Wednesday, June 3, 2009

Hạ giá đồng Việt Nam - tiếp tục

Hôm trước anh VHLinh và LHGiang có bình luận về bài viết Hạ giá Đồng Việt Nam của tôi, nay tôi tách ra thanh bài viết riêng để trao đổi thêm:


Linh said...

Tôi lại nghĩ việc hạ giá mạnh một lần là rất ít khả năng xảy ra. Thứ nhất, nó đi ngược lại các quan điểm được nêu ra từ trước về chính sách tiền tệ. Trong điều kiện người dân đã ít tin tưởng vào khả năng điều hành kinh tế (và cả chính trị) của chính quyền thì việc hạ giá trái với các tuyên bố trước kia sẽ càng khiến họ mất lòng tin hơn. Và khi đó họ sẽ đổ xô đi mua USD, có thể khiến đồng VND bị hạ giá hơn nữa dẫn tới mất kiểm soát.

Thứ hai là yếu tố tâm lý người dân. Người dân không quen với việc phá giá một lần mà có xu hướng đón đợi sự điều chỉnh giảm giá nhiều lần. Do đó nếu phá giá một lần thì chưa chắc người dân đã tin là phá giá một lần mà lại e rằng Nhà nước sẽ tiếp tục phá giá nữa.

Một câu hỏi nữa là phá giá tới mức bao nhiêu là hợp lý?

May 20, 2009 12:35 AM http://www.blogger.com/img/icon_delete13.gif

giangle said...

@Linh:
"Một câu hỏi nữa là phá giá tới mức bao nhiêu là hợp lý?"

Câu hỏi này rất hay và cũng liên quan đến expectation của người dân về việc liệu nhà nước có tiếp tục phá giá nữa hay không.

Tôi nghĩ giải pháp cho NHNN là không tuyên bố phá giá mà tuyên bố thay đổi qui chế vận hành của tỷ giá. Ví dụ mở rộng biên độ giao dịch và cho phép dịch chuyển central rate hàng ngày theo biến động của tỷ giá ngày hôm trước (flexible bands).

@QA: Tôi nghĩ một lý do nữa NHNN lưỡng lự chưa cắt lãi suất mạnh và phá giá VNĐ là lạm phát. Mấy tuần vừa rồi các NHTM phải tăng lãi suất huy động, chắc là đang thiếu liquidity chứ không phải vì cần huy động vốn để tăng tín dụng. Bóp nghẹt liquidity có vẻ là preferred policy của NHNN để chống lạm phát như hồi đầu năm ngoái.

May 20, 2009 11:12 AM http://www.blogger.com/img/icon_delete13.gif

Theo tôi, hiện giờ tỷ giá VND so với USD đang chênh vênh, có nghĩa một phần là Nhà nước đang “đánh bạc” rằng đồng USD sẽ giảm xuống so với các đồng tiền thong dụng khác. Nếu điều này xảy ra (hiện giờ đồng USD đã giảm chút ít so với mấy tháng trước), thì sẽ bớt đi nhiều áp lực lên VND, và mọi sự sẽ vẹn toàn. Lúc đó, chính phủ không phải phá giá, không phải thay đổi chính sách, sẽ có khoảng trống để áp dụng thêm chính sách tiền tệ, và có thể tự quảng cáo là bảo vệ thanh công (một lần nữa!) VND trước sức ép đầu cơ của nước ngoài. Bản than thị trường và người dân cũng sẽ có lợi: VND vẫn được giảm giá so với các đồng tiền floating khác (của các đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu), lại không chịu ảnh hưởng gì cả của sự bất ổn định khi có quyết định hạ giá, bất cứ là quyết định kiểu gì. Đây là viễn cảnh huy hoàng, có lợi cho mọi người (ở Việt Nam), và sẽ được tuyên bố và giải thích theo nhiều góc nhìn, thế nào tiện cũng được.

Viễn cảnh nửa vời, là mọi sự cứ diễn biến y hệt như hiện nay, tức là USD vẫn bấp bênh, VND vẫn bấp bênh, và do đó các chính sách tỷ giá và lãi suất vẫn bấp bênh. Tôi có viết một chút về lãi suất trên VFR số tới, hiện giờ báo chưa đăng nên chưa đưa lên blog được. Như hiện giờ, thì Nhà nước phải can thiệp một phần bằng chính sách hành chính, hạn chế quy đổi VND-USD, hạn chế giao dịch bằng USD, vv. Cũng là việc bất đắc dĩ, và chắc chắn ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Viễn cảnh ảm đạm nhất, là USD lại quay lại chiều hướng cao giá như mấy tháng trước. Lúc đó, sức ép lên VND còn tăng cao, và khó có thể thấy khả năng Nhà nước giữ được mức tỷ giá như hiện giờ. Ở đây, đề xuất của anh Lê Hồng Giang là nới lỏng biên độ tỷ giá. Tôi không rõ có ổn không. Dù chênh lệch giữa giá chính thức và giá chợ đen hiện nay chỉ khoảng 3% (18,200 so với 17,700), khi nới lỏng biên độ thì biên độ mới phải rộng gấp 3 lần biên độ cũ. Con số 3 lần có lẽ sẽ được thị trường và người dân hiểu (một cách chính xác) không khác gì hành động hạ giá đáng kể, và sẽ gây nên chuỗi sự kiện (chain reaction) giống như trong trường hợp tuyên bố hạ giá.

