Sunday, April 5, 2009

Chối bỏ thị trường vì giao dịch "bị ghê tởm"

Al Roth mới đây khởi xướng một blog về kinh tế thiết kế, mà tôi để trong danh sách liên kết trên blog này. Al Roth là bậc thầy về lý thuyết trò chơi thương thuyết (bargaining game), về kinh tế thí nghiệm (experimental economics - phân biệt với empirical economics mà tôi tạm dịch là kinh tế thực nghiệm), và kinh tế thiết kế (market design - có thể dịch là thiết kế thị trường; cái tên này Al Roth cho là không đủ rộng bằng tên "design economics", tôi dịch là kinh tế thiết kế). Ông là một trong những nhà kinh tế đầu tiên mang lý thuyết tiện dụng (utility theory) ra làm thí nghiệm (cùng thời với Kahneman & Tversky), và cũng là một trong những người đầu tiên nghiên cứu các vấn đề thiết kế thị trường để nâng cao/tối ưu hiệu quả một cách đảm bảo (chứ không phải nâng cao năng suất kiểu Đại Nhẩy Vọt). Website của ông có nhiều bài viết giới thiệu chung rất thú vị về những chuyên ngành ông nghiên cứu.

Thời gian gần đây, Al Roth chú ý nhiều đến các thị trường bị xã hội hay pháp luật hạn chế hoặc cấm tồn tại, bởi các giao dịch trên đó được coi là đáng "ghê tởm" (repugnance trade/repugnance market - tôi không biết dịch thế nào thì tốt hơn, nhờ các bạn đề xuất giúp). Bài viết tóm tắt chính được đăng trên Journal of Economic Perspectives, và blog về kinh tế thiết kế dành một phần không nhỏ cho mục này. Ví dụ hiện nay về kiểu giao dịch này (ở phần lớn các nước/xã hội) bao gồm dịch vụ tình dục, giao dịch bộ phận cơ thể con người (sống hay chết), mua bán kết quả thi đấu thể thao, giao dịch bộ phận cơ thể động vật hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, giao dịch ma túy và chất gây nghiện, một số loại thịt như ngựa, chó ở nhiều nước, vv. Trong quá khứ, có thể kể đến giao dịch tài chính có lấy lãi (từng là giao dịch ghê tởm ở các nước đạo Thiên chuá, hiện vẫn là giao dịch ghê tởm ở các nước đạo Hồi), giao dịch bảo hiểm nhân thọ (từng bị coi là đặt giá lên mạng sống con người), rượu (vẫn cấm ở các nước đạo Hồi), vv. Việc hiểu được tại sao một số giao dịch bị xã hội lên án và coi là ghê tởm sẽ giúp ích đánh giá các đạo luật, chính sách hạn chế hay cấm các giao dịch ấy.

Ví dụ điển hình được Al Roth nghiên cứu nhiều là thị trường (hiện chưa có) thận sống. Hiện nay ở Mỹ và hầu hết các nước, việc buôn bán thận người sống để ghép cho bệnh nhân bị cấm hoàn toàn. Người ta có thể hiến, tặng, thậm chí là trao đổi (luật trao đổi thận được thông qua ở Mỹ cách đây không lâu), nhưng không được mua bán. Thận là bộ phận ghép tương đối dễ dàng (một khi tìm được thận tương thích), và hàng năm có rất rất nhiều người chờ thận sống, phải chạy thận nhân tạo, thậm chí là chết vì không tìm thận sống để ghép kịp. Những bệnh nhân như vậy sẵn sàng trả rất nhiều tiền, nhưng pháp luật không cho thực hiện mua bán như vậy.

Cách giải thích của Al Roth về sự cấm đoán của pháp luật là xã hội, bao gổm rất nhiều người khác, vốn không hề tham gia vào giao dịch giữa người bán và người mua thận, coi những giao dịch ấy thuộc diện ghê tởm, không được phép tiến hành. Có một vài lý do giải thích tại sao xã hội lại ghê tởm những giao dịch này, bao gồm những luận cứ dựa vào nền tảng đạo đức, khả năng tạo ra tác động xấu, tác động ngoại biên (externalities) của thị trường, vv. Bài viết của Al Roth xét nhiều khía cạnh như vậy.

Rất tiếc là tôi phải đi chợ, thành ra sẽ viết tiếp vào một lần sau.

