Peter Leeson có bài viết trên National Public Radio (trích lại trên blog của Mankiw) ca ngợi hệ thống xã hội cướp biển vùng Caribbean rất tiến bộ, và gần giống như một xã hội dân chủ vi hiến (constitutional democracy), trong đó lãnh đạo được bầu theo phổ thông đầu phiếu, không phân biệt sắc tộc về quyền lợi kinh tế cũng như chính trị, có hệ thống bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp, vv. Người đọc ngạc nhiên phần nào khi biết rằng xã hội của cướp biển tiến bộ nhanh hơn hầu hết các xã hội tiên tiến phương Tây thời bấy giờ.
Tuy vậy, cũng nên lưu ý rằng những xã hội "dân chủ" như vậy thường rất dễ tổ chức, nếu như có một tầng lớp chịu "bóc lột". Ví dụ điển hình là dân chủ kiểu Hy Lạp cổ đại, cộng với việc bóc lột nô lệ. Có nhiều ví dụ khác nữa. Không phải là cứ có tầng lớp bị bóc lột, thì giữa những kẻ đi bóc lột sẽ có tổ chức dân chủ. Nhưng nếu không có tầng lớp bị bóc lột, khi mà câu chuyện không chỉ là việc chia sẻ phần thưởng kiếm được dễ dàng, mà là chuyện cả xã hội cùng phải đóng góp cho những mục đích chung, tạo dựng những dịch vụ, sản phẩm, hình ảnh chung, thì lúc đó thể chế dân chủ mới thực sự gặp thách thức.
Vì thế, câu chuyện về cướp biển cũng không đến mức đáng ngạc nhiên như vậy.
Update: Có người bạn khuyên dịch chữ constitutional democracy là "dân chủ hợp hiến". Tuy ngh cũng hợp lý và không lẫn với "vi hiến" là vi phạm hiến pháp, song tôi vẫn thích chữ "vi hiến" theo nghĩa "vì hiến pháp" hơn. Nhưng chắc là trong tương lai sẽ phải dùng chữ "hợp hiến" thôi.
Update: Tôi đồng ý với ý thứ hai của bác Hải Vân, còn ý đầu và ý cuối thì tôi nghĩ hơi khác.
Khi tôi nói đến "dân chủ vi hiến", thì cũng có hàm nghĩa là nền dân chủ này tôn trọng quyền lợi của cá nhân và của thiểu số rồi. Trong bài của Peter Leeson cũng nhắc đến rất nhiều những yếu tố đó, ví dụ như công bằng về thu nhập, đãi ngộ, bảo hiểm, quyền lợi vv. Tôi không rõ là so sánh với các bộ lạc là các bộ lạc nào, được tổ chức như thế nào. "Các bộ lạc" bao trùm rất rất nhiều hình thức tổ chức xã hội khác nhau - cũng là một ví dụ về ý "xã hội nhỏ thì càng đa dạng".
Về ý cuối, có thể đọc thêm ví dụ trong cuốn The Size of Nations của Alesina (thầy tôi) và Spolaore, trong đó có thống kê hệ thống chứ không phải chỉ điểm một vài ví dụ. Bản thân ví dụ của bác Hải Vân cũng không đi ngược lại quan điểm tôi nêu ra. Trong lịch sử cận-hiện đại, nước Pháp mở rộng lãnh thổ mạnh nhất, dễ dàng nhất chính là thời kỳ phi dân chủ nhất. Cần phải phân biệt ở đây việc mở rộng lãnh thổ thực thụ, so với việc mở thuộc địa chỉ để bóc lột tài nguyên (Napoleon III chiếm Nice-Savoy so với 6 tỉnh Nam Kỳ). Đi vào chi tiết từng ví dụ thì cũng có rất, rất nhiều điều phải bàn, song xu hướng chung là như vậy.
Update: Có anh bạn dịch là "dân chủ vị hiến", có lẽ là hợp lý nhất.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
dân chủ vi hiến (constitutional democracy)?
ReplyDeleteTại sao lại vi hiến?
Cũng còn yếu tố dân số nữa. Thể chế dân chủ dễ thích hợp cho một xã hội nhỏ như thành bang Athens, nhưng sẽ phức tạp hơn nhiều với các xã hội có dân số lớn.
ReplyDeleteĐiều bác Linh nói cũng không rõ lắm, vì xã hội nhỏ hơn thì tổ chức theo thể chế độc tài cũng dễ hơn. Từ suy luận này, có lẽ chỉ rút ra được kết luận là giữa các xã hội/quốc gia nhỏ thì khác biệt về thể chế nhiều hơn (variance lớn hơn) so với giữa các xã hội/quốc gia lớn. Cái này tôi không biết đã được kiểm chứng chưa.
ReplyDeleteCó một kết quả khác đã được kiểm chứng, là các nước phi dân chủ/độc tài thường lớn hơn, vì chính quyền có mong muốn mở rộng lãnh thổ và dân số hơn, so với các nước dân chủ.
Cái vế thứ hai của QA nói lại có thể có một lý do liên quan tới ý tớ nói, tức là tại các nước lớn, sẽ có khuynh hướng các thể chế độc tài hơn để duy trì sự ổn định về mặt thể chế. Một ý nữa là các thể chế dân chủ sẽ gặp nhiều hạn chế khi mở rộng lãnh thổ hơn so với thể chế độc tài. Ví dụ khi La Mã thời Cộng hòa đánh Carthage thì Viện Nguyên lão phải họp hành bao nhiêu lần mới ra quyết định hủy diệt nước này. Đến thời Đế chế thì các quyết định tập trung nguồn lực, tiến hành chiến tranh mở rộng lãnh thổ ở La Mã dễ hơn nhiều.
ReplyDeleteÝ thứ nhất QA nói chính xác. Thực tế là tên gọi về các thể chế dân chủ, độc tài, hay oligarchy... là do người Hy Lạp đặt ra, nếu không nhầm là Aristotle, căn cứ vào thực tế các chính quyền hết sức đa dạng ở các thành bang Hy Lạp có quy mô nhỏ.
"Dân chủ cướp biển" thực ra là chế độ độc tài, vì trong một xã hội mà các thành viên hàng ngày "mặt nhìn mặt" thì dĩ nhiên số đông phải bầu cho kẻ mạnh. Hình thức "dân chủ" này không chỉ có ở xã hội cướp biển, nó tồn tại tương đối phổ biến ở các bộ lạc.
ReplyDeleteVả lại "dân chủ" không đối lập với "độc tài", bởi lấy 51% thống trị 49% cũng là chế độ toàn trị. "Dân chủ" như chúng ta hiểu ngày nay, tuy có kế thừa một số tư tưởng của người Hy Lạp cổ, nhưng bản chất thì khác hẳn, nó chấp nhận sự cai trị của đa số nhưng không xâm phạm quyền tự do của thiểu số.
Còn việc mở rộng bờ cõi thì dân chủ hay độc tài đều "dễ" như nhau. Nhìn nước Pháp của Napoleon và nước Pháp dân chủ sau này thì thấy rõ. Nước Anh cũng vậy.
"Constitutional democracy", có lẽ nên dịch là "Dân chủ Hiến trị".
ReplyDelete