Monday, July 13, 2009

Về tình yêu nước - phần II

Tôi viết tiếp về tình yêu nước ở đây, một phần để hồi đáp lại các mẩu bình luận trong bài trước, một phần để tự mình suy nghĩ và tìm hiểu thêm theo hướng này.

Nói đến lý tính của tình yêu nước, thì khung cảnh và hệ lụy sẽ khác với những cách giải thích dựa vào cảm tính. Có thể cảm tính chính là nội dung chủ đạo của tình yêu nước (giống như nhiều tình yêu khác), và tôi hoàn toàn tán thành với quan điểm có rất nhiều khái niệm, ý niệm cần phải có sự trải nghiệm, thậm chí cần có giác ngộ thì mới hiểu được, chứ con đường giải thích bằng ngôn ngữ sẽ chỉ đi được đến giới hạn của ngôn ngữ mà thôi (mà ngôn ngữ của tôi lại là một thứ ngôn ngữ nhập nhằng mông lung nữa). Tuy vậy, có những điểm khác chỉ thuộc về phạm vi của cách giải thích lý tính.

Thứ nhất, lý tính của tình yêu nước có thể trả lời câu hỏi yêu nước có phải là điều bắt buộc về mặt đạo đức không. Vì cảm tính dĩ nhiên thuộc về phạm vi cá nhân (chính vì thế mới có những trải nghiệm cảm tính không thể truyền thụ hết bằng ngôn ngữ được - mỗi người sẽ luôn có cảm nhận riêng), nên cảm tính cũng chỉ có thể đưa ra khuôn khổ đạo đức cho từng cá nhân mà thôi. Một quy tắc đạo đức cho số đông tất yếu phải dựa vào phương tiện cộng hưởng và hợp tác của số đông, tức là ngôn ngữ. Mà để có thể diễn đạt, truyền thụ và quan trọng hơn là tranh luận và thuyết phục về quy tắc đạo đức được, thì quy tắc cần nằm trong phạm vi lý tính. Bài "Quê hương" hay nhiều tác phẩm nghệ thuật khác rất hay, song nó không đủ cho một khuôn khổ đạo đức.

Như vậy, có khuôn khổ đạo đức của tình yêu nước không? Câu trả lời cho đến giờ của tôi là "Không", hoặc là "Rất mờ nhạt". Mờ nhạt, theo nghĩa là xã hội có thể trông đợi một người X quốc tịch nước A làm một chút gì đó cho nước A, mà nói đến nước A ở đây nghĩa là nói đến dân cư của nước A, qua đó là lịch sử, văn hóa nước A; tuy vậy, sự trông đợi này hoàn toàn mang tính bị động. Trông đợi khác với không trông đợi, ở chỗ là trông đợi thì có thể dẫn đến thỏa mãn (khi X xây trường học cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn ở nhiều nước, trong đó có A), và cũng có thể dẫn đến thất vọng (khi X xây trường học cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn ở nhiều nước, trong đó không có A vì chi phí cho tham nhũng nhiều quá). Nhưng nó chỉ có thể dừng lại ở mức thất vọng, như là một cảm giác của cá nhân : xã hội không thể dựa vào sự trông đợi "mờ nhạt" này mà lên tiếng chỉ trích hành động của X, coi là không yêu nước (có thể X không bận tâm vì sự quy chụp này), và chỉ trích như thế là thiếu đạo đức (chắc X sẽ phiền lòng).

