Monday, July 6, 2009

Về tình yêu nước

Từ lâu tôi đã muốn viết một chút về tình yêu nước, song thường là không đủ tập trung và ngần ngại sẽ bị cộng đồng bạn đọc Việt Nam phê phán gắt gao. Hôm nay nhân đọc được bài này trên blog của Lê Minh Phiếu, nên tôi viết thêm một chút.

Từ hơn mười năm nay, tôi vẫn không tự đưa ra cho mình một câu trả lời tại sao người Việt thường tự nhủ phải yêu nước, và tự nhận rất yêu nước. Có những câu trả lời dễ dãi, như việc coi đó là lẽ tự nhiên của mỗi công dân, không cần phải bàn đến, hay thậm chí là lời dậy của cha mẹ, tổ tiên, Bác Hồ (Điều 1 lời dậy của Bác cho nhi đồng: Yêu tổ quốc, yêu đồng bào.) Những câu trả lời này thường chỉ chuyển câu hỏi sang một lĩnh vực khác, ví dụ như là trách nhiệm của công dân, của con cái đối với cha mẹ, của con cháu đối với tổ tiên, của nhi đồng đối với Bác Hồ. Thường là đi về những lĩnh vực này còn khó tìm câu trả lời hơn nữa, nên tôi cũng không nhắc tới ở đây.

Có một điểm ít được nhắc tới trong ngữ cảnh Việt Nam, là khi nói đến Yêu Nước thì cần nói đến Nước là gì (dĩ nhiên là khác gia đình, dòng họ, bạn bè, quyền sở hữu), rồi cần nói đến Yêu Nước là gì (dĩ nhiên khác với yêu gia đình, yêu vợ chồng, yêu bạn bè, yêu quyền sở hữu). Tôi nhớ giáo dục tuổi trẻ và cả các thảo luận nghiêm túc hơn ở Việt Nam thường nhắc đến những cảm giác đi kèm với Nước (Quê hương là chùm khế ngọt), chứ không đi vào phân tích lý tính. Có thể đó là cách hợp lý nhất, nhưng tôi cứ thử làm cả cách ít hợp lý hơn xem sao.

Một nước, trong phạm vi quan hệ quốc tế, thường được hội tụ bởi ba yếu tố: một dân tộc, một lãnh thổ, và một chính phủ. Trong phạm vi rộng hơn về quan điểm gắn bó của con người (vì ta nói đến tình yêu), tôi nghĩ là có thêm yếu tố lịch sử (bao gồm lịch sử văn minh) và yếu tố văn hóa (bao gồm nền văn minh, tôn giáo). Không rõ tôi còn thiếu gì nữa?

Xét theo từng yếu tố, thì đều có thể thấy tình yêu nước khó có thể có vị trí tột cùng không điều kiện trong các thang bậc gắn bó của cá nhân. Bắt đầu bằng chính phủ, một chính phủ thực sự tốt khi đại diện được cho lợi ích của đại bộ phận dân chúng, và sẵn sàng bảo vệ lợi ích tối thiểu của bất kỳ một nhóm thiểu số nào. Nhưng ngay cả khi có một chính phủ tối ưu như vậy, thì sự gắn bó của cá nhân đối với chính phủ chỉ ở mức người được bảo vệ đối với người bảo vệ, hơn chút nữa là ở mức người trong nhóm bảo vệ với nhóm bảo vệ (chưa nói đến vấn đề chia sẻ các giá trị văn hóa). Dĩ nhiên cá nhân có thể rất quý người bảo vệ, song tình yêu này khó so sánh được với tình yêu dành cho gia đình.

Tiếp theo là lãnh thổ. Càng ngày, tôi càng ít hiểu được sự gắn bó sâu nặng của cá nhân với quan niệm lãnh thổ chỉ vì lãnh thổ - ở đây không phải là sở hữu của cá nhân, có chăng là sở hữu của một số cá nhân khác trong cùng cộng đồng, trong cùng một nước. Lãnh thổ có thể chia sẻ cùng cá nhân một lịch sử, một nền văn hóa. Trong tất cả các trường hợp này, thì sự gắn bó vào lãnh tổ chỉ phụ thuộc qua sự gắn bó vào dân chúng, vào lịch sử, vào văn hóa mà thôi, chứ không phải là sự gắn bó trực tiếp với lãnh thổ. Về yếu tố lãnh thổ, tôi nghĩ tới các tranh chấp về biển Đông, và trước đây là thác Bản Giốc. Những tranh chấp này nếu được tuyên bố bắt nguồn từ tình yêu nước, thì tôi nghĩ là nó bắt nguồn cơ bản từ những gì lãnh thổ và lãnh hải nằm trong tranh chấp có thể đem lại cho dân cư, cho văn hóa, cho văn minh của một nước. Lịch sử đã chứng kiến nhiều quốc gia tham gia chạy theo lời vua chúa chinh chiến trên những mảnh đất vô ích để cuối cùng tiến tới diệt vong - lịch sử Trung Quốc nhiều vô kể ví dụ.