Đối với long dân và niềm tin vào chính sách của Nhà nước, tôi nghĩ một kích bản dễ xảy ra là Quốc hội đột ngột chất vấn và yêu cầu hạ giá VND, các báo chí cũng đồng loạt đăng bài kêu gọi hạ giá để giúp xuất khẩu, và việc hạ giá chuyển ngay từ một chủ đề taboo thanh chủ để thời thượng trên tất cả các phương tiện thong tin đại chúng, từ chính quy cho đến ngoài lề. Kết quả là người dân cảm giác như chính mình đang đòi hạ giá VND, và chính phủ sẽ miễn cưỡng hạ giá/nới lỏng biên độ giao dịch. Đây không phải là lần đầu kịch bản như thế này xảy ra, và tôi nghĩ thực sự nó sẽ giúp ổn định nhiều khía cạnh kinh tế trong giai đoạn khó khăn này, trong trường hợp USD lại tăng giá.

Về câu hỏi phá giá bao nhiêu thì hợp lý: Có thể nếu black market premium hiện nay là 3%, thì không cần hạ giá đến mức 3% cũng vẫn củng cố được niềm tin của người cầm VND. Vấn đề là 3% thì Chính phủ vẫn chưa chịu hạ giá (vẫn cầm cự được), và sẽ chỉ hạ giá khi mà premium lên thêm một, hai điểm phần trăm nữa. Lúc đó, có lẽ hạ giá phải đến mức 4-5%.

Về vấn đề lạm phát, tôi nghĩ nó chưa phải là vấn đề đáng lo trong thời gian gần, cho dù đúng là phải theo dõi sát sao. Có lẽ tôi sẽ viết thêm về lạm phát trong một lần khác.

Cuối cùng, tình huống khó xử hiện nay và viễn cảnh nửa vời bấp bênh về tỷ giá làm tôi nhờ đến câu chuyện cái “cân kê” (gân gà) trong truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa. Ngụy Vương Tào Tháo thua trận, muốn rút khỏi cuộc tranh giành Hán Trung với Ích Châu Mục Lưu Bị, song lại sợ bị yếu thế và hổ danh tiếng, suy nghĩ mãi không xong, nhân Hạ Hầu Đôn vào hỏi khẩu lệnh ban đêm, thấy bát canh gà mới buột mồm nói khẩu lệnh là “cân kê”. Quan tòng sự Dương Tu nổi tiếng thông minh, nghe thấy thế liền sai quân lính chuẩn bị hành lý rút lui, giải thích rằng gân gà nhai thì khó, mà bỏ thì không nỡ, song sớm muộn cũng sẽ phải bỏ thôi. Tào Tháo nhân vốn ghét Dương Tu hay phát ngôn quá giới hạn, mới ghép vào tội làm rối long quân mà đem Dương Tu ra chém. Rất đáng tiếc. Không biết thời nay nói nhiều về chủ đề taboo thì có số phận giống Dương Tu không.


Update: Chưa già đã lẫn, hôm nay viết xong đọc lại thấy quen quen, hóa ra là tôi đã viết những ý tương tự trong một bài trước rồi. Bạn đọc thông cảm là tuần vừa rồi tôi bị ốm, chắc vì thế mà đầu óc lộn xộn hết thứ tự thời gian, hì hì.

3 comments:

  1. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  2. Cái tội của Dương Tu không phải là bép xép, mà là biết quá nhiều, biết luôn cả bụng của Tào Tháo nghĩ gì. "Cân kê" là giọt nước tràn ly, trước đó là chuyện chữ "Họat". Về những bậc "quân vương", ông Lỗ Tấn có một tổng kết rất đáng chú ý : Đối với họ, thỉnh thoảng nên tỏ ra không biết, nếu không biết cả thì bị khinh, nếu biết cả thì bị ghét. Đó là "phương châm" của những người làm quân sư, ngày nay gọi là cán bộ tham mưu hay chuyên gia.
    Cám ơn anh Quốc Anh đã liên hệ rất hay.

    ReplyDelete
  3. Tôi nghĩ Dương Tu bị trảm không vì biết quá nhiều như anh Vân nói. Vì nếu biết Tào Tháo nghĩ gì thì chắc Dương Tu còn thua Giả Hủ, nhưng Giả Hủ cuối đời vẫn êm đẹp chứ không bị trảm như Dương Tu. Cái chính là Dương Tu rất hay phạm taboo, nói ra những điều mà kẻ khôn không nên nói, từ chuyện Tào Tháo chém lính hầu tới chuyện gân gà.

    Cái kịch bản Quốc hội yêu cầu giảm giá mà QA nói tôi tin chắc không xảy ra. Ngay cả việc bật đèn xanh cho báo chí nói câu chuyện tỷ giá cũng vậy. Bởi người ta cho rằng điều đó sẽ dẫn tới tâm lý đầu cơ và làm cho ngoại tệ càng khan hiếm.
    Hôm qua đi nghe hội thảo tỷ giá thấy bác Lê Xuân Nghĩa vẫn có vẻ thích thú với việc kiểm soát bằng các công cụ hành chính lắm. Có vẻ như quan điểm của NHNN là sẽ giữ vững tỷ giá, ít ra là đợi cho tới năm sau, với hy vọng đồng USD sẽ tự nó mất giá.

    ReplyDelete