Có một số ngoại lệ cho suy luận đơn giản này; mà có lẽ nên gọi là trường hợp đặc biệt chứ không phải ngoại lệ. Thứ nhất, tôi nghĩ đến đạo đức chiến tranh, trong đó gắn liền với cái chết. Trong chiến tranh, nhất là những cuộc chiến tranh toàn diện có một phần rất lớn thành phần dân chúng tham gia (chưa đả động đến lý do tại sao lại có chiến tranh như thế), ít có chỗ cho sự trung tính. Mỗi cá nhân có thể theo một bên, nhưng khó có thể tách biệt hoàn toàn ra ngoài cuộc chiến. Vì thế, có thể có những cách diễn giải về việc "không yêu nước" sang thành "đi ngược lại lợi ích đất nước". Đây là luận điểm cơ bản của hầu hết những sự quy chụp của chính quyền Bush ở Mỹ thời gian 2001-2008 đối với những quan điểm phản chiến. Tuy vậy, phải nói là nước Mỹ không tham gia vào một cuộc chiến toàn diện, nên trong trường hợp này quy chụp như thế lệch lạc về mặt đạo đức. Nhưng quan điểm này có thể dùng để hiểu những cuộc Thế chiến I - II, chiến tranh Triều Tiên, các cuộc chiến tranh của Israel, chiến tranh can thiệp của Mỹ ở Việt Nam, vân vân. (Có lẽ đi hơi quá xa vào trường hợp này rồi, quay lại thôi.)

Trường hợp thứ hai tôi nghĩ đến gắn liền với khái niệm "nợ nước nhà", mà ta tạm coi rằng quan hệ "nợ" có nguồn gốc nguyên thủy hơn, và có sức mạnh đạo đức tự có trước quan niệm về tình yêu nước. Đứng từ góc nhìn xã hội cấu thành từ các cá nhân, chứ không phải cá nhân xuất thân từ xã hội, thì tương đối khó bảo vệ quan điểm có "nợ" với một khái niệm "quốc gia", mà bản thân nó tương đối trừu tượng và bao gồm những yếu tố liên tục thay đổi, như dân cư, văn hóa, nếu không nói đến chính quyền, lịch sử, thậm chí là lãnh thổ. Món "nợ" ở đây không có cơ sở tự do tự quyết, vì nếu nó tồn tại, thì đó là sự tồn tại dựa vào một quan niệm xã hội áp đặt lên cá nhân từ khi cá nhân tham gia vào xã hội, mà không cho cá nhân một sự lựa chọn nào. Một ví dụ là món nợ của người Gia Tô giáo (catholics) với Nhà thờ La Mã, trong đó người được sinh ra đã được đưa vào quan hệ nợ - trả với một hệ thống tôn giáo, giáo điều, mà không được có lựa chọn nào cả. Nếu vẫn chấp nhận khái niệm "nợ" mà không cần cơ sở tự do tự quyết, thì cá nhân tự dứt mình khỏi quan hệ "nợ" này nghiễm nhiên có sự ủng hộ của quan điểm tự do tự quyết, và khó có thể kết luận rằng việc này đi ngược hẳn lại quy tắc đạo đức về quan hệ "nợ" được.

Để có được cơ sở cho quan điểm "nợ nước", có lẽ phải đứng từ góc nhìn mỗi cá nhân xuất thân từ sản phẩm của xã hội, không có nhiều quyền tự quyết tự có, và món nợ với xã hội hay đất nước là tất yếu, chắc chắn phải trả. Như thế, nếu cá nhân vẫn quyết định dứt mình khỏi quan hệ "nợ" này, thì xã hội (mà ai đứng ra?, quy định như thế nào?) có quyền coi cá nhân đã vi phạm đạo đức, và có thể trừng phạt. Song, vấn đề lại là nền tảng đạo đức như vậy dường như thuộc hoàn toàn về xã hội "toàn diện" này, và quy tắc đạo đức như thế không mang tính đại diện cho con người, mà chỉ đại diện cho xã hội đó. Câu hỏi sẽ là, có thể chấp nhận một cách khách quan một quy tắc đạo đức như vậy không? Ví dụ ở phạm vi nhỏ là một số gia đình ở Arab Xê Út có xu hướng gả con gái rất rất sớm, và hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của người cha. Nền tảng đạo đức như thế có thể trụ vững trong môi trường nhất định, thậm chí là trụ một thời gian dài, nhưng tôi không thấy thuyết phục về tính khách quan hay tính "hoàn vũ" của một quy tắc như thế.