Có lẽ yếu tố dân chúng là yếu tố dễ tạo nên sự gắn bó với từng cá nhân nhất. Có nhiều cách lý giải bằng sự phát triển sinh học và tâm lý tại sao con người thường gắn bó với những nhóm người, những cộng đồng có chia sẻ nhiều điểm chung. Có thể coi sự gắn bó này là sự mở rộng của sự gắn bó gia đình, họ hàng, là sự thể hiện rộng của "gene ích kỷ" (Richard Dawkins). Tôi chấp nhận sự gắn bó này là một tình cảm cơ bản, không lý giải thêm. Tuy vậy, nó cũng làm ta dễ suy nghĩ đến những "lát cắt" khác khi nghĩ về con người, vì con người không chỉ khác nhau về quốc tịch. Nếu nhìn vào từng cá nhân trong một nước, những người vẫn va chạm và tranh chấp hàng ngày, thì người ta có nghĩ đến sự gắn bó trừu tượng đối với toàn bộ dân chúng của một nước hay không? Hai môi trường này khác nhau, và dễ tạo ra những cảm giác trái ngược: một dân tộc có thể bị chia cắt tan nát trong nội bộ, song lại dễ dàng thống nhất thành một khối chống ngoại xâm, giống như người Nhật trong nhiều thời kỳ.

Song song với sự gắn bó với dân chúng, mỗi cá nhân cũng có sự gắn bó với lịch sử, với văn hóa. Song tôi nghĩ là thiếu yếu tố dân chúng thì hai yếu tố này chỉ dừng ở mức cá nhân, và chỉ có thể dẫn đến sự mai một. Điều này xuất hiện trong những cá nhân sống đơn lẻ tách biệt khỏi cộng đồng cùng văn hóa, lịch sử (như là các cá nhân sống ở ngoài nước, ngoài cộng đồng) - có thể một phần họ chọn như vậy, một phần khác, là chính sự lựa chọn này xóa đi sự gắn bó của họ. Như vậy không có nghĩa là không có cộng đồng lưu vong nào thành công trong việc lưu giữ "tình yêu nước" khi không có một nước thực sự. Ví dụ mạnh mẽ nhất là cộng đồng Do Thái trong gần 2 ngàn năm trước sự thành lập của nhà nước Israel năm 1947. Cộng đồng Do Thái có lẽ là ví dụ đáng kinh ngạc nhất của tình yêu nước dựa chủ yếu vào sự gắn bó về văn hóa, về nền văn minh cổ điển cách hàng thế kỷ, về tôn giáo đơn thần đầu tiên, về một thứ chữ viết cổ mà cộng đồng tự khôi phục lại thành tiếng nói sống. Trong suốt hai ngàn năm, người Do Thái luôn lưu giữ tình yêu nước như một bộ luật chỉ nam cho mỗi thành viên trong cộng đồng; bộ luật này vừa mang tính bắt buộc đối với những người tham gia, vừa mang lại lợi ích đáng kể cho họ. Nhưng ngoài cộng đồng đặc biệt này, hầu hết những cộng đồng không gắn vào một bộ phận dân chúng lớn sẽ dần dần bỏ đi cái "tình yêu nước" họ có thể có lúc đầu.

