Tuesday, May 19, 2009

Kích cầu ở Việt Nam - hạ giá VND

Thời gian này tôi đang ở Hà Nội, gặp được nhiều quan điểm và hiện tượng hay, mà lại không có thời gian để chép xuống trên blog. (Cộng thêm việc đang nợ bài rất nhiều.) Hôm nay bèn tranh thủ chép lại một cách rất tản mạn, bằng một thứ tiếng Việt tương đối tệ :) :

- Về chính sách kích cầu ở Việt Nam: Trong các bài viết trên Vietnam Financial Review, tôi luôn phát biểu rằng Việt Nam còn chỗ cho chính sách tiền tệ, tức là giảm lãi suất chủ đạo của NHNN. Theo một ý kiến, thì lãi suất ở Việt Nam có lẽ đã chạm sàn rồi. Lý do là cân bằng về lãi suất (interest rate parity) với lãi suất USD, và rủi ro nội tại của việc giữ đồng VND. Để giữ cho VND là một phương tiện lưu trữ, thì lãi suất VND cũng phải bù (có premium) cho rủi ro về lạm phát và rủi ro về khả năng phá giá đồng tiền. Ở thời điểm hiện nay, có lẽ là thị trường đánh giá cả hai rủi ro này tương đối cao. Nhất là trên thị trường tiền gửi tiết kiệm thì các cá nhân hầu hết có thu nhập trung bình và thấp hơn, nên càng muốn tránh rủi ro (so với thị trường vay), vì thế premium có thể cao. Tổng premium có cao đến mức gần 8% không thì tôi không chắc.

Nếu quan điểm này đúng, thì một cách cởi trói cho Ngân hàng Nhà nước chính là chủ động hạ giá VND. Hiện giờ chủ đề này rất nhậy cảm, và tôi nghĩ là đang nằm trên cân của giới làm chính sách cấp cao. Hạ giá VND (chỉ một lần, bất ngờ) có thể kích thích xuất khẩu, có lẽ là cách kích thích mạnh và ít tốn kém bậc nhất, đồng thời cũng giảm sức ép lên dự trữ Quốc gia (hiện giờ black market premium, tức là chênh lệch tỷ giá thị trường tự do với tỷ giá chính thức, tương đối cao). Tuy vậy, trong thời gian trước mắt (có thể là một hai tháng) nó cũng có thể có ảnh hưởng xấu đến nhập khẩu, từ đó có ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh trong nước, trước khi xuất khẩu kịp tăng và bù lại phần hụt này. Hơn nữa, nếu hạ giá không nhiều như thị trường chờ đợi (nhiều khả năng xảy ra với tình hình chính sách hiện nay), thì dễ tạo nên ấn tượng và kỳ vọng tiếp tục hạ giá trong tương lai, dẫn đến sức ép mạnh hơn lên VND, và còn tạo sự bất cân đối hơn nữa (tuy là nó sẽ góp phần tăng hoạt động trong nước trong ngắn hạn).

Như đoạn phía trên đã phân tích, nếu hạ giá (một lần, bất ngờ) góp phần giảm rủi ro phá giá, thì nó còn có tác dụng mở đường cho việc hạ lãi suất, phần nào chính thức hóa chính sách bù lãi suất giúp doanh nghiệp tránh nợ xấu (một cách bail-out) như hiện nay. Tóm gộp lại, ảnh hưởng của việc hạ giá tương đối hỗn tạp, và cần có đầy đủ thông tin và số liệu mới có thể đánh giá cẩn thận hơn được.

Tạm thời thế đã.

4 comments:

  1. Quốc Anh hay viết trên VFR à? Lần sau có bài nào trên đó quẳng luôn lên trên này cho mọi người đọc.

    ReplyDelete
  2. Tôi lại nghĩ việc hạ giá mạnh một lần là rất ít khả năng xảy ra. Thứ nhất, nó đi ngược lại các quan điểm được nêu ra từ trước về chính sách tiền tệ. Trong điều kiện người dân đã ít tin tưởng vào khả năng điều hành kinh tế (và cả chính trị) của chính quyền thì việc hạ giá trái với các tuyên bố trước kia sẽ càng khiến họ mất lòng tin hơn. Và khi đó họ sẽ đổ xô đi mua USD, có thể khiến đồng VND bị hạ giá hơn nữa dẫn tới mất kiểm soát.

    Thứ hai là yếu tố tâm lý người dân. Người dân không quen với việc phá giá một lần mà có xu hướng đón đợi sự điều chỉnh giảm giá nhiều lần. Do đó nếu phá giá một lần thì chưa chắc người dân đã tin là phá giá một lần mà lại e rằng Nhà nước sẽ tiếp tục phá giá nữa.

    Một câu hỏi nữa là phá giá tới mức bao nhiêu là hợp lý?

    ReplyDelete
  3. @Linh:
    "Một câu hỏi nữa là phá giá tới mức bao nhiêu là hợp lý?"

    Câu hỏi này rất hay và cũng liên quan đến expectation của người dân về việc liệu nhà nước có tiếp tục phá giá nữa hay không.

    Tôi nghĩ giải pháp cho NHNN là không tuyên bố phá giá mà tuyên bố thay đổi qui chế vận hành của tỷ giá. Ví dụ mở rộng biên độ giao dịch và cho phép dịch chuyển central rate hàng ngày theo biến động của tỷ giá ngày hôm trước (flexible bands).

    @QA: Tôi nghĩ một lý do nữa NHNN lưỡng lự chưa cắt lãi suất mạnh và phá giá VNĐ là lạm phát. Mấy tuần vừa rồi các NHTM phải tăng lãi suất huy động, chắc là đang thiếu liquidity chứ không phải vì cần huy động vốn để tăng tín dụng. Bóp nghẹt liquidity có vẻ là preferred policy của NHNN để chống lạm phát như hồi đầu năm ngoái.

    ReplyDelete
  4. Anh Quốc Anh thân mến!
    em là Thu Phương hiện đang phụ trách nội dung tạp chí Tinh Hoa - Thời báo Kinh tế Việt Nam ạ. Em biết được contact của anh qua chú Dương Thụ ạ. Hiện tại, bọn em có một số việc rất muốn nhờ anh tư vấn nhưng lại không biết số điện thoại của anh. Nếu anh còn ở HN thì cho em xin số cellphone anh nhé để tiện liên hệ anh nhé.
    Em cảm ơn anh rất nhiều và rất xin lỗi vì đã làm phiền anh qua blog cá nhân:)
    email của em là phuongbill83@gmail.com ạ
    Chúc anh luôn mạnh khỏe và tràn đầy sáng tạo

    ReplyDelete