Xét đến các trường hợp, thì cũng cần so sánh với quy tắc đạo đức của những "tình yêu" khác. Chẳng hạn, tình yêu trong gia đình. Tôi nghĩ là nền tảng đạo đức của gia đình mạnh hơn nhiều, một phần vì ở đây tất cả những người tham gia vào đều rõ ràng, và ít thay đổi. Nhờ đó, những hành động của mỗi cá nhân trong từng quan hệ (bố mẹ/con cái/các quan hệ khác) cũng rõ ràng hơn, cụ thể hơn. Trong phạm vi này, có thể chấp nhận sự chung sống của "tình yêu" và "nợ" dễ hơn so với trong trường hợp "tình yêu nước". Chủ đề này có lẽ nếu muốn bàn thì cần rất nhiều thời gian nữa.

Đặc điểm thứ hai của việc phân tích lý tính của "tình yêu nước" là sự quy tội và xét xử công bằng tội "phản quốc". Trong một chừng mực nào đó (tức là không kể ngoại lệ), nếu coi "không yêu nước" không có vấn đề đạo đức nào, lại càng không có vấn đề pháp lý, thì không thể bị kết tội. Nhưng tội "phản quốc" vẫn có thể có, và vẫn có thể bị kết tội, tùy theo mức độ nặng nhẹ.

Tạm thời tôi dừng bài này ở đây đã, có thời gian sẽ viết thêm.

5 comments:

  1. Bài QA viết dài quá, mà nếu muốn comment thì cũng khó. Tóm lại như tôi hiểu, phân tích lý tính của QA về tình yêu nước gồm hai khái niệm: phạm trù đạo đức và nợ.

    Phạm trù đạo đức của lòng yêu nước có lẽ là một sản phẩm của tính cộng đồng. Do sự hình thành dân tộc như các cộng đồng có chung tiếng nói, văn hóa, phong tục tập quán mà hình thành những chuẩn mực đạo đức của cộng đồng và lòng yêu nước trở thành một trong các chuẩn mực đạo đức đó.

    Một cá nhân có thể tự do quyết định dứt mình khỏi cái ràng buộc đó, nhưng chắc chắn sẽ chịu những búa rìu phê phán của cộng đồng do vi phạm chuẩn mực đạo đức này.

    Phạm trù "nợ" khác nhiều so với nợ của Thiên chúa giáo. Cái nợ của Công giáo là cái nợ liên quan tới sự chuộc tội, tới tội lỗi ban đầu. Tức là khi một người CÔng giáo sinh ra, người đó đã mang tội và đã được chuộc tội, do đó anh ta nợ người đã chuộc tội cho mình. Trong khi khái niệm "nợ nước" trừu tượng hơn, nó là sự mở rộng của những cái nợ cụ thể xung quanh cá nhân trong quá trình cá nhân trưởng thành: nợ gia đình, nợ công đồng xung quanh...

    ReplyDelete
  2. Bạn nên sửa lại là "Tình yêu nước của người Việt Nam". Tôi lớn lên ở VN chỉ 15 năm, sống ở Mỹ từ 1975 đến nay. Tôi nhận xét như thế này, người Việt Nam nói riêng hay người Á Châu nói chung yêu nước rất hạn chế trong cái khung tình cảm. Vì vậy mới gọi là "tình". Và khi đã thuộc về "cảm tính" rồi thì nó giống như "tôn giáo", chỉ có "tin" mà thôi. Và khi đã là một sản phẩm của "tình" và của "đức tin", thì vấn đề thuộc về "giáo chủ" và "tòng quân"
    Cho nên những gì bạn viết hòan tòan dựa trên cơ sở tình cảm của người Việt Nam
    Người Mỹ có một cái gốc văn hóa "logic" của Tây Phương, không có vấn đề "tình yêu nước" trong con người họ. Nhưng lý trí họ bảo cho họ biết là họ phải bảo vệ quốc gia của mình, bảo vệ quyền lợi vật chất và quyền lợi tinh thần của mình là "principle" để ho tuân theo và hành động
    Đừng mang ông Bush vào trong đây, nhảm, và giảm giá trị bài viết