Một nhận xét nữa về sự gắn bó với đại bộ phận dân chúng của một nước, là ngay cả tình cảm này khó có thể được đặt lên trên tuyệt đối so với nhiều tình cảm gần gũi con người với con người khác. Có thể là trong những tình huống, thời điểm lịch sử nhất định, người ta nhìn thấy hành vi con người đi đúng theo chiều hướng khẳng định tình yêu nước, song những hành vi này cũng có thể hiểu là sự cộng hưởng của rất nhiều tình cảm gắn bó đối với những cá nhân khác gần gũi mình. Ví dụ, cá nhân A có thể tự hy sinh, và được tôn vinh như một anh hùng của cả nước, song có thể hiểu là cá nhân A hành động như vậy vì cá nhân B, C, D có quan hệ gắn bó với mình. B, C, D không nhất thiết là thành viên cùng gia đình, mà có thể là những cá nhân trong cùng một tổ chức yêu nước, trong đó họ truyền cho nhau cùng một lòng yêu nước, và thực sự lòng yêu nước của họ được trau dồi qua chính "tổ chức xã hội nhỏ" của họ, nhờ đó sự gắn bó cá nhân được nhân lên cao. Vì thế, những hành vi mang tính hy sinh vì cộng đồng trong những tình huống nhất định không thể phủ định quan điểm chung rằng sự gắn bó với toàn bộ dân chúng của một nước là một sự gắn bó tương đối lỏng lẻo, so với sự gắn bó cá nhân với cá nhân. (Tôi tin vào những ví dụ các chiến sĩ yêu nước quả cảm hy sinh mình để cứu đồng đội, hơn là những ví dụ anh hùng xả thân vì nước như Lê Văn Tám.)

Nhìn trên các yếu tố này, tôi nghĩ là thành phần căn bản đối với tình yêu nước của người Việt Nam, nếu không phải là một tôn giáo (hay giáo điều) có ấn tượng và ảnh hưởng sâu sắc đến mức vượt quá cả nhận thức của cá nhân (rằng đấy là một giáo điều), thì phải có liên hệ rất sâu đậm đến sự gắn bó của mỗi cá nhân người Việt với khái niệm toàn bộ cộng đồng dân chúng Việt Nam. Nếu một cá nhân tự cảm thấy sự gắn bó sâu nặng này, thì tình yêu nước là tự có, tự thân, và tự nguyện. Nếu cá nhân không có sự gắn bó sâu nặng như vậy, thì tình yêu nước trở thành một sự ngộ nhận gây dựng bởi chính nền văn hóa, mang tính giáo điều (chỉ có "dậy", không có "học"), và như vậy cũng không thể học được, không thể trải nghiệm, không thể trau dồi và không thể vực dậy được.

Tôi vẫn chưa trả lời được câu hỏi của mình, vì không hiểu là trong số người Việt Nam, mức độ gắn bó với dân chúng Việt Nam nói chung như thế nào?


Bài này viết chưa đâu vào đâu, để lúc khác sẽ viết thêm phần 2.

17 comments:

  1. Tình yêu nước ư?đơn giản thôi ,đó là yêu từ những thử nhỏ nhặt nhất như yêu gia đình ,yêu những người thân, yêu bạn bè ,yêu những nụ cười của những đứa trẻ con hàng xóm,yêu những góc phố ,những con đường,yêu những mái trường ta đã từng học,....còn nhiều nhiều lắm những thứ làm nên tình yêu đó.Tình yêu tưởng là một cái gì đó thật to lớn,vĩ đại nhưng thực ra nó rất nhỏ bé,thật giản dị vì nó ở trong anh ,trong tôi và trong tất cả chúng ta.

    ReplyDelete
  2. Hiểu ý bạn QA. Đây là 1 vấn đề mà mình vẫn thường tự hỏi khi đứng trước những cái fuss về biển đảo - những vùng đất mà tất cả những người từng lên tiếng chưa bao giờ và có lẽ không bao giờ đặt chân tới.

    Một suy nghĩ là tình yêu nước trong mối tương quan với Trung Quốc, tớ nghĩ có lẽ còn có phần vì tinh thần bài Tàu qua nhiều thế hệ của cộng đồng, và gần đây, có lẽ nó còn là một trong những cách phản ứng với chính phủ.

    ReplyDelete
  3. những điều bạn anonymous nào đấy comment sáo mòn lắm rồi, nó ko giải thích được vấn đề thật rõ ràng căn nguyên mà chỉ nêu ra những nhận định về cảm xúc 1 cách rời rạc.
    cũng bàn về vấn đề này nhưng bạn hãy xem gustave lebon và các triết gia, tâm lý học viết thế nào...

