Wednesday, April 8, 2009

Mua bán thuốc lá có phải là giao dịch bị ghê tởm?

Nói rộng ra, giao dịch bị ghê tởm mà tôi nhắc đến ở bài trước là một loại hành vi kinh tế có ảnh hưởng ngoại vi (externality) đến nhiều người khác trong xã hội. Có điều ảnh hưởng ngoại vi được nhấn mạnh ở đây thuộc về khía cạnh quan điểm, chuẩn mực, thước đo của những người bị ảnh hưởng, chứ không phải là ảnh hưởng ngoại vi thông thường trong kinh tế học, có thể đo bằng các tiêu chuẩn khách quan.

Việc hút thuốc lá gây ảnh hưởng ngoại vi rất nhiều đến những người xung quanh phải hít khói thuốc. Thậm chí, vì ảnh hưởng của nó đến sức khỏe người hút thuốc tương đối lớn, nên nhìn rộng ra về quan hệ gia đình thì nó cũng có ảnh hưởng ngoại vi xấu đến các thành viên khác trong gia đình: Cho dù mỗi cá nhân có quyền quyết định giữa việc giảm tuổi thọ và cảm giác khoan khoái nhờ thuốc lá, thì việc họ giảm tuổi thọ cũng gián tiếp ảnh hưởng xấu đến gia đình họ. Vì thế, một động thái chuẩn mực để chỉnh sửa sự thiếu sót của thị trường thuốc lá là đánh thuế thuốc lá.

Tuy vậy, đấy là nói đến việc hút thuốc. Còn chuyện buôn bán giao dịch thuốc lá, theo tôi, không thuộc về phạm vi các giao dịch bị ghê tởm. Tôi nghĩ không nhiều người muốn đặt thuốc lá hoàn toàn ra khỏi thị trường: phần lớn chấp nhận việc hút thuốc là một phần của xã hội, dù họ không muốn nó ở gần mình. Do đó, phần lớn chấp nhận việc đánh thuế thuốc lá rất nặng, và để cho giao dịch thuốc lá diễn ra tự do dưới mức thuế đó.

Đấy chính là cách hầu hết các nước xử lý vấn đề thuốc lá hiện nay. Bản đồ dưới đây của The Economist cho thấy tỷ lệ thuế thuốc lá trên thế giới. Hầu hết các nước đánh thuế rất cao, song ngành công nghiệp thuốc lá vẫn hoạt động tốt. Nếu như xã hội có thể chấp nhận một tỷ lệ thuế suất rất cao đối với những giao dịch bị ghê tởm, song vẫn cho phép chúng (trong khuôn khổ pháp lý), thì có lẽ sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Ví dụ, có thể hợp pháp hóa hoạt động mại dâm (người trưởng thành), đồng thời đánh thuế rất cao, và dùng tiền thuế để hoạt động xã hội, mở rộng trường học, chống buôn người vv. Hay là hợp pháp hóa thị trường bộ phận cơ thể (thận chẳng hạn), đánh thuế cao, và dùng tiền thuế để giúp đỡ những người cần cấy ghép bộ phận cơ thể mà không có đủ tiền. Chắc tôi sẽ viết thêm về vấn đề thị trường bộ phận cơ thể và giao dịch bị ghê tởm khi có thời gian.


Update: Về "lãi" như Lê Tuấn nói, hay cũng có thể gọi là phần dư phúc lợi xã hội: trong điều kiện chung thì tồn tại một mức thuế vừa đủ để phúc lợi xã hội tốt nhất. Phúc lợi ở đây hiểu nôm na là lợi ích của các giao dịch, trừ đi những hậu quả bất lợi, trong đó có tính đến sự phản cảm của một số thành phần xã hội. Nếu như sự phản cảm quả thực rất lớn, ví dụ trong trường hợp giao dịch "giết người trả thù" thời nay, thì đúng là mức thuế tối ưu sẽ phải vô cùng cao, tương đương với việc cấm đoán hoàn toàn.