    ReplyDelete
  3. @Bác Linh: Phần về "nợ" chỉ là một trường hợp nhỏ thôi, tôi chủ yếu quan tâm đến phạm trù đạo đức, cụ thể là có cơ sở đạo đức cho những "búa rìu phê phán" như bác nói không. Tôi không phủ nhận là thực tế thì luôn có búa rìu. Chuẩn mực của cộng đồng không nhất thiết phải đi cùng với chuẩn mực đạo đức được chấp nhận rộng rãi.

    @Bạn Khuyết danh: Tôi không đồng ý với nhận định nào của bạn. Tỷ lệ người Mỹ quan tâm đến "yêu nước" (tùy bạn gọi là tình hay gì nữa, đấy chỉ là vấn đề từ ngữ) cao hơn các nước phương Tây khác nhiều, và kèm theo đó là những quan điểm tập thể dựa vào cảm tính là chính. Chú ý là tôi nói đến "tỷ lệ", chứ không phải là nói đến tất cả người Mỹ. Rất dễ tìm tài liệu để đọc thêm về cách suy luận quy chụp trong môi trường chính trị Mỹ, nhất là dưới thời chính quyền George W. Bush. Tôi không thấy đây là chuyện nhảm, và cũng không nghĩ là việc bạn sống ở Mỹ từ 1975 đến nay dẫn đến chuyện bạn đúng lý về những gì bạn viết về Mỹ.

    ReplyDelete
  4. Có mấy điều cần nói trước hết:
    1. Bạn là người viết essay này, tôi là độc giả, chạy vào đây đâm thọc. Hai tư cách khác nhau. Bạn có bổn phận chứng minh điều bạn định viết, và bạn có dàn bài, lập luận, trích dẫn, chứng minh, kết luận. Tôi có quyền ý kiến lè phè mà không cần phải làm việc của bạn đang làm. Hai tư cách khác nhau. Tôi thấy đây chỉ là một bài viết dạng tạp văn của bạn, nên cũng ý kiến ý cò cho vui. Nếu tôi phải viết một bài đàng hoàng để đọ sức với bạn, tôi nghĩ tôi sẽ viết khác bạn
    2. Bạn gọi là "tỷ lệ" hay gì gì đi nữa, căn bản là bạn bàn đến chữ "tình", nên tôi phản bác dựa trên cơ sở là bạn đang nói chuyện "tình" yêu nước (của người Việt nam, có lẽ là vậy), mà rồi bạn phải dùng cái vụ ông Bush vào đây là lãng xẹc, vì trong kinh nghiệm và sự hiểu biết của tôi, người Mỹ có một quan niệm về "tình" rất khác với người Á Châu. Mà tôi nghĩ căn bản là họ đặt nhẹ giá trị "tình cảm" nếu không muốn nói điều gì có liên hệ đến tình cảm, họ xem giá trị của tình trạng này rất thấp. Trong khi đó họ tôn trọng sự hợp lý tuyệt đối. Người Việt Nam làm sao hiểu được hai mẹ con sống trong một nhà, mà người mẹ bắt người con 20 tuổi phải trả tiền nhà hằng tháng, nếu không người mẹ sẽ đuổi người con ra khỏi nhà. Đúng không. Nhưng nếu bạn đã sống ở Mỹ 35 năm như tôi bạn sẽ thấy điều này có thể hiểu được, và tôi thấy điều này cũng OK thôi. Vì tôi hiểu được sự hợp lý của quyết định của người mẹ. Và tôi không trách người mẹ này không có tình. Trong khi bạn thử đưa trường hợp này về VN kể ra và hỏi họ xem, tôi bảo đảm 100% người VN sẽ tố cáo bà mẹ thiếu "tình thương con". Tôi chỉ liếc qua bài viết của bạn và thấy bạn bàn chữ "tình yêu nước" rồi xách chuyện Mỹ vào là tôi đã thấy không "ăn rơ". Có thể tôi đọc chưa kỹ bài của bạn
    4. Đồng ý là chuyện ở Mỹ 35 năm không có gì bảo đảm là phát biểu hợp lý. Tôi cũng không nói tôi đã nói điều gì đó hợp lý, tôi chỉ đưa ra nhận xét. A comment . Bạn là người dẫn đến kết luận một người ở Mỹ từ 1975 thì có thể/không có thể hợp lý trong một nhận xét.