    những điều bạn ano nói mình ko fủ nhận nhưng có điều là hầu như mọi người, đặc biệt là học sinh-sinh viên đều lập luận cùng 1 giọng điệu như vậy.
    lý do: những điều đó nằm trong: "bài " tinh thần yêu nước của nhân dân ta"của Hồ Chí Minh trích trong Báo Cáo Chính trị của Chủ Tịch Hồ Chí Minh tại Đại Hội lần thứ II, tháng 2 năm 1951 của Đảng Lao Động Việt Nam (tên gọi từ năm 1951 đến năm 1975 của Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay ).tên bài do người soạn sách đặt.
    bài 20,trang 24,25 Ngữ Văn 7kì II."(yahoo answer)

    chính vì nằm trong sgk và dc lấy làm chuẩn chấm tập làm văn nên những luận điểmtrong báo cáo ấy ăn sâu vào đầu chúng ta, trở thành những điều mà mỗi khi dc hỏi về lòng yêu nước, chúng ta thốt ra chúng mà ko chút đắn đo.

    ReplyDelete
  4. @toiday20: Về chuyện biển đảo, lãnh thổ, mình nghĩ ở đây có nhiều yếu tố về "lẽ công bằng". Những người chưa bao giờ đặt chân tới và chắc sẽ không bao giờ đặt chân tới lên tiếng chủ yếu vì cái lẽ công bằng này, chứ không phải vì họ gắn bó một cách thực tế với nó.

    "Yêu nước" là một giá trị tốt nếu nó đi kèm với lẽ công bằng và sự khoan dung đối với các cộng đồng khác. Nếu bị đẩy đến mức cực đoan thì lại trở thành giá trị xấu. Ở VN, tình yêu nước có vẻ như hay bị lạm dụng.

    ReplyDelete
  5. Nói về "lẽ công bằng" thì tớ nghĩ nếu có thì cũng là phần nhỏ thôi, và nó cũng gắn liền với cái "gắn bó với dân chúng/cộng đồng" QA nhắc tới ở trên. Ví dụ khi nhìn vào các hình ảnh binh sĩ Việt bị lính Tàu tàn sát ở Hoàng Sa chẳng hạn, thì sự gắn bó của người xem với cộng đồng Việt - cộng đồng mà trên nhiều mặt họ identify với - sẽ làm khơi dâỵ sự thù hận hoặc bất bình. Trong khi một hình ảnh tương tự của những người không liên quan đến cộng đồng mình sẽ không gợi được những cảm xúc tương tự.

    Một trong những điểm làm nên mối dây gắn bó sâu sắc với cộng đồng có lẽ là sự tự hào về cộng đồng mình (tự hào về văn hoá, lịch sử chẳng hạn). Niềm tự hào sẽ làm vững chắc thêm sự gắn bó trong các cộng đồng tha hương. Ngoài dân tộc Do Thái, nhìn vào các cộng đồng người Hoa ở nước ngoài có thể thấy mối gắn kết cộng đồng/tự hào dân tộc của họ cao hơn hẳn so với người Việt chẳng hạn.

    Cộng đồng Việt lưu vong struggle to adapt hơn người Hoa, và cũng phai nhạt "tình yêu nước" nhanh hơn người Hoa. Có lẽ một phần vì khi va chạm với các nền văn hoá phát triển hơn, họ dễ nảy sinh mặc cảm thua kém và cố gắng để trở thành một phần của cộng đồng mới, đồng thời làm phai mờ những mối dây gắn kết với cộng đồng cũ.

    ReplyDelete
  6. Cũng như nhiều bài viết khác, bài này QA viết rất hay. Hy vọng sẽ sớm có dịp gặp lại QA để cùng nói chuyện về những chuyện này. Còn nói chuyện qua mạng thì tớ chưa đủ "tài đức" để dám bi bô :D.

    ReplyDelete
  7. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  8. Nhưng thật ra tình yêu nước có quá quan trọng không ạ? Vì nếu ko đề cập đến người Trung Quốc hay Thái Lan,... thì các nước phương Tây, châu Phi, Mỹ Latin,... em nghĩ là người ta cũng ko đề cập nhiều quá đến tinh thần yêu nước.