Như blueghost, phải nói là ở đây còn nhiều vấn đề khác dính đến quyền và tự do cá nhân nữa.) Tuy vậy, trong nhiều trường hợp khác, ví dụ như mại dâm, tôi nghĩ là mức thuế tối ưu có thể cao, mà vẫn tạo ra thị trường tương đối nhộn nhịp, hơn nữa có thể giảm rất nhiều rủi ro của thị trường "đen" phi pháp như hiện nay. Tôi không nói đến chuyện sẽ làm mất hoàn toàn thị trường đen: hễ có thuế, là có khả năng trốn thuế; tuy nhiên việc có một thư thuế minh bạch, hợp pháp, thì chung quy vẫn có nhiều điểm lợi thế hơn là để hoàn toàn một thị trường phi pháp, với đủ loại "thuế" phi pháp.

Nói về thị trường mại dâm, có một lý do chính đáng để cấm, hoàn toàn dựa vào quan niệm phúc lợi chứ không phải là quan điểm đạo đức (vốn tương đối khó định nghĩa và ủng hộ trong khuôn khổ triết học hiện đại). Khi có thời gian tôi sẽ viết thêm.

5 comments:

  1. Cũng như thị trường thuốc lá, việc đánh thuế rất cao diễn ra cảnh có thị trường trốn thuế. Việc này liệu có ảnh hưởng nhiều nếu legalize những thị trường vốn đã sống trong bóng tối quá lâu rồi không?

    Em cũng chưa có thời gian tìm hiểu thử những nước như Hà Lan, Đức hay Úc, liệu thị trường mại dâm hợp pháp hoạt động hiệu quả đến chừng nào.

    Chuyện mua bán bộ phận cơ thể, nếu legalize có lẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề :D

    ReplyDelete
  2. Đánh thuế cao thì 1 phần thuế sẽ phải dùng để ngăn chặn tác hại do việc đấy gây ra, phần "lãi" mời dùng cho các việc có ích.
    Vấn đề ở đây là phải đánh thuế cao bao nhiêu thì mới có "lãi".

    mà cu ơi, sửa assistant professor thành associate professor thì mới hợp lý chứ?

    ReplyDelete
  3. Lê Tuấn: Assistant prof thôi, chưa phải là associate prof đâu. Ở Việt Nam có một tranh luận nho nhỏ về cách dịch hai chữ này. Thực ra, khác biệt lớn nhất là trong hệ thống Đại học của Mỹ thì các chức danh đều được quyết định ở cấp trường, chứ không phải bởi một hội đồng cấp nhà nước. Còn thì hai chức danh này đều nằm trong tenure track, assistant prof thì trước (thấp hơn) associate prof. Assistant prof thì chắc chắn là chưa có tenure, còn associate prof thì có nơi quy định đã có tenure, có nơi quy định là chưa, có nơi thì trộn cả hai kiểu. Cùng chung là ass prof cả.

    ReplyDelete
  4. Tôi không nghĩ mua bán thuộc là thuộc hành vi giao dịch bị ghê tởm. Vấn đề ở đây chỉ là hiệu ứng ngoại vi (ô nhiễm, chi phí sức khỏe công cộng...) và do đó thuế thuốc là nhằm tính tới chi phí này.
    Theo tôi hiểu, giao dịch bị ghê tởm là khi hành vi đó ảnh hưởng tới norms đạo đức của xã hội. Ví dụ như mua bán dâm, mua bán bộ phận thân thể...Tôi không nghĩ việc hút thuốc lá hay xả khói gây ô nhiễm môi trường thuộc nhóm này.

    Hơi tò mò muốn biết lý do phúc lợi xã hội để cấm mại dâm theo QA là gì? Vì lợi ích y tế công cộng (mại dâm làm tăng bệnh dịch và chi phí y tế) hay là vì gì?

    ReplyDelete