7 comments:

  1. Giao dịch trái đạo đức ??

    Cái topic này dạo này bên CS có vẻ rất hot.

    ReplyDelete
  2. Từ việc bị nhiều người ghét, cảm thấy khinh bỉ ghê tởm, cho đến việc bị coi là trái đạo đức/phi đạo đức là một bước đi dài. Tôi không dám dịch xa nghĩa gốc như vậy, nên nghĩ rằng dịch là bị khinh bỉ/ghê tởm hợp lý hơn.

    ReplyDelete
  3. Hi bác,
    Em nghĩ có thể dịch là giao dịch phản cảm (反感).

    ReplyDelete
  4. Chị nghĩ là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá một thị trường giao dịch bị xếp vào loại "đáng ghê tởm" hay không là do nhu cầu giao dịch trên thị trường. Nếu nhu cầu quá lớn, thì các khía cạnh đạo đức, ảnh hưởng ngoại vi...không ngăn cản được việc hợp thức hoá thị trường.

    Ví dụ như thị trường Mại dâm. Tác động xấu đến xã hội phải nói là rất lớn, vì liên quan đến bao nhiêu vấn đề: sức khoẻ, nhân phẩm, rạn nứt gia đình. Nhưng chỉ vì nhu cầu lớn nên các quốc gia văn mình đều chấp nhận. Cũng vậy, thị trường thuốc là hiện nay còn quá lớn cho nên không bị coi là thị trường đáng bị chối bỏ. Giả dụ nếu có 1 đại dịch khiến cho một bộ đáng kể công dân Mỹ bị suy thận, thì bắt buộc người ta phải chấp nhận thị trường buôn bán thận.

    1 hành vi có thể bị coi là tội phạm hay không phụ thuộc chủ yếu vào tính phổ biến của nó. Như chị từng ví dụ:

    - Hành vi mà trên 1/1000 dân số mắc phải thì sẽ không bị coi là tội phạm nữa. Bởi nếu vậy, nhà tù đâu mà chứa hết được. (Dân số VN gần 90000000), sẽ có khoảng 90000 người mắc. Hành vi đấy sẽ bị chuyển xuống vấn đề đạo đức.
    - Hành vi mà trên 1/100 dân số mắc phải thì không bị quy kết về đạo đức nữa mà chỉ là thói xấu
    - Hành vi mà trên 1/10 dân số mắc phải thì không bị coi là thói xấu nữa mà được người ta kêu gọi "tôn trọng sự khác biệt".

    Evil

    ReplyDelete
  5. He, nhân thể dạo này đang ngâm cứu về bargaining theory. Avin Roth là một tên tuổi, nhưng hai người nổi tiếng nhất là các bác Harsanyi làm về axiomatic approach (tuy cách tiếp cận này gần như đã bị teo tóp) và bác Rubinstein về strategic approach.

    E

    ReplyDelete
  6. Có lẽ gọi là "giao dịch phản cảm" tương đối hợp lý. Cảm ơn bác Tân.

    Chị Vìu: đánh giá về độ phản cảm là đánh giá về mặt preference của từng cá nhân trong xã hội, và coi preference đó là cố định. Như chị nói, thì bản thân hiện tượng lại có ảnh hưởng lại đến chính preference của cá nhân. Đây cũng là điểm hay.

    Có thể mở rộng thêm theo nghĩa mỗi cá nhân thực ra không có preference riêng, mà là preference của cả xã hội: cá nhân sẽ chấp nhận những gì xã hội chấp nhận. Như thế, những giao dịch mang tiếng phản cảm chẳng qua chỉ vì lịch sử/điều kiện xã hội vốn đã thế, và có thể có các sự kiện xã hội làm thay đổi mạnh phản ứng của xã hội như chị Vìu nói. Kênh ảnh hưởng này đã xảy ra nhiều (xem bài của Al Roth trên JEP), ví dụ về cho vay lấy lãi. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ một số giao dịch thực sự tạo ra sự phản cảm nội tại trong nhiều cá nhân; có thể sự phản cảm ấy có nguồn gốc sinh học sâu xa hơn là nguồn gốc lịch sử/xã hội.

    ReplyDelete
  7. Những cái có lý nhiều khi lại xuất phát từ những cái phi lý. Vì vậy cũng không thể nói mại dâm là không tốt, vì kéo theo nó sẽ giúp giảm bớt các vụ hiếp dâm trong xa hội...

    ReplyDelete