    Cái mà người Việt Nam thường tự nghĩ là mình yêu nước nhưng again, người VN dường như có khuynh hướng dùng cảm nhận nhiều. Tình yêu thì một phần cũng là cảm nhận nhưng phân tích như anh để yêu nước trên rationality theo em mới là đúng. :)

    ReplyDelete
  9. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  10. "...
    Với những thằng con trai mười tám tuổi
    Đất nước là nhịp tim có thể khác thường
    Là một làn mây mỏng đến buâng khuâng
    Là mùi mồ hôi thật thà của lính
    Đôi khi là một giọng nữ cao nghe từ Hà Nội
    Hay một bữa cơm rau rừng

    Chúng tôi không muốn chết vì hư danh
    Không thể chết vì tiền bạc
    Chúng tôi lạ xa với những tin tưởng điên cuồng
    Những liều thân vô ích

    Đất nước đẹp mênh mang
    Đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt
    Chỉ riêng cho Người
    Chúng tôi dám chết
    ..."
    (trích thơ Thanh Thảo)

    Đó là một cách yêu nước. Tôi theo cách này.

    ReplyDelete
  11. Mấy hôm trước em có viết 1 bài về tình yêu nước, nhân dịp đề thi văn vào lớp 10 tp hcm có 1 câu nghị luận về chủ đề quê hương. Tiếc là em đã xóa đi ko có cơ hội đem ra tranh luận với anh QA.
    Nếu như đã nói về lịch sử, lãnh thổ, ... có lẽ nên bổ sung thêm vài điều, VD về sự khác biệt giữa các thời kì lịch sử. Hiện nay xu hướng các bạn trẻ tản ra làm các khu vực khác nhau trong nền kinh tế khá nhiều nên không có được sự gắn bó nhiều với chính phủ, ngoại trừ những lúc luận bàn trên báo chí hay quán bia :D. Như trong thời kì cổ đại, "chính phủ" thô sơ với các chức sắc như già làng, bồ chính... gắn bó khá thân thiết với nhân dân. Trong thời kì phong kiến chịu sự ảnh hưởng của Nho giáo sâu sắc, tư tưởng vua tôi-cha con, tư tưởng "tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ "đóng góp ko ít cho sự gắn bó của dân tộc và nhà nước (có thể nói ở thời kì này lòng yêu nước cũng đóng vai trò như một tôn giáo như anh nói vậy :-?). Tất nhiên ko phải ko có những trường hợp như anh QA nói là các nhà nước ham đánh nhau mà dẫn đến diệt vong, đó là cái ko thể tránh khỏi với nhiều nhà nước phong kiến nhưng nó cũng mang lại ko ít lợi ích về văn hóa, kinh tế, xã hội.
    1 ý kiến khác em rất đồng ý là ý kiến về tầm quan trọng của gắn kết giữa những người gần gũi nhau. Có thể quan trọng nhất là liên kết giữa thế hệ trước - thế hệ sau, tiếp đó là đến người yêu, bạn bè, đồng chí, v.v... Đó là những cái cụ thể dễ thấy, nếu không bắt đầu từ những cái này thì sao lên được đến mức có những cái trừu tượng. Nhưng nếu cho rằng ý kiến đó quan trọng nhất trong việc giải thích vì sao hình thành lòng yêu nước, từ đó dẫn đến phản ứng với những vụ tranh chấp lãnh thổ thì cảm thấy cứ thế nào ấy ^^
    Tranh luận về chủ đề này em nghĩ sẽ rất dễ thành ra lẫn giữa 2 từ patriotism và nationalism. Cá nhân em thì cho rằng lòng yêu nước của người VN cũng như của nhiều dân tộc khác có nguyên nhân lớn từ nationalism. Cách mạng VN cũng ko thành công được nếu chỉ có "cách mạng vô sản" mà ko có "giải phóng dân tộc" :)) Em mới chỉ nghĩ thế thôi vì em cũng còn đang vất vả phân biệt 2 cái này, mong anh chỉ giáo.

    ReplyDelete
  12. Quốc Anh đặt ra hai câu hỏi chính:

    1. Nước là gì?
    2. Yêu nước là gì? Yêu nước là yêu cái gì?

    Mình nghĩ thoang thoáng thế này nhé:

    1. Khi nói “tình yêu nước”, thực ra là nói “tình yêu nước (mình)”, nếu diễn đạt cho rõ ra nữa thì nó thực ra là “tôi yêu nước tôi hơn yêu nước khác”. Nói như vậy để thấy là cái khái niệm “nước” lẫn “tình yêu nước” là những khái niệm có tính tương tác, tính quan hệ, tính so sánh, tính lịch sử, tính văn hóa, vv...

