Monday, October 18, 2010

Bao giờ cho đến tháng Mười

Mấy ngày hôm nay tôi hay bật tuyển tập các bài hát hay về Hà Nội, theo yêu cầu của mẹ tôi. Có những bài hát gắn liền với kỷ niệm về tiếp quản Thủ đô năm 1954 của mẹ tôi, nhân dịp Hà Nội tổ chức Đại lễ vào đúng ngày 10 tháng 10 nên kỷ niệm cũ cũng dội về. Nghe kể lại, những sự kiện như vậy đánh dấu những cột mốc đặc biệt quan trọng, và để lại những ấn tượng đặc biệt sâu sắc trong cuộc đời mỗi người.

Câu chuyện này làm tôi nghĩ đến nhiều ý nhỏ. Thứ nhất, lại là vấn đề Đại lễ. Người sống lâu năm ở khu vực Hà Nội cũ phần đông cảm thấy bất tiện vì Đại lễ, cảm giác tiêu cực đủ loại từ mức khó chịu đôi chút cho đến bực dọc suốt thời gian diễn ra các sự kiện trong dịp này (điều này chỉ dựa trên quan sát cá nhân của tôi). Cũng dễ hiểu, vì Đại lễ làm xáo trộn, cản trở rất nhiều cuộc sống của người dân, trong khi phần nhiều dân cư khu vực này không thấy việc bỏ tiền ra tổ chức là việc làm thích đáng. Nói rộng hơn, thì đây là dịp sử dụng tiền công quỹ do toàn dân đóng góp (thuế) hoặc toàn dân sở hữu (tài sản nhà nước) để tổ chức một sự kiện cục bộ (cho dù là Thủ đô, vẫn khá cục bộ), ở mức độ cực lớn, nên không ngạc nhiên gì khi rất rất nhiều người đặt rất rất nhiều câu hỏi, và đưa ra đánh giá bi quan về chính sách đặc biệt này. Chuyện này đầy rẫy trên mạng, chắc không cần bàn thêm.

Nhưng chuyện tôi muốn bàn là dịp Đại lễ đã được cho một số lượng lớn người dân ủng hộ. Phần nhiều họ không sống ở trung tâm, thậm chí cũng không sống ở nội thành, nhưng sẵn sàng bỏ ra khá nhiều tiền bạc, và đặc biệt là rất nhiều công sức để đến theo dõi Đại lễ. Họ ít lên tiếng trong những môi trường như blog, nên các bạn và tôi chắc ít có dịp đọc được ý kiến của họ. Tuy vậy, rõ ràng là họ hứng thú sự kiện đến mức có thể bỏ ra nhiều ngày, nhiều tiền (so với thu nhập) để cùng cả gia đình tham gia. Có thể đối với họ, sự kiện ngày 10 tháng 10 năm 2010 cũng để lại những ấn tượng đặc biệt sâu sắc như ấn tượng ngày 10 tháng 10 năm 1954 của mẹ tôi. Có thể họ thậm chí sẵn sàng đánh đổi một chuyến đi du lịch Bali, Brunei hay Bangkok (giả tưởng họ được đề nghị như vậy, với cùng một số tiền bỏ ra) để được tự tham gia sự kiện Đại lễ. Có thể họ sẽ còn kể nhiều về Đại lễ với lòng tự hào và sự hào hứng cho con cháu họ hàng chục năm sau này, điều khó xảy ra với một chuyến đi du lịch bình thường. Vì thế, khi đánh giá phúc lợi của chính sách này, phúc lợi của nhóm người hoan hỉ vì Đại lễ cần phải được cân nhắc, và nó có thể đóng vai trò khá quan trọng.

Ý nhỏ thứ hai, có liên quan đến câu hỏi trước, là giá trị phúc lợi của những hiện tượng, sự kiện xã hội lớn gây ấn tượng sâu sắc đến đông người. Ví dụ như sự kiện Trung Quốc phóng thành công tầu vũ trụ, đối với mỗi người dân, có thể mang nhiều ý nghĩa hình tượng. Bản thân mỗi người dân có thể tự nguyện bỏ ra một số tiền để có được sự kiện như vậy; có thể giá trị trung bình chỉ là $10, thì tổng cộng một sự kiện như thế cũng đem lại ý nghĩa hình tượng đến $10 tỷ. Ví thế, khi tính ích lợi của những chính sách như vậy, cần bao hàm cả những giá trị hình tượng. Quay lại sự kiện Đại lễ của Hà Nội, cách thức và văn hóa tổ chức có thể gây phản cảm với nhiều người có gu văn hóa tinh tế. Tuy vậy, trên phương diện chính sách công thì sự kiện cần phải thỏa mãn gu văn hóa đại chúng, chứ không nhất thiết là gu văn hóa tinh tế (dù đây là điểm gây tranh cãi). Theo mỗi cách nhìn, việc đánh giá sự thành công của sự kiện về mặt văn hóa sẽ rất khác nhau.

Cũng về giá trị hình tượng của các sự kiện, có thể nói trong thế kỷ 20 dân tộc Việt Nam đã có khá nhiều sự kiện ấn tượng sâu sắc, tạo nên những giá trị hình tượng rất lớn với cuộc đời của rất nhiều người dân. Tuy vậy, có những sự kiện mang lại giá trị hình tượng tốt đẹp với một số người, song lại có giá trị hình tượng xấu với những người khác. Do đó, không nhất thiết là lịch sử là một nhà sản xuất giá trị hình tượng lớn cho toàn bộ người Việt. Dù sao, đến cuối thể kỷ 20, đối với phần nhiều người Việt có chia sẻ một lòng tự hào nhất định về lịch sử hiện đại (tách biệt khỏi các vấn đề kinh tế), thì có lẽ giá trị hình tượng của lịch sử cũng tương đối đáng kể.

Còn một vài ý nhỏ khác, nhưng tôi buồn ngủ quá nên đành để sau vậy.

4 comments:

  1. QA nói "những giá trị hình tượng" hàm ý gì khi QA biết rõ số tiền đã "vứt" vào việc xây cái "hình tượng" này? Thử đem chia cho số người "có thể tự nguyện bỏ ra một số tiền để có được sự kiện như vậy" thì đáp số khoảng bao nhiêu? Tôi cũng muốn hỏi thêm QA 1 câu thuộc về chuyên môn nghiên cứu của bạn khi bạn tự tin cho rằng: "Nhưng chuyện tôi muốn bàn là dịp Đại lễ đã được cho một số lượng lớn người dân ủng hộ". Tôi thấy khó tin lắm dù tôi vẫn muốn thừa nhận như QA. Điều tôi băn khoăn là sự "ủng hộ", "hứng thú" hay "hoan hỉ" có thật không và những chuyên gia như bạn đánh giá phúc lợi của sự hoan hỉ này thế nào? Bị lừa và hoan hỉ có được xem là "phúc lợi của chính sách hay không"? Ví dụ dân Đức những năm 1930s ngồi nghe Hitler bốc phét dưới mưa và "hoan hỉ" vô cùng thì phúc lợi của nhóm hoan hỉ ấy được "cân nhắc" thế nào?

    Thêm 1 ý nữa: Nếu QA nói phúc lợi của sự hoan hỉ thì tôi cũng tin vào cái không phúc lợi của sự thất vọng của nhân dân Miền Trung. Vì trong những ngày ấy đã có 1 đợt lũ lớn. Vậy HN "hoan hỉ" bao nhiêu thì tôi e Bắc Trung Bộ hẳn phải "tủi thân" ít ra là tương ứng về giá trị tuyệt đối (giả sử lượng hóa được đi) vì mấy ngày trời dầm mưa mà chẳng thấy ma nào đến hỏi thăm. Khi ấy đèn hoa thì rợp trời HN, không "tủi thân" mới là lạ chứ.

    QA có đủ tư chất và tư duy sâu sắc nên mong rằng QA nên lật đi lật lại vấn đề và mạnh dạn đưa ra chủ kiến của mình. Anyway thanks for the post.

    ReplyDelete
  2. Ông Krugger với ông Kahnneman đang xúc tiến cho cái Happiness Index đấy. Các ông bên ngành tâm lý rất phấn chấn đòi thay GNP bằng cái HNP (Happiness National Product) bởi vì có nhiều việc để làm mà. Có lẽ sau này kinh tế phúc lợi sẽ phải chú trọng nhiều hơn về tổng cộng hạnh phúc trong cộng đồng.

    Họ đo mức độ Hạnh phúc bằng cách đo ngược, nghĩa là đo khoảng thời gian không dễ chịu. Tuy nhiên chị nghĩ cần phải tính đến cường độ của sự không dễ chịu nữa.

    Sự kiện gì thì cũng có thể bất lợi đối với 1 số người. Nhưng có lẽ phải đặt ra 1 ngưỡng maximum về mức độ không dễ chịu và khoảng thời gian không dễ chịu. Nếu tổng cộng mức đó của số lượng người phải chịu đựng vượt quá ngưỡng thì sự kiện đó được coi là xấu đối với cộng đồng.

    ReplyDelete
  3. Có thể đối với họ, sự kiện ngày 10 tháng 10 năm 2010 cũng để lại những ấn tượng đặc biệt sâu sắc như ấn tượng ngày 10 tháng 10 năm 1954 của mẹ tôi.

    Đành rằng mỗi người có ấn tượng khác nhau đối với cùng một sự kiện; nhưng dường như việc so sánh ngày 10/10 năm xưa với kỷ niệm 1000 năm có gì đó ko ổn. E ko được tham dự cả 2 sự kiện này; nên chỉ ngồi ngoài mà võ đoán là: ông bà cha mẹ chúng ta chào đón ngày 10/10 năm xưa với niềm tin rằng cuộc sống từ nay sẽ được cải thiện, độc lập tự do, ấm no hạnh phúc; không còn chiến tranh. Vì thế mà sự kiện đó tạo nên cảm xúc đặc biệt. Còn mọi người tham gia lễ kỷ niệm 1000 năm, có lẽ không có được niềm tin đó. Chẳng hạn mẹ em thi` cũng thích đợt Đại lễ nhu*ng chi vì đường phố quang đáng ít xe cộ nên đi lại thoải mái, yên tam hơn :))

    "Có thể họ thậm chí sẵn sàng đánh đổi một chuyến đi du lịch Bali, Brunei hay Bangkok (giả tưởng họ được đề nghị như vậy, với cùng một số tiền bỏ ra) để được tự tham gia sự kiện Đại lễ. Có thể họ sẽ còn kể nhiều về Đại lễ với lòng tự hào và sự hào hứng cho con cháu họ hàng chục năm sau này, điều khó xảy ra với một chuyến đi du lịch bình thường."

    ->Hơi ngạc nhiên là anh lại viết thế này mà ko dẫn chứng = nghiên cứu hoặc nguồn nào đó. Cá nhân em ko hiểu họ tại sao họ lại tự hào về Đại lễ (có lẽ nếu được tham dự em sẽ hiểu được chăng? )

    Xét cho cùng thì em ủng hộ việc tổ chức kỷ niệm, vấn đề chỉ là tổ chức thế nào và chi bao nhiêu tiền thôi.

    ReplyDelete
  4. Chị rất thích bài viết này của QA. Merci em.

    ReplyDelete