Wednesday, June 10, 2009

Lạm phát và chi tiêu công

Còn quá nhiều chuyện muốn viết trên blog mà không có thời gian, song có bài này tôi mới đọc thì phải viết ngay, một phần vì có liên quan đến thảo luận trên blog của anh Lê Hồng Giang về tiền tệ và lạm phát. Đây là bài viết ngắn của Casey Mulligan trên blog Economix của NY Times. Bài viết điểm lại quan điểm chi tiêu công nhiều sẽ dẫn đến lạm phát cao. Đầu tiên nhắc đến phán đoán của Keynes trong "The Economic Consequences of Peace" về nước Đức nặng nợ sau Thế Chiến I, mà hậu quả là siêu lạm phát, đến nỗi dẫn đến thể chế Quốc Xã. Sau đó bài viết đưa ra quan sát thực chứng, từ nghiên cứu của chính Mulligan, rằng quan hệ giữa lạm phát và chi tiêu công là rất yếu; nếu có, đó là quan hệ giữa lạm phát với chi tiêu cho quân sự mà thôi. Một luận điểm giải thích là thời nay các chính quyền dễ dàng đánh thuế bằng nhiều cách, do đó không cần phải dùng đến thuế bằng lạm phát (seigniorage). Và mức nợ công hiện nay của nước Mỹ, cho dù là một phần không nhỏ của GDP, còn thua xa mức nợ mà nước Đức bại trận sau Thế Chiến I phải gánh vác.

Điểm đáng chú ý nhất đối với tôi là sự khác biệt giữa nội dung bài viết và ý thức hệ của Mulligan. Mulligan là giáo sư ở Chicago, và từ trước đến nay thường thể hiện quan điểm theo trường phái tự do (laissez-faire), phản đối vai trò nhà nước. Một trong những luận điểm quan trọng của trường phái này là ảnh hưởng không tốt của chi tiêu công, kể cả về mặt hiệu quả lợi ích, lẫn mặt ổn định kinh tế mà nội dung chủ yếu là sự ảnh hưởng xấu đến mức lạm phát. Như thế, bài nghiên cứu (và do đó là bài blog) của Mulligan phần nào đi ngược lại quan điểm ý thức hệ (phần nào thôi, vì tôi dám chắc Mulligan vẫn rất tin rằng chi tiêu công không có hiệu quả lợi ích). Tôi khâm phục sự liêm khiết về khoa học này của ông. Sự liêm khiết này, như trong tất cả các lĩnh vực khác, không phải dễ dàng mà có, mà giữ được.

Update: Viết xong bài mới nhớ ra một điểm quan trọng, là ở Việt Nam thì chi tiêu công quá đà đã dẫn đến lạm phát cao. Một phần quan trọng của chi tiêu công ở Việt Nam là chi tiêu của các Tổng Công ty/Tập đoàn Nhà nước, bắt nguồn từ việc vay nợ dễ dàng, nhiều ưu đãi. Hình thức này tự nó đã tăng tổng tín dụng trong nước lên nhiều, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước lại không có đủ tự chủ để kiểm soát tình hình cung tiền. Vả lại, đến lúc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản, thì người gánh chịu là bộ phận lớn doanh nghiệp tư nhân/doanh nghiệp Nhà nước nhỏ, hậu quả là ảnh hưởng nặng đến tăng trưởng. Tham khảo từ các bài phân tích chính sách của trường Fulbright, tôi nghĩ đây là những gì đã xảy ra ở Việt Nam dịp 2007-2008.

1 comment:

  1. Deutsche Bank vừa rồi cũng có một nghiên cứu cho thấy public debt không có significant impact vào long-term bond yield (proxy của long-term inflation expectation).

    Tôi cũng cho rằng hầu hết các nước (trừ một số ít như Zimbabwe) hiện tại không còn dựa vào seigniorage để finance cho budget deficit nữa. Ngay cả VN với kinh nghiệm những năm 80 cũng hiểu rằng cách làm này chỉ có thể làm tồi tệ hơn tình hình kinh tế và cả power của government.

    Chicago vẫn nổi tiếng với các quan điểm conservatism, nhưng cũng nổi tiếng về academic freedom, là nơi xuất hiện rất nhiều ý tưởng mới trong economics.

    ReplyDelete