    2. “Nước là gì?” QA có nói “nước” về cơ bản bao gồm 3 yếu tố “một dân tộc, một lãnh thổ, và một chính phủ”. Điều này đúng. Tuy nhiên, mình thấy khái niệm “nước” còn là một cái tổng lớn hơn của ba thứ trên và suy cho cùng, nó là Ý NIỆM về một nơi chốn sinh sống lý tưởng; bản thân chính phủ và lãnh thổ cũng chỉ là lựa chọn của người dân để hiện thực hóa cái ý niệm về nơi sống lý tưởng. Lấy ví dụ nước Mỹ. Thực ra, khi tham chiếu đến nước Mỹ và tình yêu nước Mỹ, mình thấy người Mỹ không tham chiếu đến cái nước Mỹ cụ thể nằm ở bán cầu Bắc, kinh độ này, vĩ độ kia, hiện đang do ông Obama làm tổng thống... mà họ tham chiếu đến cái ý niệm gốc về một nước Mỹ như một mảnh đất hứa mà những người di cư đầu tiên từ châu Âu đã sáng lập ra vào thế kỷ 15. Tức là “Nước Mỹ” như ý niệm về một nơi người ta được tự do sinh sống, lựa chọn, và có cơ hội phát triển ngang nhau blah blah blah... . Họ yêu nước Mỹ là yêu cái ý niệm đấy, và bảo vệ nước Mỹ là bảo vệ cái ý niệm đấy (và vì thế mới có những thứ như phản chiến, dân chủ, chối bỏ quốc tịch Mỹ, sửa luật, etc...). Điều này cũng nằm sau sự thống nhất và quật cường của người Do Thái trước khi họ lập ra Israel. Cái mà họ tìm trong lúc đi lang thang như một tộc người không tổ quốc là tìm một “miền đất hứa” (the promised land) mà họ tin là Chúa đã hứa cho họ thông qua mặc khải với các nhà tiên tri; và kể cả khi chưa có Israel thì họ vẫn có cái tổ quốc đấy tồn tại như một ý niệm chắc chắn.

    ReplyDelete
  13. 3. Nhìn kỹ khái niệm “nước” theo nghĩa là Ý NIỆM ngầm về một nơi sinh sống lý tưởng như trên, sẽ thấy nó lại bao hàm ngầm một khái niệm quan trọng khác: “lựa chọn”: Tôi chọn đây là đất nước của tôi vì nó là nơi sinh sống lý tưởng của tôi... hoặc cha mẹ tổ tiên tôi đã chọn đây là Tổ quốc của họ... hoặc thậm chí “tôi được chọn sinh ra ở đây” Thừa nhận ẩn ý “lựa chọn” trong chữ “nước”, sẽ thấy cái tình yêu nước dễ hiểu hơn: Mình chọn cái gì hoặc mình nghĩ cái gì được chọn riêng cho mình, thì mình (phải) yêu cái đó; khi mình không chọn nữa hoặc nó không được chọn riêng cho mình nữa, thì mình không yêu nữa.

    4. Nhưng nói đến “lựa chọn” thì phải tính đến hai điều khác: sự tồn tại của các chọn lựa, và khả năng thực hành quyền chọn lựa. Nếu không có hai thứ này, thì người ta vẫn có thể chọn một cách: “chọn cho mình không có lựa chọn nào”, nói cách khác là “lựa chọn con đường không lựa chọn”. I choose not to choose/ I choose the only choice permited to me/I choose to have no choice/I choose to believe that my only choice is in fact the best choice for me. Tuc la naturalize cai lua chon cua minh. “Yêu nước” trong tinh thần tử vì đạo thường có màu sắc này.

    5. Riêng ở VN, cái ý niệm “lựa chọn” chủ động rất mờ bởi vì người VN không có truyền thống thực hành dân chủ lâu đời, chưa giao tiếp đủ nhiều với thế giới để biết sự tồn tại của các lựa chọn khác, và chúng ta cũng không có cái khả năng lựa chọn rời bỏ VN đi sang nước khác, giống như là người Mỹ hoặc châu Âu có thể chọn đi sang sống nước khác dễ dàng hơn nhiều. Cái yếu tố “chọn” ở VN chủ yếu được hiểu mặc nhiên là “tôi được chọn sinh ra ở đây” hoặc “gia đình, tổ tiên tôi đã được chọn sinh ra làm người VN”, thậm chí đơn giản hơn là “tôi là người Việt Nam”. Vì thế, mình thấy “nước” ở VN, mặc dù suy cho cùng nó vẫn là ý niệm về nơi sinh sống lý tưởng nhất được chọn cho nguoi VN, nhưng cái tính “lý tưởng” và “chọn” này mang hàm ý mặc định và thường được định nghĩa thông qua proxy như gia đình, ngôn ngữ, địa điểm. Tương tự, “yêu nước” ở VN, ngoài chuyện gắn kết cụ thể với gia đình, xã hội (là tình cảm mà mình thừa nhận là có thật và mạnh mẽ), thì có vẻ là một hybrid của tính tự công nhận đặc quyền sinh sống trên mảnh đất duy nhất mình có thể lựa chọn và đồng thời là sản phẩm của các diễn ngôn lịch sử (discourse), mà nhất là hai diễn ngôn: đạo đức và lợi ích dân tộc. Tuy thế, bây giờ người VN đã bắt đầu chọn một cách cục bộ kiểu như “tôi chọn sống ở Sài Gòn” vì “Sài Gòn hợp với tôi”; do đó Sài Gòn là “thành phố của tôi” và tôi yêu SG (hơn Hà Nội). Đại để như vậy.

