Tuesday, May 5, 2009

Môi trường và kinh tế học

Gần đây, Ed Glaeser có nghiên cứu (cùng với Matthew Kahn) về khí thải CO2 trên góc độ kinh tế đô thị (urban economics), và có bình luận trên blog Economix của NY Times. Phân tích về chính sách có thể tóm gọn lại là những nơi như Texas có lượng khí thải CO2 nhiều hơn California rất nhiều, chủ yếu vì ảnh hưởng thời tiết. Tuy vậy, do hoạt động bảo vệ môi trường ở California mạnh hơn nhiều, nên California có quy định quá chặt chẽ về xây dựng, dẫn đến giá đất/nhà cao, và người dân chuyển sang ở Texas.

Đây là một ví dụ điển hình của ảnh hưởng ngoại vi của chính sách, vốn dĩ có thể tốt ở một địa phương, nhưng có ảnh hưởng chung xấu đến toàn bộ. Tương tự, có thể kể đến chính sách bảo hộ thời khủng hoảng có thể tốt cho gói kích cầu của một nước nhưng làm cho khủng hoảng toàn cầu ngày càng tệ hại, hay chính sách cạnh tranh đầu tư (cả công, tư và nước ngoài) giữa các tỉnh ở Việt Nam có thể dẫn đến việc thừa thãi dự án lớn (xây cảng nước sâu, nhà máy xi măng, đường vv.).

Quay lại bài viết của Glaeser trên Economix, hầu hết các phản hồi, mà tôi đoán là của những người yêu môi trường hơn kinh tế học nhiều, đều phản đối gay gắt cách nhìn của Glaeser chỉ chú trọng vào CO2 mà không coi trọng đến các yếu tố khác. Một số comment khác nêu ra nguyên tắc "hành động ở địa phương" (act locally) như là một tiêu chí của hoạt động môi trường.

Tôi nghĩ các phản hồi này đều coi nhẹ câu chuyện cần đánh giá chính sách một cách tổng thể. Glaeser đúng là tập trung nhiều vào CO2, nhưng đây là vấn đề ảnh hưởng toàn cầu, và các nước nghèo thì sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn rất nhiều so với các nước giầu. Những nhà hoạt động xã hội Mỹ có thể rất hảo tâm từ thiện với người nghèo ở các nước nghèo, song cùng lúc đó lại ủng hộ những chính sách chết người với họ (như bảo hộ thương mại). Đúng là người California có quyền đòi hỏi cao cho cá nhân họ, song với những nhà hoạt động môi trường dưới danh nghĩa "cứu Trái đất" thì ít nhất cũng nên có cách nhìn rộng hơn về "Trái đất". Glaeser đúng khi không trách yêu sách của người dân California, mà trách cách nhìn thiển cận của các nhóm hoạt động vì môi trường. Nhất là những hoạt động nhằm đúng vào việc giảm CO2 ở California: tác động đối với môi trường hoàn toàn trái ngược với những tiêu chí họ đặt ra. Về vấn đề CO2, không thể có giải pháp "hành động ở địa phương" được. Dứt khoát là không.

Cũng cần chú ý là Việt Nam là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất của sự tăng mực nước biển. Theo một nghiên cứu của Dasgupta và cộng sự ở Ngân hàng Thế giới, nước biển tăng 1m thôi sẽ làm ngập đến 11% dân số của Việt Nam tính theo thời điểm hiện tại, là tỷ lệ cao nhất thế giới; còn nước biển tăng 5m thì ảnh hưởng lên đến 35% dân số. Người Việt do đó có đủ lý do để quan tâm đặc biệt đến vấn đề hiệu ứng nhà kính và khí thải CO2 toàn cầu. Hình minh họa dưới đây (lấy từ nghiên cứu của Dasgupta và cộng sự) cho thấy bản đồ Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào theo các kịch bản mực nước biển tăng cao từ 1m đến 5m.

Có lẽ là cần viết thêm về ảnh hưởng của tăng mực nước biển đến Việt Nam, chắc là vào một lần khác (tôi hứa hẹn kiểu này trên blog nhiều quá rồi :) ).

5 comments:

  1. CO2 là vấn đề toàn cầu, nó thuộc bầu khí quyển chung nên xét đến lợi ích kinh tế địa phương theo kiểu mình giảm mình lợi là không thể. Đòi hỏi một áp lực chung phạm vi thế giới để giảm lượng khí thải cho một lợi ích chung lâu dài là sự ổn định chung của trái đất. Ngay cả trong khi một số nước trong đó có Việt nam chịu ảnh hưởng bất lợi thì có những nước, Canada chẳng hạn, lại được một số lợi ích kề cận từ việc thay đổi khí hậu.

    ReplyDelete
  2. Hi bác QA. Nếu bác làm một bài blog tóm tắt sơ qua về quan hệ giữa corruption và economic stability thì hay quá. Conclusion của bác trong paper "Instability and the Incentives for Corruption" rất thú vị (về U-shape, horizontal effect và demand effect, cũng như finding là optimal length of executive tenure là 8 năm để mimimise corruption đúng bằng 2 nhiệm kỳ thông thường).

    ReplyDelete
  3. Không biết gửi PM thế nào nên comment vào đây. Sao Assistant Prof mà lại dịch là Phó Giáo Sư được hở bạn Quốc Anh?? Phó GS là Associate Prof chứ?

    ReplyDelete
  4. Trả lời bạn Bí Ngô NZ: tôi có nói qua về vấn đề này trong 1 comment trước đây (không nhớ post nào). Tôi nghĩ không có từ dịch chính xác, nên khi viết tiếng Việt thì có chú thích bằng tiếng Anh. Chú ý là dịch Associate Prof là Phó GS cũng khó, vì ở nhiều nơi (ví dụ như trường cũ của tôi) thì Assistant Prof và Associate Prof không khác nhau mấy (ai cũng chuyển tự động từ Asst sang Assc), và Associate Prof thì chưa được tenure. Ở trường hiện giờ của tôi, Associate Prof cũng có thể có tenure, có thể không có.

    ReplyDelete
  5. Bài này hay, đúng chủ đề em quan tâm, tks anh Quốc Anh.
    HA.

    ReplyDelete