.D (aka Evil)

    ReplyDelete
  3. Ông Roh là Tổng thống chứ đâu phải thủ tướng Hàn Quốc.

    ReplyDelete