Monday, June 22, 2009

Rủi ro về lạm phát ở Việt Nam

Bài này tôi đã bắt đầu viết từ trước đây 1 tháng, mà vì lười chuyển bảng sổ liệu thành tranh nên đành để lai rai mãi đến bây giờ. (Đăng lên blog rất mất công, vì phải chuẩn bị bảng tử tế trên Excel, in ra .pdf, crop margin, rồi chuyển sang .jpg !)

Nhiều người vẫn lo ngại về khả năng bùng nổ lạm phát trở lại nếu kích cầu quá mức, vì những nguyên nhân lạm phát từ cấu trúc nền kinh tế vẫn còn đó. Trong thời gian trước mắt, tôi không thấy quan ngại lắm. Chỉ nên bắt đầu sợ lạm phát khi bắt đầu có sự phục hồi; mà theo tôi còn chưa đến thời điểm đó.

Tình hình kinh tế vẫn còn tương đối ảm đạm, nếu có tín hiệu tích cực trong khu vực Đông Nam Á cũng chưa hẳn là dấu hiệu của sự phục hồi, mà nhiều khả năng chỉ là những đoạn "vấp lên" trong quá trình đi xuống. Nếu như trong thời gian những tháng đầu năm, kỳ vọng về cuộc khủng hoảng quá bi quan, thì đến giờ thị trường có thể chỉ đang khôi phục chút ít sự lạc quan trong kỳ vọng, dẫn đến một số tín hiệu tốt. Hơn nữa, quá trình bán sạch inventory chắc cũng đã kết thúc, kèm theo sau đó là việc nhà sản xuất bắt đầu sản xuất cầm chừng trờ lại: điều này cũng gây nên chút tín hiệu tốt, song nó không hề đánh dấu sự phục hồi.

Bây giờ ta thử xem số liệu lạm phát của Việt Nam từ đầu 2009 nói lên điều gì. Hiện giờ, lạm phát ở mức thấp, từ tháng 12/08 đến tháng 5/09 mới là 2.12%, nếu ngoại suy ra cả năm thì lạm phát sẽ là 5.17%. Mức độ này thuộc dạng thấp đối với Việt Nam, nhưng cũng không thấp như thời kỳ 2002-2004. Có xu hướng lạm phát đang tăng chút ít: chỉ số lạm phát hàng tháng đang tăng dần từ Tháng 2 đến tháng 5. Nhưng nếu tính ngoại suy từ giai đoạn tháng 1 đến tháng 5, chứ không phải từ tháng 12/2008, thì lạm phát cả năm cũng chỉ là 5.49%. Nhìn chung, dự đoán của tôi là nếu không có cú sốc nào mới, lạm phát cả năm sẽ nằm trong mức 6%.

Nếu nhìn sâu hơn vào chỉ số giá từng ngành, có thể thấy tăng nhiều nhất là giá xây dựng và dịch vụ. Ngược lại, giá giao thông và bưu chính đi xuống khá nhiều, theo tôi là do giá xăng trong nước giảm (trễ so với giá xăng thế giới) và do sự cạnh tranh tương đối có ích trong lĩnh vực bưu chính viễn thông. Trong thời gian tới, có thể dự đoán là giá xăng lại tăng (theo đuôi giá thế giới), song giá bưu chính viễn thông sẽ không đổi nhiều.

Nhìn lại, hiện giờ cũng chẳng có gì đáng nói từ số liệu lạm phát, ngoại trừ dự đoán rằng cả năm 2009 lạm phát dừng ở mức vừa phải. Ở mức này, tôi không nghĩ thiệt hại phúc lợi xã hội của lạm phát là cao. Ngoại trừ nó là một thứ thuế đánh vào tiền mặt, và tạo ra thiệt hại phúc lợi theo kiểu thuế (thuế 5-6% thì thiệt hại thuế cũng ít thôi), thì lạm phát chỉ có ảnh hưởng tái phân bổ trong xã hội, từ những người thu nhập trong ngành lạm phát chậm sang những người thu nhập trong ngành lạm phát cao. Một bộ phận người dân nghèo có thu nhập cố định sẽ bị ảnh hưởng nhiều (ví dụ như công nhân, viên chức nghèo, người về hưu, quân nhân, vv.), song cũng có nhiều người nghèo khác (sản xuất lương thực thực phẩm chẳng hạn) sẽ tăng thêm sức mua.

Nhận xét cuối cùng, trong bảng ở trên tôi để cả chỉ số vàng và dollars, vì lười, nhưng phải nói là phép ngoại suy trên giá vàng và dollars sai về cơ bản, vì những tỷ giá đó được giữ một cách ổn định (stationary series) chứ không giống lạm phát (integrated series - kiểu random walk). Từ đầu năm đến giờ vàng và dollars tăng khá nhiều, cho thấy sức ép lên tỷ giá đồng Việt Nam như đã viết trước đây. Tùy vào 3 kịch bản, mà các chỉ số giá này sẽ biến đổi khác nhau, không biết đâu mà lần.

2 comments:

  1. Chưa đọc nội dung nhưng cách save file dưới dạng jpg nhanh nhất là nhấn Print Screen vào Paint mở ra, crop cái gì mình cần rồi save luôn dưới dạng jpg.

    ReplyDelete
  2. Nói thêm vài ý sau khi đọc: chưa hiểu Quốc Anh ngoại suy theo cách nào nhưng phải thấy là năm 2009 không như 2008 bởi trong 2009 có gói kích cầu rất lớn được đưa vào sử dụng, và tác động của gói này sẽ mạnh hơn trong giai đoạn cuối năm, do đó khả năng lạm phát sẽ cao hơn so với việc ngoại suy căn cứ vào trend thay đổi lạm phát các tháng trong năm vào những năm bình thường.
    Thứ hai là QA viết "nhiều người nghèo khác (sản xuất lương thực thực phẩm chẳng hạn) sẽ tăng thêm sức mua." nhưng nếu nhìn vào bảng của QA thì giá lương thực cũng chỉ tăng tương đương với mức tăng lạm phát nói chung, do đó không thể nói người sản xuất LTTP có lợi. Đó là chưa kể có thể có sự khác biệt giữa chỉ số mà người SX nhận được với chỉ số giá tiêu dùng. Nếu chỉ số PPI cho LTTP thấp hơn CPI thì rất có thể lợi ích của việc tăng giá LTTP không đáng kể và không đủ bù đắp thiệt hại do lạm phát.

    ReplyDelete