    ReplyDelete
  5. Bạn Khuyết danh, tôi nghĩ là tranh luận thêm sẽ không có kết quả gì. Dưới đây tôi sẽ giải thích thêm quan điểm của tôi khi viết về chính quyền Bush.

    Một khi đi vào ví dụ cụ thể của từng nước, nếu so sánh với quan niệm "yêu nước" ở Việt Nam, có thể là khái niệm này ở Mỹ mang tính lý tính nhiều hơn cảm tính. Song đặt nó trong tổng thể các nước phương Tây (các nền dân chủ tự do ở Tây Âu, Bắc Mỹ, châu Úc), thì người dân Mỹ thuộc loại cảm tính bậc nhất về quan niệm "yêu nước". Ví dụ điển hình là PATRIOT Act, đưa ra một cách nhanh chóng, được các nghị sĩ thông qua mà thậm chí không đọc, trong đó các quyền tự do cơ bản bị vi phạm nghiêm trọng, để theo cái gọi là "chủ nghĩa yêu nước" (tôi tránh không dùng chữ "tình" nữa :) ). Có thể xem thêm ở đây chẳng hạn: http://www.aclu.org/safefree/resources/17343res20031114.html. Sau đó, có hàng loạt những lời bình luận, hầu hết từ phe Cộng Hòa, thuộc loại lập luận dựa vào một khái niệm chung chung là "yêu nước" để dập tắt, chụp mũ mọi phản biện về tự do, quyền con người của chính người Mỹ. Dĩ nhiên, phe Cộng Hòa có những lập luận để lý tính hóa cách chụp mũ của mình, song đối với tôi thì những lập luận này mang tính chính trị chứ không có cơ sở suy luận hay triết lý gì mấy. Một đỉnh điểm khác là negative campaign chống ứng cử viên Dân chủ John Kerry trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2004, với những dữ liệu giả, những lời đồn thổi vô căn cứ, rốt cục để nhằm vào "tình yêu nước" của người Mỹ để đánh gục Kerry. Vâng, tôi dùng chữ "tình" ở đây, vì quả thực chẳng có gì lý tính trong chuyện dựa vào lời kể vô căn cứ của một nhóm tự bịa đặt là từng đi Swift Boats cùng Kerry, lại nhận tiền của Tổ chức bầu cử Cộng hòa, để cho rằng Kerry không yêu nước. Hay là rất nhiều lời nhận xét của các lãnh đạo phe Cộng hòa (Tom DeLay là ví dụ điển hình).

    Trong tất cả những ví dụ trên, tôi không so sánh với những gì có thể xảy ra ở Việt Nam. Tôi so với khái niệm "yêu nước" được hiểu dựa trên cơ sở triết lý phương Tây; và nhận xét rằng phe Cộng Hòa đã lợi dụng rất nhiều điểm nhấn quan trọng là tình yêu nước của người Mỹ, nhất là trong thời chính quyền Bush.

    ReplyDelete