Blog của Krugman chỉ đến bài viết trên The New Yorker về Rahm Emanuel. Bài viết thể hiện Emanuel là người có cá tính mạnh, và hết sức, hết sức thực dụng khi làm chính trị. Làm chính trị, ở vị trí của Emanuel, có nghĩa là làm thế nào để thuyết phục các bên có quyền lực đi đến thống nhất về một chính sách. Tự cổ chí kim chuyện này rất khó, trong bất cứ thể chế nào; hơn nữa, việc thực hiện thành công lại đem lại lợi ích rất lớn cho tất cả các bên.
Việc hiệp thương chính trị vốn dĩ có cùng một nền tảng giống hệt như thương mại: có trao đổi, người bán, người mua. Mà thương mại hễ có thị trường là có khả năng tạo ra hiệu quả, đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Vấn đề khác biệt giữa chính trị và thương mại là ở chỗ thị trường chính trị, nếu nhìn trên góc độ kinh tế, có rất nhiều điểm thiếu sót: sự độc quyền, cấu kết theo từng thời điểm, thông tin phần lớn thiếu minh bạch và thông thoáng (hiển nhiên, không bên nào muốn lộ ra thông tin có lợi cho đối thủ), không có cơ chế tạo sự minh bạch thông tin (revelation), vv. Vì thế, có rất nhiều vấn đề chính trị đáng ra có thể giải quyết theo hướng các bên cùng có lợi, song cuối cùng lại chỉ tạo ra thiệt hại. Ví dụ có đủ cả, mà có lẽ nặng nề nhất là chiến tranh.
Câu chuyện về Emanuel lại làm tôi nhớ lại một bài nói chuyện của Greg Mankiw đối với sinh viên PhD kinh tế ở Harvard, ngay sau khi ông hoàn thành nhiệm kỳ 2 năm làm giám đôc Hội đồng Tư vấn Kinh tế cho chính quyền George W. Bush. Mankiw miêu tả rất nhiều điều ông học được trong việc ăn nói, giao tiếp với truyền thông và với các nhánh của Nhà nước (chủ yếu là Quốc hội Mỹ) để đi đến các thỏa thuận có lợi. Một ví dụ điển hình là thời kỳ chính quyền Bush thông qua một loại thuế cao đến hơn 30% đánh lên thép nhập khẩu, gây nên phản ứng dữ dội từ rất nhiều nước, và trong cả nước Mỹ. Bush lúc đó bị chỉ trích là đạp đổ những lời hứa về tự do thương mại. Điều ít người biết là loại thuế nói trên dùng để "mua phiếu" của một số Đại biểu Quốc hội được ngành thép hậu thuẫn mạnh mẽ, để họ ủng hộ đạo luật tự do thương mại vĩnh viễn (bao gồm tránh tài trợ xuất khẩu vv.). Đạo luật này trước đó đã được chính quyền Clinton đem ra Quốc hội rất nhiều lần, nhưng chưa bao giờ thành công, chính vì những lực lượng thủ cựu trong Quốc hội được các ngành công nghiệp lạc hậu bơm tiền hậu thuẫn. Bush làm được điều Clinton không làm được, vì dám chấp nhận thỏa hiệp tạm thời đi ngược lại nguyên tắc tự do thương mại (thuế thép chỉ có hạn 5 năm, trong khi luật tự do thương mại là vĩnh viễn).
Không nói đến chuyện sự thỏa hiệp trong ví dụ của Mankiw như vậy là đáng hay không; điều tôi muốn nhắc đến ở đây là để có được kết quả trong hiệp thương chính trị thì bắt buộc phải có trình độ thương lượng nổi bật. Rahm Emanuel có lẽ là một lựa chọn rất tốt của Obama cho vị trí đó.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment