Sáng nay tôi có cơ hội dự buổi tọa đàm của Paul Krugman ở Hà Nội. Buổi tọa đàm tương đối ngắn, vì Krugman phải ra sân bay lúc 9:30, và nói chung không có thông tin gì đáng kể. Nội dung chính vẫn là những gì Krugman thường ủng hộ trên blog của mình, và rất ít chuyên sâu về tình hình Việt Nam (vì ông cũng không có thông tin gì mấy về Việt Nam). Tôi nghĩ là từ cuộc nói chuyện này, giới làm chính sách và giới báo chí sẽ trích dẫn được nhiều điều hợp ý mình (mặc dù không đúng ý Krugman), và sẽ thể hiện những luận điểm mạnh mẽ hơn trước nhờ có được sự ủng hộ của một nhà kinh tế có giải Nobel.
Tôi có ghi lại chi tiết tọa đàm trên khoảng 4 trang MS Word. Sau đây là một số điểm tôi chú ý từ cuộc tọa đàm:
- Krugman nhấn mạnh tiềm năng của kinh tế Trung Quốc trong khuôn khổ kinh tế Đông Á, và cho rằng bất cứ việc gì củng cố liên hệ kinh tế với Trung Quốc đều là điều tốt. Người dịch, người nghe, người trích dẫn chắc sẽ liên tưởng ngay đến dự án bauxite ở Tây Nguyên. Tôi cho là Krugman nghĩ đến các chính sách bảo hộ của Mỹ với hàng Trung Quốc.
- Tuy vậy, Krugman cũng nhắc đi nhắc lại rằng Trung Quốc vẫn còn xa mới đuổi kịp Mỹ hay Nhật, và đồng Nhân Dân Tệ cũng còn xa mới vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc. Ông sẽ không ngạc nhiên nếu 15 năm nữa đồng Euro ngang tầm với đồng USD, nhưng sẽ rất ngạc nhiên nếu đồng NDT vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc trong vòng 20 năm nữa.
- Krugman chú trọng đến vấn đề giáo dục và nhắc đi nhắc lại nhiều lần, một điều mà tôi ít ngờ đến. Có lẽ đây là cách giải thích chính của ông về sự khác biệt giửa Đông Á và Mỹ Latin (suy đoán của tôi).
- Đối với vấn đề phần lớn kinh tế Việt Nam thuộc về nông nghiệp và nông thôn, Krugman nghĩ rằng về lâu dài với nhu cầu tăng và cung bị giới hạn thì nông nghiệp sẽ có vị trí tốt (VD: sản xuất 1kcal thịt cần 7kcal lương thực, vì vậy nhu cầu lương thực lâu dài sẽ tăng). Trong ngắn hạn, khi mà kinh tế hồi phục thì giá nông sản cũng sẽ hồi phục. Tôi không đồng ý nhiều với cả hai ý này.
Ngoài ra, hầu hết những gì Krugman nói có thể tìm hiểu được trên blog của ông (dù là nhiều vấn đề cũng phải tìm hiểu rất mất công). Ví dụ như dự đoán về khủng hoảng chạm đáy (chưa chạm đáy, chỉ rơi chậm lại thôi), hồi phục (rất vất vả, từ từ, không biết bao giờ mới phục hồi hết), y tế (bảo hiểm toàn dân, nhà nước đứng ra), gói kích cầu (ở Mỹ và hầu hết các nước kích cầu không đủ - điều này báo chí và giới chính sách sẽ trích ra để ủng hộ gói kích cầu cao hơn nữa của Việt Nam), khủng hoảng tương lai (không sửa điều tiết thì sẽ khủng hoảng sớm trong vòng 10 năm nữa), vv. và vv. Tôi không có cơ hội đặt câu hỏi, vì hạn chế thời gian, vị trí khuất và tính rụt rè. Cũng hơi tiếc, thành ra những câu hỏi của mình lại phải tự nghĩ thêm vậy.
Tạm thời tóm gọn như vậy, mấy hôm tới có nhớ thêm vấn đề gì sẽ chép thêm.
Friday, May 22, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Về vấn đề giáo dục: đúng là hơi lạ vì tôi ít thấy Krugman nhắc tới vấn đề giáo dục từ trước tới nay.
ReplyDeleteCái ví dụ mà QA nói xem ra cũng chưa rõ ràng lắm: sản xuất 1kcal thịt cần 7kcal lương thực, vì vậy nhu cầu lương thực lâu dài sẽ tăng. Tôi không hiểu ý Krugman ở đây là gì nhưng vấn đề ở đây là việc người ta bỏ trồng lương thực để chăn nuôi nhằm đáp ứng sự chuyển dịch của cách thức ăn uống (tăng thịt, giảm ngũ cốc) và đó là một phần nguyên nhân của khủng hoảng lương thực gần đây.
Nếu xu hướng này tiếp tục thì giá lương thực sẽ có xu hướng tăng trong dài hạn nhưng điều đó không có nghĩa là cầu lương thực tăng mà chỉ đơn giản là cung lương thực bị hạn chế.
Trong ngắn hạn, tôi nghĩ cầu lương thực khá ổn định và không phụ thuộc nhiều vào khủng hoảng do độ co giãn của cầu lương thực với giá thấp. Lý do giá lương thực hiện nay giảm là vì giá năng lượng giảm cộng với các chính sách bảo hộ của các nước (như Trung Quốc mới hạn chế nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam). Vì thế nếu khủng hoảng hồi phục thì giá lương thực sẽ có xu hướng tăng nhưng chắc rằng không thể nào tăng như trong năm 2008 được. Cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2008 trầm trọng còn do chính sách lợi mình, hại người của nhiều quốc gia khi hạn chế xuất khẩu.
Xin cảm ơn Thầy đã post bài này. Trân trọng: một học sinh học từ bài viết
ReplyDeleteThầy có thể post phần notes Word lên không ạ? EM xin cảm ơn
ReplyDeletePaul Krugman nổi tiếng là một học giả ủng hộ chính sách kích cầu của Keynes. Tôi không ngạc nhiên khi thấy báo chí Việt Nam đồng thanh lên tiếng dẫn lại lời của PK để chứng minh rằng gói kích cầu của chính phủ là đúng đắn và cần đẩy mạnh thêm.
ReplyDeletePhải nhận xét rằng Nobel Kinh tế 2008 đã được sử dụng dùng tấm bình phong rất khéo léo về mặt học thuật (có lẽ PK cũng muốn điều đó) để chính phủ biện minh với người dân bình thường về những gói kích cầu "khổng lồ".