    Đấy là mấy thứ mình nghĩ thêm ngoài những gì QA nói.

    ReplyDelete
  14. Ông là giáo sư đại học, thế độc giả của bài viết này là ai
    Ông nên phân biệt cho độc giả biết "quần chúng" thường yêu nước như thế nào và họ hành động như thế nào. Và các nhà lãnh đạo, các chính trị gia, các tay đầu nậu tôn giáo, đầu nậu thời cơ, đầu nậu giáo dục, đầu nậu văn thi sĩ, yêu nước như thế nào, và họ hành động như thế nào
    Nông Đức Mạnh yêu nước và làm khác với Thu và Hương trên đây
    Nguyễn Tiến Trung yêu nước khác với nhạc sĩ Trần Tiến nhận tiền nhà nước viết bài nhạc "Sao Em Nỡ Lấy Chồng" để phát huy chiến dịch "3 Khoan" của Việt Nam thời bấy giờ
    Dân ngu chưa bao giờ ra khỏi nước "chết vì nước" cho bọn "buôn lòng ái quốc" vinh thân phì gia là chân lý của bọn lãnh tụ biết khích động lòng yêu nước. Nên đọc quyển "The Partriot" của Pearl Buck

    ReplyDelete
  15. Tôi là một người không yêu nước nè, và tôi rất đồng tình với bạn gì ở trên đã đặt vấn đề rằng yêu nước thực sự có quan trọng không. Khái nhiệm "Nước" vốn đã mù mờ, nay đặt trong bối cảnh mới càng dễ khiến người ta ngộ nhận. Hiện nay khi con người vẫn chưa hoàn toàn thích ứng với xã hội hiện đại, khi những tình cảm cơ bản hơn như gia đình, tình yêu đôi lứa, trách nhiệm đối với cộng đồng ... còn chưa rõ ràng thì làm sao có thể xác định tình yêu nước.

    ReplyDelete
  16. Bài này của anh Quốc Anh rất hay. Tuy ý còn mông lung :), nhưng giữ được sự khách quan cần thiết. Đây là điều rất quan trọng vì mọi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa thực dân, nước lớn,... đều bắt nguồn từ những định nghĩa chủ quan về "lòng yêu nước".

    Xin phép anh được share bài này trên facebook cho mọi người :D

    ReplyDelete
  17. Khi con tôi còn bé tôi đã cho nó biết nước Việt và người Việt , nhưng khi thảo luận không bao giờ nó cho nó là người Việt .Có khác biệt gì khi so sánh lòng yêu nước của 1 trẻ em người Việt , người Mỹ và người Do thái để xem chúng trả lời ra sao về lòng yêu nước của chúng? Thế thì người lớn và nhà cầm quyền khi dạy dỗ trẻ đã uốn nắn chúng đi theo những tiêu chí do chính họ đặt ra. Và vì mơ hồ họ đã đánh đồng và lập lờ để nếu có cơ hội thì họ sẽ giải thích theo chiều hướng có lợi cho họ mà thôi . Chính cái mơ hồ đó đã khiến cho người Việt khó mà đoàn kết với nhau khi cần thảo luận để đi đến 1 kết quả thống nhất , chưa kể đến yếu tố bè phái, phe đảng và tâm lý đám đông. Cho nên cần phải tiêu chuẩn hoá mọi khái niệm để khỏi phải lan man sa vào những tranh cãi vô ích và tốn nhiều thời gian .

    ReplyDelete