Tôi bàn tiếp về vấn đề tỷ giá VND - USD. Trong bình luận của bài trước, anh Lê Hồng Giang và Vũ Hoàng Linh có nêu ý kiến về việc hạ giá bất ngờ hay thay đổi biên độ và phương thức kìm giá. Về việc hạ giá như thế nào, tôi đồng ý là hạ giá bất ngờ dễ dẫn đến việc mất lòng tin vào chính sách của NHNN. Tuy vậy, hạ giá dần dần thì sẽ dẫn đến sức ép đầu cơ, dẫn đến sụt giá ngay lập tức. Ngoài việc đầu cơ USD, còn có việc đầu cơ hàng hóa nhập khẩu (nhập khẩu sớm, đợi giá cao mới bán) và xuất khẩu (chào bán sớm lấy USD trước, nợ tiền nhà sản xuất cho đến khi VND hạ xuống). Nếu muốn hạ giá dần dần, thì phải đi kèm với việc kiểm soát ngoại tệ rất gắt gao, bắt buộc công ty xuất nhập khẩu không được giữ ngoại tệ, bắt buộc ngân hàng hạn chế đổi ngoại tệ nhiều nhất có thể. Trong tình cảnh ấy, rất dễ ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu. Không biết ở Việt Nam có thị trường sản phẩm forward/future hay các sản phẩm tài chính phái sinh khác không, nếu có thì cũng phải thắt rất chặt mới đảm bảo ổn định tài chính khi mà NHNN tuyên bố hạ giá dần dần.
Bây giờ nói đến việc giãn biên độ tỷ giá: ở thời điểm này, thị trường VN đủ chín để hiểu rằng đây thực chất là việc hạ giá. Giãn biên độ bao nhiêu phần, thì sẽ được cả thị trường tài chính hiểu rằng tỷ giá hạ xuống bấy nhiêu. Tôi nghĩ đây sẽ là cách làm mà NHNN chọn, vì chí ít nó giữ thể diện cho các tuyên bố cố định tỷ giá trước đây, và kết quả thì sẽ không có gì khác với việc tuyên bố hạ giá thẳng thừng. Còn vấn đề cho phép central rate chuyển dịch được thì ảnh hưởng sẽ khác hẳn. Tôi nghĩ thị trường đủ chín để hiểu rằng đây là việc thả nổi từ từ VND, và sẽ dẫn đến kết quả y hệt như những gì tôi phân tích ở trên về việc tuyên bố hạ giá dần dần.
Thêm một điểm về rủi ro lạm phát và vấn đề NHNN lưỡng lự không muốn hạ/phá giá. NHNN phải suy tính giữa hai rủi ro, một là không hạ giá, và tình hình tiếp tục tồi tệ, dẫn đến GDP suy giảm, so với hai là hạ giá, nhưng tình hình sản xuất lại trở nên tốt hơn, dẫn đến sức ép lạm phát. Tôi dự tính khả năng lạm phát do hạ giá VND hiện giờ là thấp, nhất là trong bối cảnh nhập khẩu đang tiếp tục giảm thì passthrough từ tỷ giá đến mức giá nội địa sẽ tương đối thấp. Tuy vậy, còn có một vấn đề khác có thể đang được NHNN quan tâm: đó là khả năng hạ giá của chính USD. Nếu USD giảm giá trong thời gian tới, thì NHNN sẽ đạt được mục đích của mình mà không tốn một mũi tên hòn đạn nào cả: VND được gắn vào USD nên cũng sẽ hạ giá cùng, nhất là so với các đồng tiền của các đối tác xuất/nhập khẩu như Nhật hay EU. Khả năng USD hạ giá hoàn toàn có thể xảy ra trong nhiều kịch bản khác nhau (VD: Trung Quốc giảm dự trữ, hay là NH TƯ châu Âu bắt đầu tính chuyện tăng lãi suất vì tình hình khả quan lên - Trichet nổi tiếng conservative). Do đó, NHNN còn có lý do để đợi tình hình thế giới.
Càng viết càng thấy tản mạn, thôi để lúc khác xem lại xem có sai sót gì không vậy.
Update: Quên mất, còn câu hỏi hạ giá bao nhiêu thì đủ, để viết sau vậy.
Thursday, May 21, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Hiện nay Việt Nam xuất khẩu $100 thì trong đó có khoảng $75 phải nhập khẩu. Như vậy VN chỉ tạo ra giá trị gia tăng $25 trên $100 xuất khẩu. Khi VN hạ giá VND thì giá hàng hóa xuất khẩu chỉ giảm trong $25 giá trị gia tăng. Ví dụ nếu VND hạ giá 10% thì nếu VN xuất khẩu 100$ thì chỉ hạ giá được $25 x 10% = $2.5 hay giá hàng xuất khẩu chỉ hạ 2.5% khi VND giảm giá 10%.
ReplyDeleteTrong khi đó nếu hạ giá VND thì sẽ gây lạm phát vì VN phải nhập khẩu cho tiêu dùng rất nhiều.
Anh Quốc Anh có thể phân tích thêm về cái được và mất khi hạ giá VND được không?