Wednesday, April 1, 2009

Trợ giúp phát triển

Tôi rất thích xem những mẩu viết ngắn gọn có biểu đồ kiểu này trên The Economist (Daily Chart): What rich countries gave in foreign aid last year

Biểu đồ này thể hiện tỷ lệ trợ giúp phát triển (Aid) chia theo GDP. Như chờ đợi, các nước Scandinavia đứng rất cao (trừ Phần Lan không thấy đâu), còn Mỹ tương đối thấp trong biểu đồ này. Tuy vậy, những quan sát kiểu này dễ dẫn đến kết luận trực giác về sự hào phóng trong việc trợ giúp người nghèo, mà không kể đến nhiều yếu tố khác. (The Economist thì không nói gì về độ hào phóng cả, nhưng người đọc có thể ngộ nhận.)

Thử nghĩ đơn giản, Aid là hàm của GDP và độ hào phóng HP: Aid(GDP,HP). Biểu đồ cho thấy tỷ lệ Aid/GDP, và nhiều người có thể rút ngay kết luận rằng độ HP của Pháp hay Anh cao hơn Mỹ nhiều. Kết luận này đúng ví dụ như Aid = GDP*HP (khi đó Aid/GDP chính là HP); nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Thứ nhất, tôi đoán Aid ở đây chỉ tính Aid của chính phủ không. Kích thước chính phủ Mỹ, đo bằng Ngân sách/GDP, thấp hơn Pháp/Anh rất nhiều, (và thua xa các nước Scandinavia). Nếu như Aid = Ngân sách * HP, thì HP tính bằng Aid/Ngân sách: so sánh các nước đã khác biểu đồ này nhiều rồi.

Thứ hai, có thể so sánh Aid như là quà của nước phát triển cho các nước nghèo, như một thành phần của các giao dịch kinh tế giữa từng nước giàu với nước nghèo. Nói như vậy, thì có thể coi Aid = (Trade + Capital Flow với nước nghèo)*HP. Vì Mỹ là nước có thị trường nội địa rất lớn, nên tôi đoán là giao thương của Mỹ với nước nghèo không quá nhiều nếu tính tỷ lệ trên GDP so với Pháp hay Thụy Điển. Vì thế nếu tính HP = Aid/(Trade + Capital Flow với nước nghèo) thì tỷ lệ này có thể không chênh lệch mấy giữa Mỹ với Pháp, Thụy Điển. (Chú ý: các nước châu Âu có tỷ lệ mở cửa kinh tế (Trade/GDP) cao hơn Mỹ rất nhiều, nhưng ở đây chỉ tính Trade với các nước nghèo thôi.)

Còn nhiều lý do khác cần nghĩ qua trước khi kết luận về độ hào phóng của mỗi nước. Nhận xét cuối là ở Mỹ việc thiện nguyện chủ yếu hoạt động qua các tổ chức tư nhân (phi lợi nhuận), trong khi ở châu Âu người dân dựa vào Nhà nước là chính. Ví dụ tương tự, ở Mỹ thì người Cộng hòa đóng góp từ thiện nhiều hơn người Dân chủ nhiều, một phần vì người Cộng hòa không tin vào hoạt động chính phủ, còn người Dân chủ muốn chính phủ thực hiện hoạt động xã hội. Nhìn vào Aid như vậy chỉ là một phần phiến diện khi nói đến độ hào phóng của mỗi nước.

1 comment:

  1. Interesting!

    Thêm một điểm nữa Aid=domestic aid + overseas aid. Nếu Aid=f(HP) thì chưa chắc overseas aid nhỏ chứng tỏ HP nhỏ.

    Trước đây tôi có đọc được một bài báo nói rằng số lượng aid tư nhân của Mỹ thuộc loại cao trên thế giới. Nhưng có lập luận cho rằng rất nhiều NGO của Mỹ được tính là private aid nhưng thực ra nhận tiền từ chính phủ Mỹ.

    ReplyDelete